Categories

Điểm đến của cuộc đời: Suy ngẫm để trân quý cuộc sống hơn

điểm đến của cuộc đời

Đã bao giờ bạn từng đọc một muốn cách mà chưa muốn buông xuống không? Bạn cảm thấy trong thâm tâm của mình có những xáo trộn, day dứt tâm can… Tôi cũng đã từng trải qua cảm giác này khi đọc cuốn Điểm đến của cuộc đời của tác giả Đặng Hoàng Giang.

Hành trình cận tử – Một góc nhìn khác biệt

Ngay từ phần đầu của bìa sách đã giới thiệu “Đồng hành với người cận tử và những học học cho cuộc sống”. Bởi nhiều người không muốn nhắc tới sự chết chóc, thậm chí họ còn chọn cách nói giảm, nói tránh không dám đối diện.

Tác giả Đặng Hoàng Giang cũng đã gặp gỡ những người sắp rời khỏi thế gian này. Ông đã lắng nghe những câu chuyện cuối đời, đi cùng họ trong một chặng đường ngắn trong những ngày cuối đời vô cùng đáng nhớ.

Thông qua hành trình cận tử của một vài người, tác giả đã cho bạn đọc tiếp cận với cái chết ở một góc nhìn thật khác. Đầu tiên, tác giả đưa ra câu chuyện về bé Nam 8 tuổi và người mẹ tên Hà. Cõ lẽ được di truyền từ mẹ nên bé đã phải đối mặt với căn bệnh u xương chày. Cái chết đang cận kề với em nhưng em vẫn luôn tích cực, vui vẻ bởi em thương mẹ rất nhiều. Em không muốn mẹ vì mình mà cảm thấy đau khổ, mệt mỏi.

Những câu nói ngô nghê của Nam trong cuốn nhật ký khiến cho chị Hà đau từng khúc ruột. Chị không giấu con bệnh, chị muốn con đón nhận sự thật bởi điều này không thể nào thay đổi được.
Hai mẹ con đã chấp nhận với bệnh tật và cùng nhau cố gắng trải qua những cuộc sinh thiết, truyền hóa chất và cắt bỏ chân. Trước mặt con, chị trở nên cứng cỏi nhưng trong thâm tâm chị đau đớn đến vô cùng.

Khi hồi tưởng, nhớ lại những giây phút cuối cùng với con trai, chị Hà bảo mình thật may mắn, bởi trước đó Nam đã kịp nói lời chào tạm biệt với mẹ. Không có một lời nào có thể diễn tả hết nỗi đau này. Một người mẹ mất con, buông tay con mà không thể cứu được. Đó là niềm đau vĩnh viễn không bao giờ có thể nguôi ngoai được.
Điểm đến của cuộc đời còn đưa chúng ta đến với câu chuyện của Liên. Đây là một cô gái trẻ đầy năng động, nhiệt huyết ở tuổi 22. Tuy nhiên, trước ngày bảo vệ khóa luận tốt nghiệp cô bị chảy máu và bản án ung thư đã hiện ra trước mắt.

Nhưng cô không bị điều đó làm ảnh hưởng tới cuộc sống của mình. Cô vẫn tốt nghiệp, đi làm như những người khác. Nhưng 1 năm ung thư quay lại đã di căn đến các bộ phận khác trên cơ thể. Cô từ chối hóa trị, sống tiếp với ý định trợ tử trong khi gia đình kịch liệt phản đối.

Hàng ngày, cô vẫn đi làm, vẫn luôn giữ cho mình một tâm trạng vui vẻ. Cô đã trở thành nguồn cảm hứng cho biết bao bệnh nhân ung thư khác. Bởi cô không mặc cảm, không ăn bám, thay vào đó cô đã tìm được sứ mệnh của cuộc đời mình bởi nó quá ngắn ngủi.

Thế nhưng, ở đâu đó trong lòng cô vẫn luôn lấn cấn về chuyện tình yêu. Những ngày cuối đời, người từng làm tổn thương cô xin gặp mặt nhưng cô không đồng ý. Bởi cô nghi họ gặp mặt để bản thân họ được thanh than chứ thực sự không phải nghĩ cho mình.

Vân cũng là một cô gái mới ngoài 20 tuổi, bị ngã xe máy cô được đưa vào bệnh viện để băng bó. Nhưng đến đây cô lại phát hiện ra mình bị ung thư xương khiến cho cánh tay giòn như khúc gỗ mục.
Biết mình không còn nhiều thời gian trên cõi đời này nữa nên cô vẫn luôn nung nấu ý định hiến tạng. Tuy nhiên, gia đình khi biết điều này đã kịch liệt phản đối. Bởi họ cho rằng chết phải toàn thây như vậy khi đi về nơi tây phương cực lạc mới được tiếp theo vòng luân hồi.

Những cơn đau của bệnh tật hành hạ cô, có lúc chân tay sưng to như quả bưởi. Cô đau đớn, la hét trong vô vọng, bởi cuộc đời cô còn hai đứa con thơ nheo nhóc.
Ngày cô qua đời, gia đình cũng đã chấp nhận mong muốn hiến tạng. Giác mạng cô bị lấy ra ngoài, người cha gục ngã trước điều đó. Mẹ Vân ngất xỉu trên nền nhà. Cho dù cái chết của cô đã được báo trước nhưng người cha, người mẹ đáng thương vẫn không thể nguôi ngoai được nỗi đau này.

