BÀI 20: TIẾNG NÓI CỦA VĂN NGHỆ (Nguyễn Đình Thi)
Bài viết giúp các em lớp 9 nắm chắc bài “Tiếng nói của văn nghệ” của Nguyễn Đình Thi và luyện tập các câu hỏi Đọc – Hiểu. Đây cũng là tài liệu hữu ích để các em học sinh lớp 9 ôn thi vào 10. Ngoài ra bài viết cũng được soạn thảo với mục đích giúp các thầy cô giáo có thêm tài liệu tham khảo để soạn bài Tiếng nói của văn nghệ của Nguyễn Đình Thi.
A. KIẾN THỨC CƠ BẢN
Giới thiệu tác giả Nguyễn Đình Thi | – Nguyễn Đình Thi (1924-2003), quê ở Hà Nội.
– “Là người nghệ sĩ đa tài, Nguyễn Đình Thi sáng tác nhiều thể loại: thơ, nhạc, văn xuôi, kịch, tiểu luận phê bình và ở thể loại nào cũng có những đóng góp đáng ghi nhận. – Trước cách mạng: ông là thành viên của tổ chức Văn hóa- cứu quốc – Sau cách mạng: Ông được bầu làm Tỏng thư kí hội văn hóa cứu quốc; từ năm 1958-1989, ông làm Tổng thư kí Hội Nhà văn Việt Nam; từ năm 1995 ông là Chủ tịch Ủy bạn toàn quốc liên hiệp các hội văn học nghệ thuật. – Tác phẩm đã xuất bản: Xung kích (tiểu thuyết, 1951); Thu đông năm nay (truyện, 1954); Người chiến sĩ (thơ, 1956, 1958); Mấy vấn đề Văn học (tiểu luận, 1956 – 1958); Bên bờ sông Lô (truyện ngắn, 1957); Một số vấn đề đấu tranh tư tưởng trong Văn nghệ hiện nay (tiểu luận, 1957); Bài thơ Hắc Hải (thơ, 1959 – 1961); Con nai đen (kịch, 1961); Cái tết của mèo con (truyện thiếu nhi, 1961); Vỡ bờ, tập I (tiểu thuyết, 1962, 1970); Công việc của người viết tiểu thuyết (tiểu luận, 1964); Vào lửa (tiểu thuyết, 1966); Mặt trận trên cao (tiểu thuyết, 1967); Vỡ bờ (tập II, tiểu thuyết, 1970); Dòng sông trong xanh (thơ, 1974); Hoa và Ngần (kịch, 1975); Tia nắng (thơ, 1983); Giấc mơ (kịch, 1983); Tiếng sóng (kịch, 1985); Hòn cuội (kịch, 1987). – Nhà văn đã được nhận: Giải nhì truyện và ký sự giải thưởng Văn nghệ 1951-1952 của Hội Văn nghệ Việt Nam (Xung kích, tiểu thuyết) – Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật (1996). |
Xuất xứ | Tiểu luận Tiếng nói của văn nghệ được Nguyễn Đình Thi viết năm 1948, in trong cuốn Mấy vấn đề văn học (lí luận phê bình, xuất bản năm 1956), có nội dung lí luận sâu sắc, được thể hiện qua những rung cảm chân thành của một trái tim nghệ sĩ. |
PTBĐ | Nghị luận |
Bố cục
3 phần
|
– Phần 1: Từ đầu đến “ của tâm hồn”: Nội dung phản ánh của văn nghệ.
– Phần 2: Tiếp theo đến “ Tiếng nói của tình cảm”: Vai trò, ý nghĩa của văn nghệ đối với đời sống con người. – Phần 3: Còn lại: Con đường đến với văn nghệ và sức mạnh diệu kì của nó. |
Giá trị nội dung bài Tiếng nói của văn nghệ của Nguyễn Đình Thi | – Văn nghệ không chỉ phản ánh thực tại khách quan mà còn là nhận thức mới mẻ, là tư tưởng, tình cảm của cá nhân nghệ sĩ.
