BÀI 5: KHÚC HÁT RU NHỮNG EM BÉ LỚN TRÊN LƯNG MẸ – Nguyễn Khoa Điềm
Bài viết giúp các em lớp 9 nắm chắc toàn bộ về bài thơ Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ và luyện tập các câu hỏi Đọc – Hiểu. Đây cũng là tài liệu hữu ích để các em học sinh lớp 9 ôn thi vào 10. Ngoài ra bài viết cũng được soạn thảo với mục đích giúp các thầy cô giáo có thêm tài liệu tham khảo để soạn bài Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ.
A. KIẾN THỨC CƠ BẢN:
Giới thiêu tác giả Nguyễn Khoa Điềm | – Nguyễn Khoa Điềm (1943), quê ông ở Thừa Thiên Huế trong gia đình trí thức cách mạng. – Nguyễn Khoa Điềm là gương mặt tiêu biểu trong thế hệ các nhà thơ chống Mĩ.- Thơ Nguyễn Khoa Điềm không cầu kì về hình thức, câu chữ tự nhiên, đời thường, lời thơ nhẹ nhàng, tha thiết nhưng cũng đậm chất suy tư, dồn nén cảm xúc, thể hiện tâm tư của người trí thức tham gia vào cuộc chiến đấu của nhân dân.- Tác phẩm tiêu biểu: “Đất ngoại ô” ( thơ, 1973), “Cửa thép” (kí,1972), “Mặt đường khát vọng”(trường ca, 1974)… |
Giới thiệu bài thơ Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ | – Bài thơ được Nguyễn Khoa Điềm sáng tác năm 1971 – những năm tháng quyết liệt của cuộc kháng chiến chống Mĩ. Giai đoạn này, cuộc sống của bộ đội và nhân dân ta trên các chiến khu rất gian nan, thiếu thốn. Ở những chiến khu miền rừng núi, cán bộ và nhân dân ta vừa bám rẫy,bám rừng vừa gia tăng sản xuất, vừa sẵn sàng chiến đấu bảo vệ căn cứ.
– In trong tập “Đất và khát vọng” ( 1984). |
Thể loại | Thơ tám chữ |
Mạch cảm xúc và bố cục | * 3 đoạn tương đương với ba khúc hát ru, mỗi đoạn có hai khổ thơ:
– Khúc thứ nhất: Khúc hát ru của người mẹ thương con, thương bộ đội. – Khúc thứ hai: Khúc hát ru của người mẹ thương con, thương dân làng. – Khúc thứ ba: Khúc hát ru của người mẹ thương con, thương đất nước. |
Ý nghĩa nhan đề Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ | – Nhan đề bài thơ có tính khái quát: Em Cu Tai là một hình ảnh cụ thể, nhưng còn có bao nhiêu em bé đã lớn lên trên lưng của những bà mẹ người dân tộc Tà-ôi. Cũng có bao nhiêu bà mẹ ngoài đời nhưng nhà thơ lại chỉ viết về một bà mẹ mà thôi. – Nhan để bài thơ cũng là một ý thơ: Bài thơ ca ngợi người mẹ miền núi, cũng là người mẹ Việt Nam, kết hợp lòng thương con, yêu con với yêu bộ đội, yêu thương dân làng, yêu nước. Hình ảnh người mẹ là hình ảnh tượng trưng đã nuôi lớn những người con của mình để hiến dâng cho cuộc kháng chiến giành độc lập tự do của Tổ quốc. |
PT biểu đạt | Biểu cảm+ Tự sự+ Miêu tả |
Chủ đề | Bài thơ ca ngợi tấm lòng đôn hậu, dạt dào tình thương con của bà mẹ Tà ôi ; tình thương con gắn liền với tình yêu nước, yêu bộ đội Cụ Hồ, yêu bà con làng bản quê hương. |
