Cẩm nang ngữ văn 9 – Toàn bộ về “Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga”

BÀI 19: LỤC VÂN TIÊN CỨU KIỀU NGUYỆT NGA – Nguyễn Đình Chiểu

Bài viết giúp các em lớp 9 nắm chắc toàn bộ về Truyện Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga của Nguyễn Đình Chiểu và luyện tập các câu hỏi Đọc – Hiểu. Đây cũng là tài liệu hữu ích để các em học sinh lớp 9 ôn thi vào 10. Ngoài ra bài viết cũng được soạn thảo với mục đích giúp các thầy cô giáo có thêm tài liệu tham khảo để soạn bài Truyện Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga của Nguyễn Đình Chiểu.

A. KIẾN THỨC CƠ BẢN:

Giới thiệu tác giả Nguyễn Đình Chiểu – Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888) sinh tại làng Tân Thới- phủ Tân Bình – Gia Định.
– Cuộc đời của Nguyễn Đình Chiểu có nhiều đau khổ, bất hạnh: mù loà, công danh không thành, tình duyên trắc trở, gặp buổi loạn li.- Ông là người có nghị lực sống phi thường, không chịu gục ngã trước số phận oan nghiệt. Vẫn ngẩng cao đầu mà sống, sống có ích cho đến hơi thở cuối cùng :

+ Là một thầy giáo danh tiếng vang khắp miền Lục Tỉnh.

+ Là một thầy thuốc không tiếc sức cứu nhân độ thế.

+ Là một nhà thơ để lại bao trang thơ bất hủ: Lục Vân Tiên, Chạy giặc, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc.

– Luôn nêu cao lòng yêu nước, tinh thần bất khuất chống giặc ngoại xâm.

=> Một nhân cách lớn khiến “kẻ thù cũng phải kính nể”.

Dù ở cương vị nào ông cũng làm việc hết mình và để lại một tấm gương sáng cho đời.

–         Sự nghiệp văn học : gồm hai đề tài chính :

+ Đề tài đạo lí : Truyện Lục Vân Tiên, Ngư tiều y thuật vấn đáp…

+ Đề tài yêu nước : Chạy giặc, Văn tế nghĩa sĩ Cần giuộc, Văn tế Trương Định…

Xuất xứ Vị trí đoạn trích: Đoạn trích nằm ở phần đầu truyện “Lục Vân Tiên”. Trên đường trở về nhà thăm cha mẹ trước khi lên kinh đô thi, gặp bọn cướp đang hoành hành, Lục Vân Tiên đã một mình làm gậy xông vào đánh tan bọn cướp, cứu Kiều Nguyệt Nga và cô hầu Kim Liên.

Khoảng đầu thập kỷ 50 của thế kỷ 19 (1850)

Thể loại Truyện thơ Nôm – 2082 câu thơ lục bát.

Mang tính chất để kể nhiều hơn để đọc, để xem nên chú trọng đến hành động của nhân vật hơn là miêu tả nội tâm, tính cách nhân vật cũng được bộc lộ chủ yếu qua việc làm, lời nói, cử chỉ.

Bố cục

2 phần

 

–         Phần 1: 14 câu đầu: Lục Vân Tiên đánh cướp Phong Lai để cứu Kiều Nguyệt nga

–         Phần 2: Còn lại: Cuộc trò chuyện giữa Lục Vân Tiên và Kiều Nguyệt Nga

Tóm tắt truyện Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu Tóm tắt “ Truyện Lục Vân Tiên”:

Lục Vân Tiên là con một gia đình thường dân ở quận Đông Thành. Chàng lên núi tầm sư học đạo, trở thành một con người xuất chúng: văn võ kiêm toàn.

