Đề bài: Viết bài văn phát biểu cảm nghĩ của em về bài thơ Cảnh khuya của Hồ Chí Minh
Phát biểu cảm nghĩ của em về bài thơ Cảnh khuya của Hồ Chí Minh – Mẫu 1
Hồ Chí Minh – vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam, đồng thời người cũng là nhà văn, nhà thơ lớn của nên văn học dân tộc nước nhà. Bác đã có rất nhiều những tác phẩm hay và có giá trị cao cả về nội dung cũng như hình thức nghệ thuật. Bài thơ Cảnh khuya là một tác phẩm như thế.
Mở đầu bài thơ, Hồ Chí Minh đã mở ra một bức tranh thiên nhiên núi rừng Việt Bắc về khuya. Đó là bức tranh sống động, sắc nét với đầy đủ màu sắc, âm thanh và đường nét:
“Tiếng suối trong như tiếng hát xa
Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa”
Trước hết, bức tranh thơ được gợi ra với âm thanh của tiếng suối trong đêm. Không gian núi rừng Việt Bắc trong đêm khuya không rộng lớn mà tĩch mịch như trong tưởng tượng của nhiều người. Trong sự cảm nhận của con người thi nhân, khung cảnh núi rừng đêm khuya vẫn hiện lên tươi đẹp với đầy đủ những sắc thái. Tiếng suối róc rách trong đêm được Bác so sánh với tiếng hát xa, đây là sự so sánh đầy độc đáo và mới lạ.
Trong không gian đêm khuya, tiếng suối chảy nhẹ tựa như tiếng hát xa đầy tha thiết, du dương. Cảnh sắc thiên nhiên được tác giả kết nối với âm thanh của con người làm cho bức tranh thơ bỗng trở lên ám áp, gần gũi lạ thường. Hình ảnh bóng trăng lồng lên những tán cây cổ thụ, bóng cây cổ thụ lại lồng lên những khóm hoa, đây là một hình ảnh vô cùng độc đáo, nó tạo ra sự liên kết giữa mặt đất và bầu trời.
“Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ
Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà”
Nếu như hai câu thơ trên miêu tả bức tranh thiên nhiên sống động với đầy đủ mà sắc và âm thanh thì hai câu thơ cuối cùng của bài thơ lại là bức tranh tâm trạng của nhà thơ, của người lãnh tụ Cách mạng Hồ Chí Minh. Hình ảnh của bác hiện lên trong bức tranh thơ vừa tạo ra sự chuyển hướng đột ngột của đối tượng miêu tả cũng như của mạch cảm xúc.
Nhân vật trữ tình trong bài thơ cũng chính là bức chân dung tự họa của Người, trong không gian hoang vắng của núi rừng, Bác vẫn thao thức “Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ”, đến đây thì người đọc chưa hết bất ngờ vì sự chuyển mạch cảm xúc thì lại tò mò vì nguyên nhân khiến Người thao thức trong đêm trăng ấy.
Ngay trong câu thơ cuối cùng của bài thơ, Hồ Chí Minh đã lí giải nguyên nhân của sự thao thức ấy. Trước hết, Bác không ngủ bởi con người thi nhân đầy yêu đời, nhạy cảm với vẻ đẹp của cuộc sống. Trước khung cảnh hùng vĩ mênh mông mà không kém phần thi vị, lãng mạn tất yếu nảy sinh nhu cầu thưởng ngắm của con người nhiều rung động.
Nguyên nhân thứ hai đó chính là vì lo lắng cho tương lai, vận mệnh của dân tộc. Với tư cách là vị lãnh tụ, người đứng đầu của một nước, Bác không khỏi trăn trở, suy tư về đường hướng cũng như những phương án chiến lược cho cuộc cách mạng. Hình ảnh của Bác trăn trở vì dân vì nước hiện lên thật đẹp, thật đáng trân trọng.
Như vậy, bài thơ Cảnh khuya là bức tranh thiên nhiên tuyệt mĩ của núi rừng Việt Bắc khi về khuya, và cũng là bức tranh tâm trạng tự họa của Hồ Chí Minh. Qua đó người đọc không chỉ cảm nhận được vẻ đẹp của thiên nhiên đất nước mà còn thấy được tấm lòng đáng trân trọng của Người.