Giá trị nội dung bài thơ Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ | – Bài thơ là khúc hát ru, cũng là lời tâm tình tha thiết của người mẹ Tà – ôi đối với đứa con yêu đang từng ngày lớn lên trên lưng mẹ. Bài thơ bộc lộ tình yêu thương đằm thắm của người mẹ đối với con, tình cảm gắn bó với quê hương, với cuộc sống lao động và chiến đấu nơi núi rừng chiến khu, dù còn gian nan vất vả; đồng thời gửi gắm ước vọng con mau lớn khôn, khỏe mạnh, trở thành công dân của một đất nước tự do. |
Giá trị nghệ thuật bài thơ Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ | Bài thơ như những điệp khúc của lời ru vừa ngọt ngào, trìu mến vừa tha thiết, mãnh liệt, với mỗi khúc ru lại mở ra một trường cảm xúc mới.Bài thơ có nhiều hình ảnh đẹp, giàu sức biểu đạt và biểu cảm như: “Nhịp chày nghiêng giấc ngủ em nghiêng”; “Mặt trời của bắp thì nằm trên đồi – Mặt trời của mẹ, em nằm trên lưng”… |
B. KIẾN THỨC TRỌNG TÂM
* Khái quát: Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ được Nguyễn Khoa Điềm sáng tác ở chiến khu phía Tây Thừa Thiên vào ngày 25/3/1971, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ đang dần đi đến thắng lợi, tuy nhiên đời sống chiến đấu của quân dân ta còn nhiều khó khăn gian khổ. Bài thơ được in trong tập Đất và khát vọng (1984), là sự kết hợp giữa thể thơ tám chữ và một số câu 7 chữ, âm điệu của bài thơ nhẹ nhàng, như ôm ấp, vỗ về của một lời ru, chính giọng điệu trữ tình này đã thể hiện được tình cảm thiết tha trìu mến của người mẹ đối với con, đối với cách mạng, với đất nước, quê hương.
Phân tích Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ về nội dung và nghệ thuật
* Bài thơ có hai lời ru đan xen nhau được chia tách ra thành 3 đoạn với những điệp khúc và nhịp điệu láy đi láy lại tạo nên âm hưởng dìu dặt, tha thiết, trìu mến. Cả hai lời ru đều hướng tới một đối tượng trữ tình: em cu Tai.
Thứ nhất là lời ru của nhà thơ mở đầu bằng điệp khúc :
“Em cu Tai ngủ trên lưng mẹ ơi – Em ngủ cho ngoan đừng rời lưng mẹ”.
Thứ hai là lời ru của người mẹ với điệp khúc:
“Ngủ ngoan a – kay ơi, ngủ ngoan a kay hỡi”
Mỗi đoạn thơ trong bài thơ là một khúc hát ru và cả bài thơ là ba khúc hát ru tất cả đều hay, đều đằm thắm, ngọt ngào trong tình yêu và khát vọng của người mẹ Tà ôi.
1. Phân tích tình cảm của người mẹ Tà Ôi trong khúc hát ru thứ nhất
a. Người mẹ Tà Ôi hiện lên là một người mẹ giầu tình thương con và giầu lòng yêu nước
– Qua lời ru của tác giả, ta thấy người mẹ ấy luôn địu con trên lưng trong lúc làm việc, dù cho công việc có nặng nhọc, dù mẹ có vất vả thì em Cu Tai vẫn luôn bên mẹ:
“Mẹ giã gạo, mẹ nuôi bộ đội
Nhịp chày nghiêng, giấc ngủ em nghiêng
Mồ hôi mẹ rơi má em nóng hổi
Vai mẹ gầy nhấp nhô làm gối,
Lưng đưa nôi và tim hát thành lời:”
Nghệ thuật | Nội dung |