Trên đường xuống núi về kinh ứng thi, Vân Tiên đã đánh tan bọn cướp Phong Lai, cứu được Kiều Nguyệt Nga, một thiếu nữ vóc ngọc mình vàng. Cảm công đức chàng hiệp sĩ, nàng vẽ bức hình Lục Vân Tiên luôn luôn mang theo mình.Vân Tiên ghé thăm gia đình Võ Công – người đã hứa gả con gái cho chàng. Vân Tiên gặp Hớn Minh, Vương Tử Trực (hai người bạn tốt) và Trịnh Hâm, Bùi Kiệm, 2 kẻ xấu xa. Ông Quán đã nói với 4 sĩ tử về lẽ ghét thương ở đời.

Sắp vào trường thi, Vân Tiên nhận được tin nhà. Chàng vội trở về quê chịu tang mẹ . Quá đau khổ mà lâm bệnh, hai mắt bị mù, Vân Tiên bị bọn lang băm, phù thủy, thầy bói lừa gạt lấy hết tiền; Trịnh Hâm đẩy xuống sông hãm hại. Vân Tiên được con giao long và ngư ông cứu thoát. Vân Tiên trở lại nhà Võ Công, bị hắt hủi và bị bỏ vào hang sâu cho chết. Vân Tiên được thần núi và ông Tiều cứu ra, gặp lại Hớn Minh, người bạn nghĩa hiệp. Vương Tử Trực đỗ thủ khoa, tìm đến nhà Võ Công hỏi thăm tin tức Vân Tiên. Võ Công ngỏ ý gả con gái cho Vương Tử Trực, nhưng đã bị chàng mắng nhiếc, y quá nhục mà chết.

Kiều Nguyệt Nga nghe tin Vân Tiên gặp nạn đã qua đời, nàng vô cùng thương tiếc, nguyền sẽ thủ tiết. Tên thái sư trong triều hiến kế cho nhà vua bắt đem Kiều Nguyệt Nga cống cho giặc Ô Qua. Nàng đã ôm theo bức hình Lục Vân Tiên nhảy xuống sông tự tử. Phật Bà Quan Âm đã cứu sống Kiều Nguyệt Nga; sau đó nàng lại dạt vào vườn hoa nhà họ Bùi. Bùi Công muốn nhận Kiều Nguyệt Nga làm con nuôi, nhưng Bùi Kiệm lại nằng nặc đòi lấy nàng làm vợ. Kiều Nguyệt Nga bỏ trốn, nương nhờ lão bà ở giữa rừng sâu.

Lục Vân Tiên nhờ thuốc tiên mà đôi mắt sáng lại. Chàng vội trở lại quê nhà: thăm cha, viếng mộ mẹ, thăm Kiều Công. Chàng lại đi thi, đậu Trạng nguyên; vua sai đi dẹp giặc Ô Qua. Trên đường chiến thắng trở về, Lục Vân Tiên bất ngờ gặp lại Kiều Nguyệt Nga, hai người mừng mừng tủi tủi.

Lục Vân Tiên trở lại triều đình, tâu hết sự tình đầu đuôi. Tên thái sư và bọn gian ác bị trừng phạt, những người nhân nghĩa được đền đáp. Lục Vân Tiên và Kiều Nguyệt Nga nên vợ nên chồng, sống cuộc đời hạnh phúc, vinh hiển.

Kết cấu Theo kiểu truyền thống của loại truyện phương Đông, nghĩa là theo từng chương hồi, xoay quanh cuộc đời các nhân vật chính.

Kiểu kết cấu ước lệ: Người tốt thường gặp nhiều gian truân, trắc trở trên đường đời, bị kẻ xấu hãm hại nhưng vẫn được phù trợ, cưu mang để rồi cuối cùng tai qua nạn khỏi, được đền trả xứng đáng. Kẻ xấu bị trừng trị.

Với mục đích truyện truyền đạo đức thì kiểu kết cấu đó vừa phản ánh chân thực cuộc đời đầy rẫy bất công, vừa nói lên khát vọng ngàn đời của nhân dân ta: ở hiền gặp lành, cái thiện bao giờ cũng chiến thắng cái ác, chính nghĩa thắng gian tà.