Ai dám nhìn thẳng vào cái chết, người đó sẽ biết sống

Điểm đến của cuộc đời là cuốn sách bạn có thể khái quát được nội dung ngay từ đầu. Đồng hành với người cận tử và những bài học cho cuộc sống. Còn đồng hành như thế nào, bài học gì chỉ khi đọc hết tác phẩm mới biết được.

Câu chuyện của bé Nam, chị Hà, Vân, Liên, Hùng… Được tác giả ghi lại chỉ là một trong số rất nhiều những số phận ngoài kia. Những con người đang sống, đang chết và đã chết trong đó có chúng ta.

Điểm sáng của cuộc song hành với những người cận tử này đó chính là gợi lên những điều mà xưa nay con người ta vốn nhầm tưởng.
Một là xã hội thường ca ngợi anh hùng chạy chữa đến hơi thở cuối cùng. Nhưng chúng ta cũng cần ca ngợi một kiểu anh hùng đó là Buông bỏ. Nhiều người không thể hình dung được việc người thân mất đi. Những điều tệ hơn đó là cái chết tồi tệ chết trong hành hạ, đau đớn với đầy dây dợ, máy móc trên người.

Khi đọc câu chuyện của bé Nam và chị Hà chúng ta sẽ thấy rõ điều này. Chị Hà đã chấp nhận nếu như bác sĩ bảo dừng không điều trị cho con nữa. Bởi chị cho rằng số trời đã định không thể tránh khỏi. Người đọc có thể trách chị tại sao không nhờ bác sĩ cố gắng biết đâu kỳ tích sẽ xảy ra. Nhưng về sau bạn sẽ phải rơi nước mắt về sự buông bỏ nhưng không buông xuôi này. Chị hiểu rằng, chạy chữa đến cuối cùng không phải là cách duy nhất để bày tỏ yêu thương với con. Người sống mấy ai sẽ hiểu được rằng cái đau làm người ta không biết trốn đi đâu, nhiều người còn sợ đau hơn sợ chết.

Thứ hai đó chính là quan niệm hiến tạng đối với nhiều người còn khá bảo thủ. Cũng giống như gia đình chị Vân có suy nghĩ chết phải toàn thây như vậy mới đầu thai sang kiếp khác được. Đau xót chính là cảm giác của người sống với ước nguyện cuối cùng của một số phận đang cận kề với cái chết.

Nói cho cùng, cơ thể ư nó là cái gì? Nó cũng chỉ là một cái bao tải bằng da thịt chứa đựng một đống bùng nhùng thôi. Vậy tại sao chúng ta không để một phần cơ thể sống trong hình hài của người khác. Đó sẽ là một cách cứu sống sinh linh, mang đến niềm vui và hạnh phúc cho những gia đình khác.
Những người cận tử họ đã không cố gắng làm anh hùng. Họ sống thật và muốn được sống thật một lần trong đời.

Mỗi câu chuyện, chi tiết, lời nói của nhân vật đều khiến chúng tôi phải dừng lại bởi sự thật quá xót xa. Do đó thay vì động viên họ cố gắng lên, phải chiến đấu hãy lắng nghe họ tâm sự, hiểu được ước nguyện để cho người sắp ra đi được thanh thản cõi lòng.

Tạm kết cho Điểm đến của cuộc đời

Điểm đến của cuộc đời thực sự là một cuốn sách bạn nên đọc. Qua những câu chuyện chúng ta có thể quan sát được những cái chết và những người chết từ một góc nhìn thật khác.
Nó có đáng sợ, nhưng lại tràn đầy ý nghĩa, đến giây phút ấy thì người ta sẽ suy ngẫm và trưởng thành hơn. Họ sẽ biết thêm về giá trị sống, tình cảm gia đình, tình yêu và những cảm thức sâu sắc về cuộc đời, vũ trụ.

Cũng có nhiều ý kiến e ngại với một cuốn sách buồn bã như vậy. Nhưng theo tôi bạn nên đọc một lần để biết được hết những mệt mỏi của mình trong cuộc sống này. Những cơn thất tình, nỗi buồn, bực dọc thường ngày thực sự không là gì cả. Chúng quá nhỏ bé và vụn vặt không nghĩa lý.

Những số phận trong cuốn sách này dù đang ở tận cùng của nỗi đau đớn nhưng lại cho chúng ta thấy những điều đẹp đẽ đến nghẹn ngào. Bản lĩnh vượt qua khó khăn không thể nào diễn đạt hết bằng lời. Thái độ bình tĩnh của con người trước cái chết, họ khao khát được làm những việc có ích cho những người còn sống.

Gấp lại cuốn Điểm đến của cuộc đời ta nhận lại được rất nhiều thứ. Việc không phải cố gắng nắm giữ hơi thở cuối cùng cũng là một loại hạnh phúc. Không phải chứng kiến người yêu thương của mình chiến đấu với bệnh tật là một sự may mắn. Khi hiểu được điều này, chúng ta sẽ có một cuộc sống an lạc và vứt bỏ đi hết dăm ba cái sân si, tị hiềm. Có như vậy, chúng ta mới thực sự trân trọng những gì mình đang có trong cuộc sống này.