Phân tích đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích trong Truyện Kiều – Nguyễn Du

Đoạn trích “Kiều ở Lầu Ngưng Bích” trong tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du là một trong những đoạn đặc sắc, thể hiện tâm trạng, nỗi niềm của nàng Kiều trong cảnh ngộ bi kịch. Đề bài: Em hãy viết một đoạn văn phân tích đoạn thơ Kiều ở Lầu Ngưng Bích- Nguyễn Du

Mẫu số 1 – Phân tích đoạn thơ Kiều ở Lầu Ngưng Bích trích Truyện Kiều của Nguyễn Du

Đoạn trích Kiều ở Lầu Ngưng Bích là một trong những đoạn trích miêu tả thành công nhất tâm trạng của Thúy Kiều khi bị Mã Giám Sinh lừa bán vào lầu xanh. Ở đây, cuộc sống đau đớn, đơn độc nơi lầu Ngưng Bích đã khơi dậy trong Thúy Kiều nhiều suy nghĩ, day dứt xót xa về thân phận bất hạnh của mình.

Sau khi bị Mã Giám Sinh bán vào lầu xanh của Tú Bà, Thúy Kiều kiên quyết không chịu tiếp khách, không chịu khuất nhục trước Tú Bà. Sợ Thúy Kiều vì quá đau khổ mà tự vẫn, Tú Bà đã để cho Thúy Kiều ở lầu Ngưng Bích và bắt đầu thực hiện những âm mưu thâm độc của mình. Sống ở lầu Ngưng Bích Thúy Kiều hiểu sâu sắc về tình cảnh cô đơn, tủi nhục của mình:

“Trước lầu Ngưng Bích khóa xuân

Vẻ non xa tấm trăng gần ở chung

Bốn bề bát ngát xa trông

Cát vàng cồn nọ bụi hồng dặm kia”

 

“Khóa xuân” là khóa kín tuổi xuân, ý nói cấm cung. Trong câu thơ “Trước lầu Ngưng Bích khóa xuân” ý muốn nói việc Thúy Kiều bị giam lỏng, tuổi xuân tương lai phía trước cũng bị đóng chặt trong không gian kín của lầu. Từ lầu Ngưng Bích trông ra bên ngoài, cảnh vật bát ngát nhưng lại tĩnh lặng đến đáng sợ,đó là vẻ non xa tấm, bốn bề rộng lớn, tịch mịch “Bốn bề bát ngát xa trông”.

“Bẽ bàng mây sớm đèn khuya

Nửa tình nửa cảnh như chia tấm lòng

Tưởng người dưới nguyệt chén đồng

Tin sương luống những rày trông mai chờ”

 Thúy Kiều xấu hổ, tủi nhục về tình cảnh bi ai của mình “bẽ bàng”,  cuộc sống bị giam lỏng chỉ có mây sớm đèn khuya làm bạn, đồng thời hình ảnh mây, đèn cũng gợi ra cuộc sống lặp đi lặp lại tẻ nhạt đến đáng sợ. Nguyễn Du từng viết “Cảnh buồn người có vui đâu bao giờ”. Quả đúng là vậy, bằng tâm trạng của con người cô đơn, cảnh vật xung quanh như thấm đượm nỗi buồn, tâm trạng của nàng mà cũng u buồn, như phản chiếu nỗi lòng của nàng “Nửa tình nửa cảnh như chia tấm lòng”.

Trong sự cô đơn, đau khổ nơi lầu Ngưng Bích, Thúy Kiều nhớ về Kim Trọng, nhớ về lời thề nguyền dưới ánh trăng năm nào. Để cứu cha và gia đình, Thúy Kiều đã lựa chọn chữ hiếu mà dang dở chữ tình cùng chàng Kim. Không thể thực hiện lời nguyền ước, Thúy Kiều luôn day dứt, đau khổ mà liên tưởng đến hình ảnh chàng Kim cũng đang đau khổ trông ngóng tin tức của mình “Tin sương luống những dày trông mai chờ” cùng với sự mặc cảm về tình cảnh của mình giờ đây, cho rằng mình không còn xứng đáng với chàng Kim “Tấm son gột rửa bao giờ cho phai”.

“ Xót người tựa cửa hôm mai

Quạt nồng ấp lạnh những ai đó giờ

Sân Lai cách mấy nắng mưa

Có khi gốc tử đã vừa người ôm”

Sau nỗi nhớ về chàng Kim, Thúy Kiều nhớ về cha mẹ cùng sự day dứt không thể ở bên phụng dưỡng cha mẹ khi tuổi về già “Xót người tựa cửa hôm mai”. Nàng day dứt vì không thể quạt cho cha mẹ ngủ khi trời nóng, mùa đông trời lạnh cũng không thể làm ấm chăn chiếu cho cha mẹ ngủ. Nguyễn Du đã mượn hìn ảnh Sân Lai để nói về tấm lòng hiếu thảo của nàng Kiều. Dù đã bán mình, thực hiện chữ hiếu với cha mẹ nhưng Kiều chưa lúc nào ngừng lo lắng, day dứt vì không thể chăm sóc cho cha mẹ khi tuổi về già.

“Buồn trông cửa bề chiều hôm

Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa

Buồn trông ngọn nước mới xa

Hoa trôi man mác biết là về đâu”

Sau những suy tư, trăn trở về tình yêu dành cho Kim Trọng và tình thương dành cho cha mẹ, Thúy Kiều quay trở về thực tại xót thương cho thân phận bất hạnh, vô định của mình trong tương lai. Hình ảnh cửa bể chiều hôm, cánh buồn xa gợi ra khung cảnh buồn, tâm trạng đau đớn của nàng Kiều, hình ảnh ngọn nước mới xa tuy động mà trong màu tâm trạng đau buồn của nàng cũng trở nên tĩnh mịch. Hình ảnh cánh hoa trôi lại gợi ra cuộc sống nổi trôi bèo bọt của Kiều trong tương lai.