Giá trị nội dung truyện Lục Vân Tiên * Giá trị hiện thực: Vạch trần cái ác, cái xấu trong xã hội. Chửi thói gian ác, bất công, chửi những kẻ tráo trở, bội bạc, phản phúc như cha con Võ Công, chửi những kẻ bất nghĩa, bất nhân như Trịnh Hâm, Bùi Kiệm, chửi bọn người làm ăn bất lương chuyên nghề lừa bịp, bóp nặn nhân dân (bọn thầy bói, thầy pháp, bọn lang băm).

* Giá trị nhân đạo: Đề cao đạo lý làm người:

– Xem trọng tình nghĩa giữa con người với con người trong xã hội: tình cha con, mẹ con, nghĩa vợ chồng, tình bè bạn, tình yêu thương cưu mang những người gặp cơn hoạn nạn.

– Đề cao tinh thần nghĩa hiệp, sẵn sàng cứu khổ phò nguy.

– Thể hiện khát vọng của nhân dân hướng tới lẽ công bằng và những điều tốt đẹp trong cuộc đời (kết thúc có hậu của truyện; thiện thắng ác, chính nghĩa thắng gian tà).

Lục Vân Tiên là một tiếng chửi, một lời ca, một ước mơ” – Hoài Thanh.

Giá trị nghệ thuật – Lục Vân Tiên là một truyện thơ Nôm mang tính chất là một truyện kể dân gian: chú ý đến cốt truyện, còn nhân vật chủ yếu thể hiện bằng hành động hơn là miêu tả nội tâm. Nhân vật của Nguyễn Đình Chiểu còn là hoá thân cho lý tưởng hoặc thái độ yêu ghét của ông.

– Truyện mang màu sắc Nam Bộ cả về tính cách con người, cả về ngôn ngữ địa phương.

B. KIẾN THỨC TRỌNG TÂM

Phân tích Đoạn trích Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga

1. Phân tích nhân vật Lục Vân Tiên.

– Nhân vật Lục Vân Tiên được khắc hoạ theo mô típ ở truyện Nôm truyền thống: Một chàng trai khôi ngô tuấn tú, tài giỏi cứu một cô gái thoát nạn, rồi từ ân nghĩa đến tình yêu. Mô típ này thể hiện khát vọng, mong ước của nhân dân và tác giả về một xã hội có những con người tài đức, luôn sẵn sàng ra tay giúp người, giúp đời,

– Lục Vân Tiên là một nhân vật lý tưởng và mơ ước của Nguyễn Đình Chiểu. Đây là một chàng trai vừa rời trường học bước vào đời, lòng đầy hăm hở muốn lập công danh, mong thi thố tài năng cứu người, giúp đời. Tình huống đánh cướp là thử thách đầu tiên, là cơ hội hành động cho chàng.

a. Lục Vân Tiên khi đánh cướp Phong Lai :

* Lục Vân Tiên như một vị hảo hán mang tinh thần nghĩa hiệp :

“Vân Tiên ghé lại bên đàng

Bẻ cây làm gậy nhằm làng xông vô

Kêu rằng: “Bớ đảng hung đồ”

Chớ quen làm thói hồ đồ hại dân”

         – Hành động “ghé lại bên đàng” cho thấy chàng không băn khoăn do dự khi đánh cướp phong lai nó phù hợp với tinh thần hăm hở của chàng trai trẻ vừa mới rời ghế nhà trường muốn lập công danh thi thố tài năng để giúp đời giúp người bọn cướp phong lai là một thử thách xong là một cơ hội cho chàng hành động.

– Hành động gan góc, mau lẹ “bẻ cây làm cậu gậy”  chứng tỏ chàng không màng an nguy của bản thân.