Hình ảnh sóng đôi “nhịp chày nghiêng” và “giấc ngủ em nghiêng” | Đã vẽ lên hình ảnh người mẹ đang giã gạo chày tay trong khi đứa con nhỏ đang ngủ trên lưng, nhịp chày nghiêng, kéo theo giấc ngủ con nghiêng. Người mẹ ấy vẫn để Cu Tai có giấc ngủ trọn vẹn trên lưng mẹ. Tưởng như trong từng động tác của nhịp chày giã gạo cũng đã ngân lên nhịp điệu ru ngọt ngào và nhịp đưa em đều đặn an bình như trên một cánh võng êm. |
Bằng ngòi bút tả thực, tác giả miêu tả “Mồ hôi mẹ rơi má em nóng hổi” | Tô đậm nỗi vất vả nhọc nhằn của mẹ. |
Hình ảnh “Vai mẹ gầy” | Gợi vóc dáng nhọc nhắn, lam lũ của mẹ. Nhưng cũng chính đôi vai gầy ấy lại hóa thành chiếc gối êm đưa con vào giấc ngủ. |
Câu thơ “ lưng đưa nôi…” | đã diễn tả sâu sắc và cảm động tình mẹ yêu con. Người mẹ Tà ôi lấy thân mình làm nôi, vai gầy làm gối và ru con không chỉ bằng lời ru thông thường mà ru con bằng lời ru từ trái tim, từ tình yêu con tha thiết sâu thẳm trong lòng mẹ. |
=> Người mẹ ấy hy sinh nhiều vô kể, mang nặng đẻ đau, đôi tay tảo tần giã gạo, đôi vai làm chiếc gối, tấm lưng làm chiếc nôi và hát ru con ngủ bằng cả trái tim yêu thương tràn đầy. |
– Trong lời ru của mẹ, mẹ đã gửi gắm, mong muốn bao điều tốt đẹp cho con:
“Mẹ thương A -Kay, mẹ thương bộ đội”
Con mơ cho mẹ hạt gạo trắng ngần
Mai sau con lớn vung chày lún sân”
Nghệ thuật | Nội dung |
Điệp ngữ “mẹ thương” xuất hiện trong câu thơ ngắt hai vế đều đặn | đã cho thấy người mẹ thương con như thương bộ đội, lòng yêu con gắn liền với tình yêu người kháng chiến. |
Hình ảnh “ hạt gạo trắng ngần” | Cho thấy người mẹ Tà Ôi mong có gạo để nuôi bộ đội, mẹ còn mơ một cuộc sống no đủ, êm đềm đến với con. |
Hình ảnh “ vung chày…” | Còn cho thấy mẹ ước mong con trưởng thành, khỏe mạnh, lao động giỏi. |
-> Những mong ước ấy thật chân thật và cao quý vì đó là điều mong mỏi của người mẹ lao động nghèo dành cho con và cho kháng chiến. |
-
Phân tích khúc hát ru thứ 2.
Hình ảnh người mẹ Tà Ôi với công việc lao động sản xuất trên chiến khu.
“Mẹ đang tỉa bắp trên núi Ka -lưi”
Lưng núi thì to mà lưng mẹ nhỏ
Em ngủ ngoan em, đừng làm mẹ mỏi.
Mặt trời của bắp thì nằm trên đồi,
Mặt trời của mẹ, em nằm trên lưng.”
Nghệ thuật | Nội dung |
Thủ pháp tương phản « lưng…” | làm nổi bật sự lớn lao mênh mang của núi rừng, đồng thời làm nổi bật được hình ảnh vất vả tảo tần của người mẹ. Tấm lưng mẹ tuy nhỏ nhắn nhưng bền bỉ thậm chí còn kiêu hãnh hơn lưng núi, bởi trên lưng mẹ có “mặt trời” là người con yêu thương |
hình ảnh ẩn dụ « mặt trời » | gợi lên thật sâu sắc, cảm động tình mẹ yêu con
– « Mặt trời của bắp » là mặt trời thực của thiên nhiên, vũ trụ. – « Mặt trời của mẹ » là hình ảnh ẩn dụ về con. Con là nguồn sống, là năng lượng tiếp sức cho mẹ trong công việc lao động vất vả, cũng giống như ánh mặt trời là nguồn sống, chiếu sáng cho cây bắp được sinh tồn và phát triển. |
Lời ru của mẹ :
“ Mẹ thương A-kay, mẹ thương làng đói
Con mơ cho mẹ hạt bắp lên đều
Mai sau con lớn phát mười ka-lưi”.
Từ tình thương con, mẹ mở rộng sang tình thương bộ đội và sang cả buôn làng.