Phát biểu cảm nghĩ của về bài thơ Cảnh khuya của Hồ Chủ Tịch – Mẫu 2
Được biết đến như một trong những vị lãnh tụ thiên tài của dân tộc, nhưng bên cạnh đó , Người còn là một thi sĩ tài năng với những ánh văn thơ bất hủ. Tinh tế và nhạy cảm, đối với Người thiên nhiên nước Việt luôn là nguồn cảm hứng bất tận. Sau những giờ cầm quân căng thẳng mệt mỏi Người thả hồn về thiên nhiên, cảm nhận thiên nhiên bằng cả trái tim nồng ấm và “ Cảnh khuya” là một trong những tác phẩm nói lên điều đó:
“Tiếng suối trong như tiếng hát xa
Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa
Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ,
Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà”
Bài thơ “ Cảnh khuya” được ra đời trong một bối cảnh rất đặc biệt. Lúc này, bác đang ở chiến khu Việt Bắc, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang ở trong cam go ác liệt. Giữa sự thiết thốn, khốn khổ trăm bề cũng công việc đè nặng lên vai tưởng như có thể quật ngã ý chí của bất cứ ai. Nhưng Bác vẫn giữ được phong thái của một nhà thi sĩ, ung dung tự tại hòa mình vào thiên nhiên để cảm nhận được cái đẹp của hoa sơ như tranh vẽ của núi rừng Việt Bắc.
Và như một nhà họa sỹ tài ba, chỉ bằng vài nét vẽ chấm phá đơn sơ Bác đã mở ra trước mặt chúng ta một đêm trăng Việt Bắc đẹp đến nao lòng người :
“Tiếng suối trong như tiếng hát xa
Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa”
Trời về khuya ánh trăng dường như càng sáng tỏ, Ánh trăng dịu dàng lan tỏa bao phủ cả một vùng đất trời rộng lớn. Trong không gian tĩnh mịch đó, tiếng suối dường một bản nhạc núi rừng êm đềm, sâu lắng đầy mê hoặc từ đâu vọng về. Âm tiết “ xa” đã khiến câu thơ có độ ngân vang , đánh động đến cả nơi sâu lắng nhất của con người. Với bút pháp nghệ thuật lấy động tả tĩnh bác đã miêu tả được sự vắng lặng trong đêm của chiến khu Việt Bắc.
Trong đêm khuya tĩnh mịch ấy hiện lên một hình ảnh tuyệt đệp “ Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa” . Hình ảnh trăng, cổ thụ đan cài hòa quyện vào nhau giúp người đọc cảm nhận được sự sinh động, hữu tĩnh của thiện nhiên cũng như trái tim ấm áp của một thi nhân đang hòa mình vào thiên nhiên.
Nhưng Bác là một chính trị gia, một nhà lãnh đạo mà như nhà thơ Minh Huệ từng nói
“Đêm nay Bác ngồi đó
Đêm nay Bác không ngủ
Vì một lẽ thường tình
Bác là Hồ Chí Minh”
Vì trong trái tim người đêm nay, không chỉ có cảnh đẹp trăng thanh mà ngoài chiến trường xa đang có các chiến sỹ đang thức. Đang có những đoàn dân công cũng thức đêm này đang ngày đêm mở đường rải lá cây làm chiếu, manh áo phủ làm chăn.
Vậy nên :
“Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ
Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà”
Cảnh đẹp như tranh vẽ đã tác động đến tâm hồn của một nhà thi sĩ . Làm sao người nghệ sĩ rơi vào trạng thái chưa ngủ. Những Bác “ chưa ngủ” không chỉ vì cảnh đẹp của thiên nhiên mà còn vì “ nỗi nước nhà” đang chồng chất trên vai, những khó khăn gian khổ ưu tư của những năm tháng đầu cuộc chiến mới khiến Bác “chưa ngủ” .
Đọc những vần thơ của Bác không chỉ giúp chúng ta cảm nhận được vẻ đẹp của thiên nhiên đất nước mà còn giúp chúng ta cảm nhận được trái tim rộng lớn bao la của Bác, một chiến sĩ , thi sĩ luôn lạc quan, vững lòng tin vào chiến thắng.
Em hãy viết bài văn nêu cảm nghĩ của mình về bài thơ “Cảnh khuya” của Hồ Chí Minh – Mẫu 3
Mở bài: Giới thiệu về bài thơ Cảnh khuya của Hồ Chí Minh
Tiếng suối trong như tiếng hát xa
Trăng lồng cổ thụ, bóng lồng hoa
Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ
Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà.
Bài thơ Cảnh khuya được Hồ Chí Minh viết trong những đêm sống tại núi rừng Việt Bắc để lãnh đạo chiến dịch Việt Bắc. Bài thơ chỉ vẻn vẹn 4 câu nhưng để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc không chỉ bởi ý nghĩa của nó mà còn còn bởi nét đẹp ngôn từ và vẻ đẹp của bức tranh thiên nhiên huyền ảo.
Thân bài: Phát biểu cảm nghĩ về bài thơ Cảnh khuya của Hồ Chí Minh
Khung cảnh được nói tới trong bài thơ là một đêm khuya giữa rừng Việt Bắc. Câu mở đầu được viết theo lối so sánh, ẩn dụ :
Tiếng suối trong như tiếng hát xa.