– Hành động nghĩa hiệp của Lục Vân Tiên trước hết bộc lộ tính cách anh hùng, tài năng và tấm lòng vị nghĩa của Lục Vân Tiên. Vẻ đẹp của Lục Vân Tiên là vẻ đẹp riêng của con người dũng tướng. Thấy bọn cướp hại người, kẻ khác có thể né tránh, giữ mình, còn Vân Tiên coi đó là tình huống, cơ hội đầu tiên để hành động. Chàng chỉ có một mình, trong khi bọn cướp đông người, gươm giáo đầy đủ, thanh thế lẫy lừng: “Người đều sợ nó, có tài không đương”. Vậy mà Vân Tiên vẫn can đảm “bẻ cây làm gậy” xông vào đánh cướp.

* Lục Vân Tiên là một vị anh hùng quả cảm có võ nghệ cao cường :

Phong Lai mặt đỏ phừng phừng
“Thằng nào dám tới lẫy lừng vào đây.
Trước gây việc dữ tại mầy,
Truyền quân bốn phía phủ vây bịt bùng.”
Vân Tiên tả đột hữu xông,
Khác nào Triệu Tử phá vòng Đương Dương.

    – Nguyễn Đình Chiểu đã đặt chàng vào một trận đánh không cân sức : một bên là tướng cướp hùng hổ, hung dữ, đông đúc được trang bị đầy đủ vũ khí ; với một bên là thân cô, thế cô.

– Nghệ thuật tương phản đã được tác giả sử dụng để tô đậm sự quả cảm của Lục Vân Tiên.

– Hình ảnh của chàng trong trận đánh được miêu tả thật đẹp: “tả đột hữu xung, khác nào Triệu Tử phá vòng Đương Dang”, được so sánh với hình mẫu Triệu Tử Long trong Tam quốc. Hành động của Vân Tiên chứng tỏ cái đức của con người “vị nghĩa vong thân”, “cái tài của bậc anh hùng và sức mạnh bênh vực kẻ yếu, chiến thắng nhiều thế lực bạo tàn”.

Lục Vân Tiên mang tầm vóc của người anh hùng mạnh mẽ, phi thường.

– Cuối cùng, chàng đã giành được chiến thắng vẻ vang trước tên cướp Phong Lai :

Lâu la bốn phía vỡ tan,
Đều quăng gươm giáo tìm đàng chạy ngay.
Phong Lai trở chẳng kịp tay,
Bị Tiên một gậy thác rày thân vong

+ Chính nghĩa đã chiến thắng, cả một đảng cướp vỡ tan, hoảng sợ bỏ chạy.

+ Tướng cướp Phong Lai “trở chẳng kịp tay” bỏ mạng dưới cây gậy của người anh hùng.

-> Sức mạnh của Lục Vân Tiên là sức mạnh kết tinh của nhân dân, của chính nghĩa nên nó chiến thắng tuyệt đối. Hành động mạnh mẽ của Vân Tiên thể hiện được khát vọng của nhân dân về một người anh hùng có sức mạnh phi thường, võ nghệ cao cường luôn bênh vực kẻ yếu, chiến thắng thế lực bạo tàn.

b. Lục Vân Tiên khi trò chuyện với Kiều nguyệt Nga :

– Thái độ cư xử với Kiều Nguyệt Nga sau khi đánh cướp trước tiên bộc lộ tấm lòng từ tâm nhân hậu.

+ Thấy hai cô gái còn chưa hết hãi hùng, Vân Tiên “động lòng” tìm cách an ủi họ: “Ta đã trừ dòng lâu la” và ân cần hỏi han, cho thấy chàng rất đàng hoàng, chững chạc.

+ Lối xưng hô “nàng- ta” cho thấy tấm lòng trân trọng mà Lục Vân Tiên dành cho Kiều Nguyệt Nga, cũng như thái độ lịch sự của một con người có học, có đọc sách thánh hiền.

– Bên cạnh đó, ta thấy, chàng là con người chính trực, hào hiệp, khiêm tốn, giản dị, trọng nghĩa khinh tài :

Vân Tiên nghe nói liền cười:
“Làm ơn há dễ trông người trả ơn.
Nay đà rõ đặng nguồn cơn,
Nào ai tính thiệt so hơn làm gì.
Nhớ câu kiến nghĩa bất vi,
Làm người thế ấy cũng phi anh hùng”.