Nghệ thuật | Nội dung |
“ Hạt bắp lên đều” | ẩn dụ cho cuộc sống no đủ mà mẹ mong ước |
Câu thơ « Mai sau con lớn phát mười ka-lưi”. | Gợi về một ngày mai rất gần, con sẽ trưởng thành, khỏe mạnh, phi thường, đem sự no ấm cho buôn làng |
=> Tình thương gắn liền với những điều ước đó đã cho ta thấy một người mẹ giàu tình thương người và luôn biết sống vì người khác.
3. Phân tích khúc hát ru thứ 3.
– Đặc biệt hơn, hình ảnh người mẹ Tà Ôi trong đoạn thơ này có một sự thay đổi, không chỉ yêu thương con mà còn hành động vì tình yêu một cách dứt khoát mạnh mẽ:
“Mẹ đang chuyển lán, mẹ đi đạp rừng.
Thằng Mỹ đuổi ta phải rời con suối
Anh trai cầm súng, chị gái cầm chông,
Mẹ địu em đi để dành trận cuối.
Từ trên lưng mẹ em đến chiến trường,
Từ trong đói khổ em vào Trường Sơn.”
Nghệ thuật | Nội dung |
Hai động từ “đi” kết hợp hình ảnh liệt kê “chuyển lán, đạp rừng” | Gợi hình ảnh người mẹ đang bảo vệ căn cứ, di chuyển lực lượng để kháng chiens lâu dài với tinh thần quyết tâm cao |
Phép liệt kê “anh trai cầm súng, chị gái cầm chông” và em Cu -Tai cũng theo mẹ « giành trận cuối” | Gợi một gia đình, một dân tộc cùng đứng lên chống lại kẻ thù chung, cho thấy sự lướn mạnh của quân đội ta |
Cấu trúc « từ…đến » | Gợi sự trưởng thành của em Cu tai từ trên lưng mẹ đã khôn lớn |
=> Từ tình thương con, thương bộ đội đến tình thương làng, thương đất nước, ta thấy tình thương của mẹ ngày càng rộng mở, người mẹ thật giầu đức hi sinh. |
– Đó là cơ sở cho những ước mơ thật đẹp:
“Con mơ cho mẹ được thấy Bác Hồ.
Mai sau con lớn làm người Tự do”
– Trong tình cảm của người Tà -ôi cũng như của những người con Miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mĩ thì Bác Hồ – người cha của dân tộc luôn là nguồn động viên, là biểu tượng của chiến thắng, là hình ảnh của đất nước tự do.
– Bởi vậy mong được gặp Bác là cảm xúc thường trực, dù cho lúc này Bác đã mất, bởi lẽ chỉ có thống nhất mẹ mới được ra với Bác. Giấc mơ đẹp gắn liền với ước mơ giành trọn vẹn non sông, thoả lòng Bác mong.
– Lời ru kết lại cùng hình ảnh em Cu -Tai của tương lai là “người Tự do” của một đất nước hoà bình. Đó cũng là mong ước chung của nhân dân, của những người Việt Nam yêu nước.
=>Người mẹ Tà Ôi quả là một người mẹ yêu nước nồng nà và luôn tha thiết với độc lập tự do của Tổ Quốc.
4. Kết luận:
– Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ của Nguyễn Khoa Điềm đã tạo ra được những cảm xúc đồng điệu với bao người con miền Nam anh dũng thời chống Mĩ, nói lên trọn vẹn vẻ đẹp và tâm tư của người dân tộc miền Tây Thừa Thiên trung dũng kiên cường, thuỷ chung với cách mạng. Cảm xúc bình dị trong sáng với hình tượng người mẹ đã làm nên sức hấp dẫn riêng của tác phẩm. Từ ngôn ngữ đến hình ảnh thơ đều đậm chất dân tộc, đem đến cho người đọc những cảm nhận đặc biệt thương mến cùng hoà theo lời ru cho giấc ngủ thanh bình của em bé Tà ô
Bài viết liên quan:
>>Cẩm nang ngữ văn 9 (Toàn bộ các tác phẩm văn học lớp 9)
LUYỆN ĐỀ KHÚC HÁT RU NHỮNG EM BÉ LỚN TRÊN LƯNG MẸ
ĐỀ ĐỌC- HIỂU KHÚC HÁT RU NHỮNG EM BÉ LỚN TRÊN LƯNG MẸ – SỐ 1:
Đọc kỹ đoạn trích và trả lời các câu hỏi sau:
“…Em ngủ ngoan đừng làm mẹ mỏi
Mặt trời của bắp thì nằm trên đồi
Mặt trời của mẹ em nằm trên lưng…”
Câu 1: Đoạn thơ trên nằm trong văn bản nào? Do ai sáng tác?