Giữa bộn bề công việc của một vị tổng chỉ huy thật khó có một chút thảnh thơi để có thể cảm nhận vẻ đẹp của thiên nhiên. Nhưng với Hồ Chí Minh, tình yêu thiên nhiên dường như đã trở thành một nét phẩm chất tâm hồn. Còn nhớ, khi phải tù đày trong nhà lao Tưởng Giới Thạch – Người đã từng vượt lên hoàn cảnh trớ trêu mà đắm mình vào sự kì thú của tạo vật :
Mặc dù bị trói chân tay
Chim ca rộn núi hương bay ngát rừng
Vui say ai cấm ta đừng
Đường xa âu cũng bớt chừng quạnh hiu.
Rồi :
Trong tù không rượu cũng không hoa
Cảnh đẹp đêm nay khó hững hờ
Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ
Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ…
Ngay trong phẩm chất chiến sĩ cách mạng của Người, tình yêu thiên nhiên vẫn luôn thường trực. Bởi thế, âm thanh tiếng suối mặc dầu rất quen nhưng được gợi ra trong bài thơ lại rất lạ :
Tiếng suối trong như tiếng hát xa.
Giữa bao căng thẳng và hỗn tạp của thanh âm, nghe suối chảy ta có thể cảm nhận âm thanh và sắc độ của nó. Chợt nhớ câu thơ nổi tiếng của đại thi hào Nguyễn Trãi viết khi ở ẩn :
Côn Sơn suối chảy rì rầm
Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai…
(Bài ca Côn Sơn)
Hai nhà chính trị, quân sự lỗi lạc, hai thi nhân tầm vóc thời đại sống cách nhau năm thế kỉ, cùng gặp gỡ diệu kì ở cảm hứng mãnh liệt trước thiên nhiên tươi đẹp. Chỉ có điều, nghe tiếng suối, Nguyễn Trãi liên tưởng tới tiếng đàn huyền diệu mà nghệ sĩ thiên nhiên ban tặng, còn Hồ Chí Minh lại liên tưởng tới âm hưởng hùng tráng vang ngân trong tiếng hát của của đoàn quân chiến thắng. Bài ca Côn Sơn được sáng tác khi người anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi sống nhàn tản, bất đắc chí tại Chí Linh ; còn Cảnh khuya được nhà cách mạng Hồ Chí Minh viết trong cương vị một người tổng chỉ huy ở chiến khu Việt Bắc. Hai cảnh ngộ, hai tâm trạng khác nhau đều có chung tiếng suối làm mạch nguồn cảm xúc, nhưng sự cảm nhận và liên tưởng của mỗi người đều thể hiện nét riêng mang đậm dấu ấn cá nhân và tinh thần thời đại.
Trở lại với bài thơ Cảnh khuya, câu thứ hai vẫn theo bút pháp tả thực, Bác viết :
Trăng lồng cổ thụ, bóng lồng hoa.
Trên cái nền rạo rực và gợi cảm của âm thanh tiếng suối, ánh trăng hiện lên thật bao la huyền ảo, mở ra bức tranh thiên nhiên vời vợi và thi vị hẳn lên.
Thực ra, đã không ít lần Bác rung động trước vẻ đẹp kì diệu của trăng, kể cả trong hoàn cảnh Người bị giam hãm tù đày, nhưng ở đây ánh trăng mang một sắc thái lung linh tuyệt mĩ :
Trăng lồng cổ thụ, bóng lồng hoa.
Ánh trăng tờ mở và chiếu tỏa không gian, ngỡ như xuyên thấm hồn tạo vật. Ánh trăng như chảy qua kẽ lá, choàng ánh sáng xuống bóng cây cổ thụ.
Nếu xem hai câu thơ trên là biểu thị một sức nghe (câu thứ nhất) và một sức nhìn (câu thứ hai) tinh tế đặc biệt thì câu thứ ba nêu lên một tình huống :
Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ.
Cảnh đẹp như tranh quyến rũ nhường vậy mà Người còn thao thức, không nỡ ngủ hay không thể ngủ được trước vẻ hữu tình của thiên nhiên ? Câu thơ cuối bật ra thật bất ngờ :
Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà.
Kết bài: Suy nghĩ về bài thơ Cảnh khuya của Hồ Chí Minh
Giản dị và chân thực, câu thơ cuối bộc lộ sức nghĩ của Người về vận mệnh dân tộc, trước cuộc kháng chiến đầy cam go và trước thiên nhiên tươi đẹp.
Kết hợp nhuần nhuyễn giữa bút pháp so sánh ẩn dụ, tả thực và khả năng liên tưởng, tưởng tượng bay bổng, phong phú, bài thơ thể hiện tình yêu thiên nhiên tha thiết trong phẩm chất thi sĩ – chiến sĩ cách mạng Hồ Chí Minh.
Trên đây là những mẫu bài văn hay phát biểu cảm nghĩ của về bài thơ Cảnh khuya của Hồ Chủ Tịch.
Tham khảo bài viết liên quan:
Anh/ chị hãy viết bài văn nêu cảm nhận về bài thơ “Cảnh khuya”
Những bài văn mẫu hay về bài thơ Cảnh khuya của Hồ Chí Minh.