+ Khi nghe họ nói muốn được lạy tạ ơn, Vân Tiên đã gạt đi ngay, từ chối cả lời mời về thăm nhà Nguyệt Nga để cha nàng đền đáp.

+ Sự vô tư thể hiện qua tiếng cười và lời nói : “Làm ơn há dễ trông người trả ơn”. Dường như với Vân Tiên, làm việc nghĩa là một bổn phận, một lẽ tự nhiên của một con người chân chính: “Nhớ câu kiến nghĩa bất vi – Làm người thế ấy cũng phi anh hùng”. Lời Vân Tiên chắc nịch vừa để đối chứng, phê phán những kẻ tầm thường, vừa khẳng định việc mình làm là hiển nhiên, thuộc căn cốt, gốc rễ trong lẽ sống của mình.

Với những nét tính cách đó, hình ảnh Lục Vân Tiên là một hình ảnh đẹp, là hình ảnh lý tưởng mà Nguyễn Đình Chiểu gửi gắm niềm tin và ước vọng của mình.

2. Phân tích nhân vật Kiều Nguyệt Nga.

Với tư cách là người chịu ơn, Kiều Nguyệt Nga cũng bộc lộ nhiều nét đẹp tâm hồn:

Một cô gái thuỳ mị, nết na, có học thức :

– Thể hiện qua những lời giới thiệu bản thân của nàng :

Thưa rằng: “Tôi Kiều Nguyệt Nga,

Con này tì tất tên là Kim Liên.

Quê nhà ở quận Tây Xuyên,

Cha làm tri phủ ở miền Hà Khê.

Nàng xuất thân trong một gia đình quyền quý, là tiểu thư khuê các lá ngọc cành vàng, trâm anh thế phiệt: con quan tri phủ Hà Khê. Lời giới thiệu rất đầy đủ, chân thành, không khoa trương, kênh kiệu, đài các; đã đáp ứng đầy đủ những lời thăm hỏi ăn cần của Lục Vân Tiên, vừa bộc lộ chân thành niềm cảm kích, xúc động của mình.

– Thể hiện qua lối xưng hô của nàng với Lục Vân Tiên:

Trước xe quân tử tạm ngồi,
Xin cho tiện thiếp lạy rồi sẽ thưa.

 + Cách xưng hô “quân tử”, “tiện thiếp” kết hợp với hành động “lạy” và “thưa”, cách nói năng văn vẻ, mực thước, khuôn phép (làm con đâu dám cãi cha, chút tôi yếu liễu đào tơ…), cách trình bày vấn đề rõ ràng, khúc triết vừa đáp ứng đầy đủ những lời thăm hỏi ân cần của Vân Tiên, vừa bộc lộ chân thành niềm cảm kích, xúc động của mình cho thấy sự khiêm nhường, thùy mị, nết na.

+ Thể hiện sự thông minh, mực thước của nàng trong lời ăn tiếng nói.

– Thể hiện qua lời chia sẻ về hành động hiếu nghĩa nàng làm:

Làm con đâu dám cãi cha,

Ví dầu ngàn dặm đàng xa cũng đành.

 + Nàng không quản đường xa, thân gái dặm trường với bao nguy hiểm bất trắc từ Tây Xuyên đến Hà Khê vì vâng theo lời cha để định bề nghi thất.

+ Nàng là người con hiếu thảo, sống đúng với khuôn phép gia đình và với lễ giáo phong kiến. Đó cũng chính là điểm gặp gỡ giữa nàng và Lục Vân Tiên.

Kiều Nguyệt Nga để lại một ấn tượng tốt đẹp: thùy mị, nết na, gia giáo, thông minh sắc sảo, có học thức.

Một con người đằm thắm, ân tình, cư xử có trước có sau.