Câu 2: Nêu biện pháp tu từ nổi bật trong đoạn thơ trên? Cho biết tác dụng của phép tu từ đó?
Câu 3: Theo em ý nghĩa của văn bản trên là gì?
Câu 4: Em hiểu thế nào về những ước mong, ý chí của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ được thể hiện trong văn bản đó.
Câu 5: Cùng đề tài trên, nhà thơ Chế Lan Viên viết:
“…Lên rừng xuống bể
Cò sẽ tìm con,
Cò mãi yêu con.
Con dù lớn vẫn là con của mẹ,
Đi hết đời lòng mẹ vẫn theo con…”
(Con cò– Chế Lan Viên- Ngữ văn 9)
Hãy viết một đoạn văn bản nghị luận trình bày suy nghĩ của mình về tình mẹ.
Hướng dẫn trả lời
Câu 1: Đoạn thơ trên trích trong văn bản “Khúc hát ru những em bé lớn lên trên lưng mẹ” của Nguyễn Khoa Điềm
Câu 2: Biện pháp tu từ nổi bật trong đoạn thơ trên: Ẩn dụ
Từ “Mặt trời” trong câu thơ thứ hai chỉ em bé nằm trên lưng mẹ
Tác dụng: làm cho câu thơ thêm sinh động, gợi cảm. Thể hiện sự gắn bó của đứa con với người mẹ,đó là nguồn sống, nguồn nuôi dưỡng, niềm tin của mẹ vào ngày mai.
Câu 3: Ý nghĩa văn bản: Ca ngợi tình cảm thiết tha cao đẹp của bà mẹ Tà-ôi dành cho con, cho quê hương cho đất nước trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước
Câu 4: HS bộc lộ suy nghĩ đúng đắn, hợp lý với yêu cầu đề bài
Câu 5:
- Yêu cầu về kỹ năng
– Đúng phương pháp kiểu bài nghị luận xã hội.
– Bố cục và hệ thống ý sáng rõ.
– Biết vận dụng và phối hợp nhiều thao tác nghị luận (giải thích, chứng minh, bình luận…)
– Diễn đạt ý mạch lạc, lập luận chặt chẽ, dẫn chứng cụ thể thuyết phục. không mắc lỗi diễn đạt; không sai lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp; trình bày rõ rang.
– Dựng đoạn có sự liên kết tốt.
– Bài làm viết một đoạn văn:
- Yêu cầu về kiến thức
– Dẫn dắt, giới thiệu vấn đề nghị luận
– Giải thích ngắn
– Nêu biểu hiện ( dẫn chứng)
– Tại sao? Giá trị
– Phê phán những biểu hiện lệch lạc, sai trái
– Bài học nhận thức, liên hệ bản thân
ĐỀ ĐỌC- HIỂU KHÚC HÁT RU NHỮNG EM BÉ LỚN TRÊN LƯNG MẸ – SỐ 2:
Cho câu thơ sau:
“Mẹ giã gạo mẹ nuôi bộ đội
Nhịp chày nghiêng giấc ngủ em nghiêng”
(“Khúc hát ru những em bé lớn lên trên lưng mẹ”– Nguyễn Khoa Điềm – Ngữ văn 9)
Câu 1: Phân biệt nghĩa của từ “nghiêng” trong câu thơ trên? Cho biết đó là hiện tượng gì trong tiếng Việt?
Câu 2: Trong bài thơ“ Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ“, tại sao chỉ có một em cu Tai mà tác giả lại viết là “những em bé lớn trên lưng mẹ”? Nhan đề bài thơ có ý nghĩa như thế nào?