– Tiếng nói của văn nghệ rất cần thiết với cuộc sống của con người, nhất là trong hoàn cảnh những năm đầu kháng chiến. – Văn nghệ có khả năng cảm hoá, có sức lôi cuốn thật kì diệu bởi đó là tiếng nói của tình cảm, tác động tới con người qua những rung cảm sâu xa. |
Giá trị nghệ thuật | – Bài viết có bố cục khá chặt chẽ, được thể hiện qua hệ thống luận điểm lô gíc, mạch lạc. Giữa các luận điểm vừa có sự tiếp nối tự nhiên vừa bổ sung, giải thích cho nhau.
– Cách viết giàu hình ảnh, ví von, cụ thể, sinh động. |
B. KIẾN THỨC TRỌNG TÂM
1. Nội dung phản ánh hiện thực của văn nghệ.
– Là thực tại khách quan và nhận thức mới mẻ.
– Văn nghệ phản ánh hiện thực cuộc sống nhưng văn nghệ không chỉ phản ánh khách quan cái hiện thực ấy mà còn biểu hiện cái chủ quan của người sáng tác – qua lăng kính của tác giả.
– “Anh gửi vào tác phẩm một lá thư, một lời nhắn nhủ, anh muốn đem một phần mình góp vào đời sống chung quanh”. Để làm nổi bật luận điểm này, tác giả đã đưa ra 2 dẫn chứng:
+ Hai câu thơ tả cảnh mùa xuân tươi đẹp trong “Truyện Kiều” của Nguyễn Du – đây không chỉ là tả cảnh mùa xuân mà còn là sự rung động của Nguyễn Du trước cảnh mùa xuân đem đến cho người đọc sự sống, tuổi trẻ…
+ Cái chết của nhân vật An-na Ca-rê-nhi-na khiến người đọc bâng khuâng, thương cảm.
→ Người đọc đã nhận ra được tư tưởng, tình cảm của người nghệ sĩ gửi vào cái hiện thực cuộc sống ấy. Chính lời nhắn gửi toát lên từ hiện thực khách quan được biểu hiện trong tác phẩm đã đem đến cho người đọc một nhận thức mới mẻ.
⇒ phép lập luận phân tích cùng với những dẫn chứng tiêu biểu cụ thể, Nguyễn Đình Thi cho thấy: nội dung văn nghệ là phản ánh hiện thực. Hiện thực ấy mang tính hình tượng cụ thể, sinh động, là đời sống, tư tưởng, tình cảm của con người thông qua cái nhìn và tình cảm của người nghệ sĩ.
2. Vai trò, ý nghĩa của văn nghệ đối với đời sống con người.
– Văn nghệ giúp cho con người có cuộc sống đầy đủ hơn, cảm thấy cuộc đời đẹp hơn và có ý nghĩa hơn:
+ Văn nghệ giúp con người tự nhận thức chính bản thân mình, giúp ta sống đầy đủ, phong phú hơn cuộc sống của chính mình.
+ Trong những trường hợp con người bị ngăn cách giữa cuộc sống, tiếng nói của văn nghệ là sợi dây buộc chặt họ với cuộc đời thường bên ngoài với tất cả những sự sống, hành động vui buồn, gần gũi.
+ Văn nghệ góp phần làm tươi mát sinh hoạt khắc khổ hằng ngày, giữ cho đời vẫn tươi. Tác phẩm văn nghệ giúp cho con người vui lên, biết rung động và ước mơ trong cuộc đời còn vất vả, cực nhọc.
+ Đem tới cả thời đại cách sống tâm hồn.
⇒ Văn nghệ rất cần thiết đối với cuộc sống của mỗi người chúng ta.
3. Con đường đến với văn nghệ và sức mạnh diệu kì của nó.
– Nghệ thuật là tiếng nói của tình cảm.
– Chỗ đứng của văn nghệ chính là chỗ giao nhau giữa tâm hồn con người với cuộc sống sản xuất, chiến đấu; là ở tình yêu ghét, nỗi buồn vui trong đời sống tự nhiên với đời sống xã hội.