– Qua cử chỉ, lời nói với ân nhân cứu mạng :

+ Mặc dù ý thức rất rõ về lễ giáo và hoàn cảnh của mình, song nàng vẫn định xuống xe để tạ ơn Lục vân Tiên.

+ Nàng cất lên những lời thật thiết tha “cúi đầu trăm lạy”

– Với nàng, Vân Tiên không chỉ cứu mạng, mà còn cứu cả cuộc đời trong trắng của nàng: “Lâm nguy chẳng gặp giải nguy – Tiết trăm năm cũng bỏ đi một hồi”. Nàng coi đó là ơn trọng và áy náy, băn khoăn tìm cách trả ơn dù biết rằng có đền đáp bao nhiêu cũng chưa đủ: “Lấy chi cho phải tấm lòng cùng ngươi”. Bởi thế, cuối cùng nàng đã tự nguyện gắn bó cuộc đời với chàng trai hào hiệp ấy, dám liều mình để giữ trọn ân tình thuỷ chung với chàng.

-> Kiều Nguyệt kết tinh cho vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ truyền thống. Nàng không chỉ gia giáo, nết na, có học thức mà còn rất đằm thắm, nghĩa tình.

C. LUYỆN ĐỀ:

ĐỀ ĐỌC- HIỂU “LỤC VÂN TIÊN CỨU KIỀU NGUYỆT NGA” – SỐ 1:

Đọc đoạn thơ sau:

“Vân Tiên nghe nói liền cười:

“Làm ơn há dễ trông người trả ơn

Nay đà rõ đặng nguồn cơn

Nào ai tính thiệt so hơn làm gì

Nhớ câu kiến nghĩa bất vi

Làm người thế ấy cũng phi anh hùng.”

 ( Ngữ văn 9 – Tập II/NXB GD )

Câu 1:  Đoạn thơ trên trích từ tác phẩm nào? Của ai?

Câu 2:  Lời của Vân Tiên được trích dẫn theo cách nào? Vì sao em biết?

Câu 3:  Trong đoạn thơ, Vân Tiên đã bộc lộ những phẩm chất tốt đẹp gì?

Câu 4:  Em hiểu nội dung 2 câu thơ sau như thế nào?

“Nhớ câu kiến nghĩa bất vi

Làm người thế ấy cũng phi anh hùng.”

Câu 5: Có ý kiến cho rằng ngày nay hành động nghĩa hiệp như Vân Tiên có khi lại mang phiền toái vào thân. Hãy viết một văn bản ngắn (Khoảng 1 trang giấy thi) trình bày ý kiến của em về vấn đề trên.

Hướng dẫn trả lời

Câu 1: Lục Vân Tiên – Nguyễn Đình Chiểu

Câu 2: Lời Vân Tiên được trích dẫn trực tiếp.

Có dấu hai chấm, gạch đầu dòng

Câu 3: Vân Tiên bộc lộ sự vô tư, hào hiệp, trọng nghĩa khinh tài, trọng danh dự.

Câu 4: Thấy việc nghĩa không làm thì không xứng đáng là người anh hùng.

Câu 5: Trình bày được ý kiến, quan điểm của mình về vấn đề đặt ra. Đồng ý hay không?. Tại sao?

Biết đưa ra nhận thức đúng. Lập luận chặt chẽ.

Có bố cục ba phần, hành văn trôi chảy.

ĐỀ ĐỌC- HIỂU “LỤC VÂN TIÊN CỨU KIỀU NGUYỆT NGA” – SỐ 2:

Cho hai câu thơ sau:

                                              “Nhớ câu kiến ngãi bất vi

                                       Làm người thế ấy cũng phi anh hùng “.

Câu 1:  Em hãy viết đoạn văn giới thiệu về tác giả Nguyễn Đình Chiểu và  cho biết ý nghĩa của hai câu thơ trên?