Câu 3: Viết đoạn văn khoảng 8- 10 câu theo cách diễn dịch cảm nhận về cái hay của hai câu thơ trên, trong đoạn văn sử dụng ít nhất một câu ghép và thành phần biệt lập tình thái.
Hướng dẫn trả lời
Câu 1: Phân biệt nghĩa của từ “nghiêng” trong câu thơ trên? Cho biết đó là hiện tượng gì trong tiếng Việt?
– Từ “nghiêng” trong “giấc ngủ em nghiêng” được sử dụng với nghĩa chuyển miêu tả trạng thái của giấc ngủ, đứa trẻ trên lưng mẹ ngủ không yên giấc, nghiêng theo nhịp chày giã gạo, nỗi vất vả của người mẹ lan truyền sang đứa con, em cu Tai chia sẻ gian truân cùng với mẹ.
– Đây là hiện tượng chuyển nghĩa của từ trong tiếng Việt.
Câu 2: Trong bài thơ“ Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ“, tại sao chỉ có một em cu Tai mà tác giả lại viết là“ những em bé lớn trên lưng mẹ“? Nhan đề bài thơ có ý nghĩa như thế nào?
– Chỉ có một em cu Tai, nhưng tác giả lại viết là những em bé. Đây là cách khái quát ở trong thơ. Em cu Tai là một hình ảnh cụ thể, nhưng có bao nhiêu em bé ở rừng đã lớn trên lưng của các bà mẹ người dân tộc Tà- ôi. Cũng có bao nhiêu bà mẹ ngoài đời, nhưng nhà thơ lại chỉ viết một từ mẹ mà thôi. Một em bé để nói rất nhiều em bé. Một bà mẹ , nhưng là để nói về nhiều người mẹ.
– Nhan đề bài thơ là một ý thơ. Bài thơ ca ngợi người mẹ miền núi, cũng là người mẹ Việt Nam, kết hợp lòng thương con, yêu con với yêu thương bộ đội, yêu thương dân làng, yêu nước. Hình ảnh người mẹ là hình ảnh tượng trưng đã nuôi lớn những người con của mình để hiến dâng cho cuộc kháng chiến giành độc lập, tự do của Tổ quốc.
Câu 3:
* Đoạn văn tham khảo:
(1) Hai câu thơ:
“Mẹ giã gạo mẹ nuôi bộ đội
Nhịp chày nghiêng giấc ngủ em nghiêng”
miêu tả người mẹ trong công việc giã gạo nuôi quân.
(2) Nếu câu thơ trên tả thực thì câu thơ dưới thể hiện tình cảm gắn bó sâu nặng giữa mẹ và con.
(3) Tác giả vừa miêu tả công việc giã gạo nặng nhọc của người mẹ, vừa miêu tả giấc ngủ chập chờn, giấc ngủ nghiêng của cu Tai trên lưng mẹ.
(4) Dường như chú bé cũng thấy được nỗi vất vả và ý nghĩa đẹp đó trong việc làm của mẹ nên hơi thở em hoà cùng hơi thở mẹ và em ngủ ngoan cho mẹ yên lòng.
(5) Từ “nghiêng” trong “giấc ngủ em nghiêng” được sử dụng với nghĩa chuyển miêu tả trạng thái của giấc ngủ, đứa trẻ trên lưng mẹ ngủ không yên giấc, nghiêng theo nhịp chày giã gạo, nỗi vất vả của người mẹ lan truyền sang đứa con, em cu Tai chia sẻ gian truân cùng với mẹ.
(6) Nếu ai đà từng chứng kiến cảnh giã gạo bằng chày trong cối gỗ của đồng bào miền núi thì mới thấy hết sự vất vả khi biến hạt thóc thành hạt gạo trắng ngần.
(7) Nhà thơ đã chọn lựa những động tác tiêu biểu để miêu tả công việc giã gạo nặng nhọc và thế hiện tình mẹ con chân chất, sâu nặng của người mẹ miền núi.
(8) Cảnh tượng mộc mạc ấy đâ làm xúc động lòng người.
– Câu ghép: (2), (4), (5)
– Thành phần tình thái: Dường như