BÀI 20: BÀN VỀ ĐỌC SÁCH (Trích – Chu Quang Tiềm) ( ÔN TẬP VĂN BẢN NHẬT DỤNG)
Bài viết giúp các em lớp 9 nắm chắc toàn bộ về bài Bàn về đọc sách của Chu Quang Tiềm và luyện tập các câu hỏi Đọc – Hiểu.
A. KIẾN THỨC CƠ BẢN
Giới thiệu tác giả Chu Quang Tiềm | – Chu Quang Tiềm (1897-1986) là nhà mĩ học, lí luận văn học hiện đại Trung Quốc, bút danh Mạnh Tực, Mạnh Thạch, người Đông Thành, tỉnh An Huy.
– Ông là nhà văn hóa lớn, có hcoj vấn uyên thâm và là tác giả của nhiều bài chính luận nổi tiếng. – Tác phẩm tiêu biểu của Chu Quang Tiềm là Tâm lí học văn nghệ (Văn nghệ tâm lí), và Bàn về thơ (Thi luận). |
Xuất xứ | “ Bàn về đọc sách” trích trong cuốn “ Danh nhân Trung Quốc bàn về niềm vui nỗi buồn của việc đọc sách”- Bắc Kinh, 1995 |
Bố cục
3 phần
|
– Phần 1: Từ đầu đến “ nhằm phát hiện thế giới mới”: Tầm quan trọng và ý nghĩa của việc đọc sách
– Phần 2: Tiếp theo đến “ Tự tiêu hao lực lượng”: Những khó khăn và thiên hướng sai lệch của việc đọc sách hiện nay. – Phần 3: Còn lại: Bàn về các phương pháp chọn sách và đcọ sách |
Phương thức biểu đạt | Nghị luận
|
Giá trị nội dung bài Bàn về đọc sách cảu Chu Quang Tiềm | Đọc sách là con đường quan trọng để tích lũy, nâng cao học vấn. Ngày nay sách nhiều, phải biết chọn sách mà đọc. Phải biết cách đọc để đạt hiệu quả cao. |
Giá trị nghệ thuật | – Bố cục chặt chẽ, hợp lí.
– Dẫn dắt tự nhiên, xác đáng bằng giọng chuyện trò, tâm tình của một học giả có uy tín đã làm tăng tính thuyết phục của văn bản. – Lựa chọn ngôn ngữ giàu hình ảnh với những cách ví von cụ thể và thú vị |
B. KIẾN THỨC TRỌNG TÂM
1. Tầm quan trọng và ý nghĩa của việc đọc sách:
a) Tầm quan trọng của việc đọc sách:
– Sách đã cô đúc, ghi chép và lưu truyền mọi tri thức, mọi thành tựu mà loài người đã tìm ra, tích lũy qua từng thời đại.
– Sách là kho tàng quí báu của di sản tinh thần mà loài người thu lượm, suy ngẫm suốt mấy ngàn năm.
– Những cuốn sách có giá trị được coi là cột mốc trên con đường phát triển học tập nhân loại.
b) Ý nghĩa của việc đọc sách:
– Đọc sách là con đường quan trọng của học vấn- con đường tích lũy và nâng cao tri thức.
– Đọc sách là sự chuẩn bị để làm cuộc trường chinh vạn dặm trên con đường học vấn, nhằm phát hiện thế giới mới.
→ Đọc sách có ý nghĩa lớn lao, lâu dài đối với con người. Dù văn hóa nghe, nhìn và thực tế cuộc sống hiện nay đang là những con đường học vấn khác nhau nhưng không bao giờ có thể thay thế được cho việc đọc sách.
2.Những khó khăn, thiên hướng sai lệch dễ mắc phải của việc đọc sách trong tình trạng hiện nay:
– Sách nhiều khiến người ta không chuyên sâu, dễ sa vào lối ăn tươi, nuốt sống.
+ Tác giả đã so sánh cách đọc sách của người xưa và học giả ngày nay. Đó là đọc kỹ, nghiền ngẫm, đọc ít mà tinh còn hơn đọc nhiều mà rối.
+ Còn lối đọc của ngày nay không chỉ vô bổ mà còn lãng phí thời gian công sức, thậm chí còn có hại.
→ Cách so sánh đọc sách với ăn uống vô tội vạ đã đem đến cho lời bàn thật trí lí sâu sắc. Sách nhiều khiến người ta khó chọn lựa, dẫn đến lãng phí thời gian và sức lực với những cuốn sách không có ích. tác giả đã so sánh việc đọc sách với việc đánh trận, làm tự tiêu hao lực lượng của mình. Đây là cách so sánh khá mới mà vẫn quen thuộc và lí thú.