Câu 2: Qua đoạn trích “Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga”, ta thấy nhà thơ đã gửi gắm quan niệm về người anh thông qua nhân vật Lục Vân Tiên. Hãy viết một đoạn văn (một trang giấy) trình bày suy nghĩ của em về người anh hùng trong thời đại ngày nay.

Hướng dẫn trả lời

Câu 1:

a- Mở đoạn: giới thiệu khái quát về Nguyễn Đình Chiểu , và hai câu thơ.

b – Thân đoạn

* Nguyễn Đình Chiểu là nhà thơ lớn của  dân tộc, mãi mãi xứng đáng là ngôi sao sáng trên bầu trời văn nghệ Việt Nam thế kỷ XI X , để lại cho đời nhiều tác phẩm văn chương có giá trị, nhất là truyện Lục Vân Tiên …

– Lục Vân Tiên là người anh hùng lý tưởng của nhà thơ mù yêu nước. Chiến công đánh cướp của chàng mãi là bài ca hùng tráng của người anh hùng trong xã hội loạn lạc .Vân Tiên đã thể hiện một cách ứng xử vô cùng cao thượng và hào hiệp. Người đẹp băn khoăn về chuyện” báo đức thù công ” thì Vân Tiên ‘liền cười ” rồi đĩnh đạc nói :

“Nhớ câu kiến ngãi bất vi,

Làm người thế ấy cũng phi anh hùng “.

* Ý nghĩa của hai câu thơ :

Hai câu thơ tác giả thể hiện một quan niệm đạo lý người anh hùng là người sẵn sàng làm việc nghĩa một cách vô tư, không tính toán làm việc nghĩa là bổn phận, là lẽ tự nhiên. Đó là cách cư xử mang tinh thần nghĩa hiệp của các bậc anh hùng hảo hán .

c-Kết đoạn: Nguyễn Đình Chiểu đã đề cao tinh thần nhân nghĩa , ca ngợi lý tưởng anh hùng vị nghĩa cao đẹp. Quan niệm đó gắn với đạo lý làm người, hướng về nhân dân. Đó là bài học sâu sắc nhất mà ta cảm nhận được…

Câu 2:

Giải thích khái niệm người anh hùng: là người thấy hoạn nạn sẵn sàng cứu giúp vô tư đem lại điều tốt đẹp cho mọi người; người anh hùng phải là người hành động vì chính nghĩa, vì lẽ phải, vì lẽ công bằng.

Chỉ ra các biểu hiện: bênh vực, che chở cho những người yếu đuối, không có khả năng tự vệ (cứu người bị nạn trong trường hợp nguy cấp: đuối nước, hỏa hoạn, bị tấn công…); dám đứng lên bảo vệ lẽ công bằng, quyền lợi chính đáng của mọi người, của tập thể, của một cá nhân bị xâm phạm…; đấu tranh chống lại những cái xấu xa, tội lỗi, những hiện tượng tiêu cực (đấu tranh chống tội phạm, tham ô, lãng phí…)

Ý nghĩa: Luôn được mọi người yêu mến, tôn trọng, khâm phục; mang lại niềm vui, hạnh phúc cho con người; làm cho đất nước phát triển và xã hội tốt đẹp hơn…

Bàn luận nâng cao: Bên cạnh đó, vẫn có những kẻ hèn nhát, không dám đấu tranh chống lại những hiện tượng tiêu cực vì sợ trả thù, sợ ảnh hưởng đến quyền lợi của cá nhân,… => làm ảnh hưởng đến sự phát triển của xã hội…

Biện pháp phát huy: Giáo dục lối sống lành mạnh, tinh thần dũng cảm, biểu dương những tấm gương, những việc làm cao thượng vì lợi ích của cộng đồng, của con người…

Liên hệ bản thân: Cần rèn luyện tinh thần vượt khó vươn lên, tích cực đấu tranh với những thói quen xấu của bản thân, biết quan tâm, chia sẻ, yêu thương mọi người, dám nhận và sửa chữa những lỗi lầm của mình…