– Nghệ thuật là tư tưởng nhưng là tư tưởng đã được nghệ thuật hóa – tư tưởng cụ thể sinh động, lắng sâu, kín đáo chứ không lộ liễu, khô khan, áp đặt.
⇒ Tác phẩm văn nghệ lay động cảm xúc, đi vào nhận thức, tâm hồn người đọc bằng con đường tình cảm. Qua tác phẩm văn nghệ, chúng ta sống cùng cuộc sống được miêu tả trong đó, được yêu ghét, buồn vui đợi chờ, cùng với các nhân vật và người nghệ sĩ.
C. LUYỆN ĐỀ:
ĐỀ ĐỌC – HIỂU BÀI TIẾNG NÓI CỦA VĂN NGHỆ – SỐ 1:
Cho đoạn văn sau:
“Tác phẩm nghệ thuật nào cũng xây dựng bằng những vật liệu mượn ở thực tại. Nhưng nghệ sĩ không những ghi lại những cái đã có rồi mà còn muốn nói một điều gì mới mẻ. Anh gửi vào tác phẩm một lá thư, một lời nhắn nhủ, anh muốn đem một phần của mình góp vào đời sống chung quanh.”
(Ngữ văn 9 – Tập 2)
Câu 1: Đoạn văn trên trích từ văn bản nào? Ai là tác giả?
Câu 2: Chỉ rõ những phép liên kết trong đoạn trích.
Câu 3: Câu văn “Anh gửi vào tác phẩm một lá thư, một lời nhắn nhủ, anh muốn đem một phần của mình góp vào đời sống chung quanh.” là câu đơn hay câu ghép?
Hướng dẫn trả lời
Câu 1: Tiếng nói của văn nghệ, Nguyễn Đình Thi.
Câu 2:
– Phép thế (anh – nghệ sĩ; cái đã có rồi – những vật liệu mượn ở thực tại)
- Phép lặp (tác phẩm)
- Phép nối (nhưng)
- Phép liên tưởng (nghệ thuật – nghệ sĩ – tác phẩm)
Câu 3: Câu ghép
ĐỀ ĐỌC- HIỂU BÀI TIẾNG NÓI CỦA VĂN NGHỆ – SỐ 2:
Đọc đoạn văn bản sau và trả lời câu hỏi:
“Chúng ta nhận của những nghệ sĩ vĩ đại ấy không những là mấy học thuyết luân lí, triết học, mà là tất cả những say sưa, vui buồn, yêu ghét, mơ mộng, phấn khích và biết bao tư tưởng của từng câu thơ, từng trang sách, bao nhiêu hình ảnh đẹp đẽ mà đáng lẽ chúng ta không nhận được hàng ngày chung quanh ta ,một ánh nắng, một lá cỏ, một tiếng chim, bao nhiêu bộ mặt con người trước kia ta chưa nhìn thấy, bao nhiêu vẻ mới mẻ, bao nhiêu vấn đề mà ta ngạc nhiên tìm ra ngay trong tâm hồn chúng ta nữa…”
Câu 1: Đoạn trích trên năm trong văn bản nào? Ai là tác giả của bài viết đó?
Câu 2: Phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn văn trên ?
Câu 3 : Câu văn trên nói về nội dung gì ?
Câu 4: Đặc điểm của câu văn trên là ? Tác dụng của cách đặt câu đó như thế nào ?
Câu 5: Các tổ hợp từ : “một ánh nắng, một lá cỏ, một tiếng chim” được gọi là ?
Câu 6.
Hướng dẫn trả lời
Câu 1: Đoạn trích trên năm trong văn bản “Tiếng nói của văn nghệ”- Nguyễn Đình Thi
Câu 2: nghị luận.
Câu 3 : Câu văn trên nói về nội dung: Tác phẩm văn nghệ mang đến cho người đọc hiểu biết rung động mới mẻ .
Câu 4:
– Đặc điểm của câu văn trên là: câu dài, dùng phép liệt kê, giàu hình ảnh.
– Tác dụng: thể hiện cảm xúc tuôn trào của người viết.
Câu 5: Các tổ hợp từ : “một ánh nắng ,một lá cỏ, một tiếng chim” được gọi là cụm danh từ.