3. Bàn về phương pháp chọn sách và đọc sách:
a) Cách chọn sách:
Chọn cho tinh, không cốt lấy nhiều. Đọc nhiều không thể coi là vinh sự, nếu nhiều mà rối. Đọc ít không thể coi là xấu hổ, nếu ít mà kỹ. Tìm đọc những cuốn sách thật sự có giá trị và có ích cho bản thân. Chọn sách phải có mục đích, có định hướng rõ ràng, không nhất thời tùy hứng. Chọn sách nên hướng vào hai loại: Kiến thức phổ thông. Kiến thức chuyên sâu.
b) Phương pháp đọc sách:
Đọc cho kỹ, đọc đi, đọc lại nhiều lần cho đến thuộc lòng. Đọc với sự say mê, ngẫm nghĩ sâu xa, trầm ngâm tích lũy và kiên định mục đích. Đọc có kế hoạch, hệ thống, không đọc tràn lan. Đọc về kiến thức phổ thông và kiến thức chuyên sâu. Đọc sách không chỉ là việc tích lũy tri thức mà còn là việc rèn luyện tư cách, chuyện học làm người, rèn đức tính kiên trì, nhẫn nại. → Để nêu bật việc đọc sách hời hợt, tác giả so sánh với việc cưỡi ngựa qua chợ như “trọc phú khoe của”… Cách đọc ấy thể hiện phẩm chất tầm thường, thấp kém…
C. LUYỆN ĐỀ:
ĐỀ ĐỌC- HIỂU BÀI BẢN VỀ ĐỌC SÁCH CỦA CHU QUANG TIỀM SỐ 1:
Đọc đoạn trích sau và trả lời câu hỏi:
“ Đọc sách không cốt lấy nhiều, quan trọng nhất là phải chọn cho tỉnh, đọc cho kĩ. Nếu đọc được 10 quyền sách không quan trọng, không bằng đem thời gian, sức lực đọc 10 quyển ấy mà đọc một quyển thật sự có giá trị. Nếu đọc được 10 quyển sách mà chỉ lướt qua, không bằng chỉ lấy một quyển mà đọc 10 lần”.
(Bàn về đọc sách – Chu Quang Tiềm)
Câu 1: Nêu chủ để của văn bản Bàn về đọc sách. Đoạn trích trên đề cập đến khía cạnh nào của chủ đề.
Câu 2: Vì sao tác giả cho rằng: “Đọc sách không cốt lấy nhiều, quan trọng nhất là phải chọn cho tinh, đọc cho kĩ”
Câu 3: Hãy viết một đoạn văn (khoảng ½ trang giấy thi) trình bày suy nghĩ của em về hiện tượng nhiều học sinh chỉ thích đọc truyện tranh.
Hướng dẫn trả lời
Câu 1:
– Chủ đề văn bản: Bàn về sự cần thiết của việc đọc sách và phương pháp đọc sách.
– Đoạn văn đề cập đến phương pháp đọc sách (cách đọc sách)
Câu 2: Vì:
– Nếu không chọn cho tinh, dễ bị chạy theo số lượng, đọc mà không hiểu được bao nhiêu; đồng thời lãng phí thời gian và sức lực trên những cuốn sách “vô thưởng vô phạt”.
– Đọc ít mà đọc kĩ thì sẽ tập thành “nếp suy nghĩ sâu xa, trầm ngâm tích lũy…” học vấn mới được nâng cao.
Câu 3: Học sinh phải đảm bảo những yêu cầu về:
– Nội dung: nêu rõ hiện tượng; bày tỏ suy nghĩ về hậu quả và nguyên nhân của hiện tượng; đề xuất một vài giải pháp thiết thực để nâng cao nhận thức của học sinh về sách và có phương pháp đọc sách hiệu quả.