Em hãy viết một đoạn văn phân tích đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích – Mẫu số 2

Sau khi bị Mã Giám Sin lừa bán cho Tú Bà, Thúy Kiều đã vô cùng đau khổ, không chấp nhận làm gái lầu xanh, Thúy Kiều đã cố tự tử nhưng không thành. Sợ mất đi một món hời lớn, Tú Bà đã nghĩ cách đưa Thúy Kiều vào lầu Ngưng Bích. Ở đây Thúy Kiều đã có những suy nghĩ đầy bế tắc về thân phận hiện tại cũng như những dự cảm không lành về tương lai.

Mở đầu đoạn trích, tác giả Nguyễn Du đã gợi mở tình cảnh đáng thương của Thúy Kiều trong lầu Ngưng Bích:

“Trước lầu Ngưng Bích khóa xuân

Vẻ non xa tấm trăng gần ở chung

Bốn bề bát ngát xa trông

Cát vàng cồn nọ bụi hồng dặm kia”

Lầu Ngưng Bích là một lầu trong  chốn lầu xanh, ở đây Thúy Kiều đơn độc chỉ có một mình, không gian khép kín của lầu khiến cho Thúy Kiều ngột ngạt, mất đi tự do, khoa chặt tuổi xuân, chặt đứt những mong muốn của tương lai phía trước “Trước lầu Ngưng Bích khóa xuân”. Trước lầu Ngưng Bích là khung cảnh núi non hùng vĩ, nhưng cũng như tâm trạng của nàng, không gian rộng mà vắng như càng tô thêm sự lẻ loi, đơn độc của Kiều nơi đây.

“Bẽ bàng mây sớm đèn khuya

Nửa tình nửa cảnh như chia tấm lòng

Tưởng người dưới nguyệt chén đồng

Tin sương luống những rày trông mai chờ”

Tâm trạng thường trực của Thúy Kiều đó chính là sự xấu hổ, tủi nhục trước tình cảnh của bản thân, cuộc sống trôi qua vô vị với những nhịp đều đặn đầy nhạt nhẽo.  Mây sớm đèn khuya như những dấu hiệu về thời gian nhưng nó cũng nhắc nhở về cuộc sống tẻ nhạt của Thúy Kiều ở lầu Ngưng Bích. Tức cảnh sinh tình, Thúy Kiều nhớ về chuyện tình yêu với chàng Kim, về lời thề ước kết đôi nhưng cũng ngỡ ngàng nhận ra lời thề ấy đã bị phá bỏ bởi nàng. Kiều đau đớn nghĩ về chàng Kim vẫn đang ngóng trông tin tức từ nàng.

“Xót người tựa cửa hôm mai

Quạt nồng ấp lạnh những ai đó giờ

Sân Lai cách mấy năng mưa

Có khi gốc tử đã vừa người ôm”

Để cho Kiều nhớ về chàng Kim trước khi nhớ về cha mẹ không phải do Kiều coi trọng tình hơn hiếu. Mà Kiều đã bán mình để cứu gia đình, tức là cũng đã thực hiện phần nào trách nhiệm của người con, còn đối với Kim Trọng nàng luôn đau đáu nỗi trăn trở vì phá vỡ lời thể, vì ra đi mà chẳng thể nói lời từ biệt. Với cha mẹ nàng xót xa khi không thể ở bên phụng dưỡng cho cha mẹ khi tuổi về già, đau lòng khi nghĩ về cảnh cha mẹ đã cao tuổi nhưng ngày nào cũng tựa cửa ngóng chờ con “Xót người tựa cửa hôm mai”

“Buồn trông nội cỏ rầu rầu

Chân mây mặt đất một màu xanh xanh

Buồn trông gió cuốn mặt duềnh

Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi”

Nghĩ về chàng Kim, nghĩ về gia đình cuối cùng Kiều đã quay trở về thực tại mà lo lắng cho tương lai của mình. Tương lai u ám như chính những cảnh vật tĩnh lặng, tịch mịch ngoài kia, nội cỏ rầu rầu như nói lời xót thương với thân phận bất hạnh của người con gái tài sắc. Sắc xanh của chân mây mặt đất cũng chẳng thể gợi ra chút sự sống mà gợi ra cái vô định của số phận.

Hình ảnh gió cuốn mặt duềnh, tiếng sóng như báo hiệu một tương lai u ám, nhiều biến cố sẽ đến trong cuộc đời Kiều. Sử dụng thủ pháp ngụ cảnh tả tình, Nguyễn Du đã rất thành công trong việc tái hiện tâm trạng đau khổ, dằn vặt của nàng Kiều nơi lầu Ngưng Bích, đồng thời cũng gợi mở ra một không gian đầy bão tố của nàng trong tương lai.

Tham khảo thêm những bài viết có liên quan:

>Có ý kiến cho rằng đoạn trích Kiều ở Lầu ngưng bích là một bức tranh tâm tình đầy xúc động, anh chị hãy làm rõ ý kiến trên
>>Đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích là một trong những đoạn hay nhất trong Truyện Kiều. Anh chị hãy viết bài văn Phân tích đoạn thơ  Kiều ở lầu Ngưng Bích để thấy điều đó.