– Hình thức: là một đoạn văn nghị luận, có kết hợp các phương thức biểu đạt, diễn đạt sinh động, độ dài theo quy định…
ĐỀ ĐỌC- HIỂU BÀI BẢN VỀ ĐỌC SÁCH CỦA CHU QUANG TIỀM – SỐ 2:
Em hãy đọc đoạn văn sau và trả lời các câu hỏi dưới đây:
…..Đọc sách không cốt lấy nhiều, quan trọng nhất là phải chọn cho tinh, đọc cho kĩ. Nếu đọc được 10 quyển sách không quan trọng, không bằng đem thời gian, sức lực đọc 10 quyển ấy mà đọc một quyển thật sự có giá trị. Nếu đọc được mười quyển sách mà chỉ lướt qua, không bằng chỉ lấy một quyển mà đọc mười lần. “Sách cũ trăm lần xem chẳng chán – Thuộc lòng, ngẫm kĩ một mình hay”, hai câu thơ đó đáng làm lời răn cho mỗi người đọc sách. Đọc sách vốn có ích riêng cho mình, đọc nhiều không thể coi là vinh dự, đọc ít cũng không phải là xấu hổ. Đọc ít mà đọc kĩ, thì sẽ tập thành nếp suy nghĩ sâu xa, trầm ngâm tích luỹ, tưởng tượng tự do đến mức làm đổi thay khí chất; đọc nhiều mà không chịu nghĩ sâu, như cưỡi ngựa qua chợ, tuy châu báu phơi đầy, chỉ tổ làm cho mắt hoa ý loạn, tay không mà về. Thế gian có biết bao người đọc sách chỉ để trang trí bộ mặt, như kẻ trọc phú khoe của, chỉ biết lấy nhiều làm quý. Đối với việc học tập, cách đó chỉ là lừa mình dối người, đối với việc làm người thì cách đó thể hiện phẩm chất tầm thường thấp kém…
Câu 1: Đoạn văn trích trong văn bản nào? Của ai?
Câu 2: Phương thức biểu đạt chủ yếu của đoạn văn là gì? Xác định nội dung chính của đoạn văn?
Câu 3: Giải thích câu: “Sách cũ trăm lần xem chẳng chán – Thuộc lòng, ngẫm kĩ một mình hay”
Câu 4: Chỉ ra biện pháp nghệ thuật so sánh và nêu tác dụng.
Câu 5: Viết đoạn văn theo cách diễn dịch trình bày về văn hóa đọc sách của thế hệ học sinh hôm nay.
Hướng dẫn trả lời
Câu 1: Đoạn văn được trích trong văn bản Bàn về đọc sách. Tác giả: Chu Quang Tiềm.
Câu 2:
– Phương thức biểu đạt chủ yếu: nghị luận
– Nội dung chính của đoạn văn: Bàn về cách đọc sách
Câu 3: “Sách cũ trăm lần xem chẳng chán – Thuộc lòng, ngẫm kĩ một mình hay”
Câu thơ nói về phương pháp đọc sách: Khi đọc, cần đọc cho kĩ, say mê. Điều đó sẽ giúp ta phát hiện cái hay, cái đẹp trong nội dung cuốn sách- mà nếu đọc một lần, đọc lướt sẽ không thể nào nhận biết được hết.
Câu 4:
– Phép so sánh: Nếu đọc được 10 quyển sách không quan trọng, không bằng đem thời gian, sức lực đọc 10 quyển ấy mà đọc một quyển thật sự có giá trị. Nếu đọc được mười quyển sách mà chỉ lướt qua, không bằng chỉ lấy một quyển mà đọc mười lần.
– Tác dụng: đề cao việc đọc kĩ để phát hiện ra nội dung, ý nghĩa sâu xa của quyển sách, dù đọc ít nhưng đọc kĩ sẽ tích lũy được nhiều kiến thức hơn là đọc nhiều nhưng không chú tâm, đọc lướt.
Câu 5:
* Mở đoạn: Dẫn dắt, nêu vấn đề nghị luận: bàn về văn hóa đọc của giới trẻ hiện nay.
* Thân đoạn:
– Biểu hiện, hiện trạng của vấn đề:
+ Giới trẻ hiện nay có vẻ thờ ơ với việc đọc sách, chưa có thói quen đọc sách.
+ Một số ít đọc theo phong trào
+ Chưa có sự lựa chọn, chưa có mục đích đúng đắn
-> Việc đọc trở nên chưa thật sự có ích
+ Một số lựa chọn ”sách đen” để đọc → tiêm nhiễm vào đầu óc những tư tưởng thiếu trong sáng, lành mạnh
+ Nhiều người cho rằng đọc sách thời nay là lạc hậu vì ở thời đại thông tin phát triển như vũ bão hiện nay, lên mạng đọc nhanh và dễ hơn → không mặn mà với sách
– Nguyên nhân:
+ Chủ quan:
Nhận thức đúng đắn ý nghĩa, vai trò của việc đọc sách
Đọc sách không chỉ là phương tiện để giải trí, không chỉ là con đường tiếp cận tri thức mà còn để tăng khả năng tư duy mở rộng tâm hồn, để hiểu mình, hiểu người, có kĩ năng sống tốt…
+ Khách quan:
Người Việt chưa có nhiều hành động để hình thành thói quen đọc sách
Sự bùng nổ mạnh mẽ của công nghệ thông tin, các kênh truyền hình có đầy ắp phim ảnh, thông tin đầy mạng xã hội
Sự nhộn nhịp của quán xá với bao trò chơi giải trí lôi cuốn làm người ta không có thời gian để ý đến việc đọc sách
– Tác hại:
+ Không chăm đọc sách là bỏ quên một hình thức thư giãn, giải trí bổ ích.
+ Không đọc sách là đánh mất cơ hội mở rộng vốn hiểu biết, mất cơ hội tăng cường khả năng khả năng tư duy, mở rộng tâm hồn, kĩ năng sống
– Giải pháp
+ Cần nhận thức rõ vai trò, ý nghĩa của việc đọc sách để hình thành thói quen đọc sách
+ Bộ văn hóa và thông tin cần có nhiều hoạt động để tạo điều kiện cho thanh niên đến với việc đọc sách nhiều hơn mở tủ sách miễn phí ở nhiều nơi
Tổ chức ngày hội sách để giới thiệu những cuốn sách hay
Giảm giá các sách
Đưa phong trào đọc sách trở thành phong trào đọc sách
* Kết đoạn:
– Vai trò, ý nghĩa, bài học: Đọc sách chính là chiếc chìa khóa vạn năng để mở cửa lâu đài trí tuệ và tâm hồn con người. Sách là người thầy thắp sáng trong ta nguồn tri thức vô biên, dạy ta biết sống đẹp, sống có ý nghĩa trong cuộc đời. Hãy biết yêu sách, chăm đọc sách và phát huy những giá trị từ sách để sách mãi là người bạn thân thiết của chúng ta!
* Đoạn văn tham khảo:
(1) Đọc sách là con đường quan trọng của học vấn, nhưng việc đọc sách của giới trẻ hiện nay còn nhiều điều đáng phải bàn.
(2) Nhiều bạn trẻ có vẻ thờ ơ với việc đọc sách, chưa có thói quen đọc sách.
(3) Một số ít đọc theo phong trào, chưa có sự lựa chọn, chưa có mục đích đúng đắn.
(4) Nhiều người cho rằng đọc sách thời nay là lạc hậu vì ở thời đại thông tin phát triển như vũ bão hiện nay, lên mạng đọc nhanh và dễ hơn cho nên họ không mặn mà với sách.
(5) Có nhiều nguyên nhân dẫn đến các bạn trẻ ngày nay ngại đọc sách.
(6) Có nguyên nhân chủ quan: do nhận thức chưa đúng đắn ý nghĩa, vai trò của việc đọc sách: đọc sách không chỉ là phương tiện để giải trí, không chỉ là con đường tiếp cận tri thức mà còn để tăng khả năng tư duy mở rộng tâm hồn, để hiểu mình, hiểu người, có kĩ năng sống tốt…
(7) Có nguyên nhân khách quan: Người Việt chưa có nhiều hành động để hình thành thói quen đọc sách; sự bùng nổ mạnh mẽ của công nghệ thông tin, các kênh truyền hình có đầy ắp phim ảnh, thông tin đầy mạng xã hội; sự nhộn nhịp của quán xá với bao trò chơi giải trí lôi cuốn làm người ta không có thời gian để ý đến việc đọc sách
(8) Họ không biết được những tác hại do việc không đoc sách mang đến: không chăm đọc sách là bỏ quên một hình thức thư giãn, giải trí bổ ích; không đọc sách là đánh mất cơ hội mở rộng vốn hiểu biết, mất cơ hội tăng cường khả năng khả năng tư duy, mở rộng tâm hồn, kĩ năng sống…
(9) Cho nên, mỗi chúng ta cần nhận thức rõ vai trò, ý nghĩa của việc đọc sách để hình thành thói quen đọc sách.
(10) Đọc sách chính là chiếc chìa khóa vạn năng để mở cửa lâu đài trí tuệ và tâm hồn con người.
(11) Sách là người thầy thắp sáng trong ta nguồn tri thức vô biên, dạy ta biết sống đẹp, sống có ý nghĩa trong cuộc đời.
(12) Hãy biết yêu sách, chăm đọc sách và phát huy những giá trị từ sách để sách mãi là người bạn thân thiết của chúng ta