Categories

Phi Lý Trí – Bạn sẽ “sáng mắt ra” qua từng trang sách

review phi lý trí
Những bài học đắt giá trong cuốn Phi Lý Trí cần thiết cho mỗi chúng ta

Tôi đã từng tự hào về khả năng làm chủ tư duy cũng như lý trí của mình cho đến khi đọc cuốn “Phi Lý Trí” của Dan Ariely. Ngay từ những trang sách đầu tiên, tôi đã bị cuốn hút và không thể đặt cuốn sách xuống thay vào đó “ngấu nghiến” đọc hết hơn 400 trang sách một cách kỹ lưỡng, hiển nhiên rằng tôi đã “vỡ ra” rất nhiều điều qua từng câu chuyện, từng ví dụ chân thực của tác giả. 

Review sach phi ly tri
Phi Lý Trí – Những “Điểm mù” trong cách con người tư duy

Con người có thật sự sáng suốt?

Tôi, bạn, đa phần chúng ta vẫn thường “tưởng” rằng bản thân mình khá sáng suốt trước những sự lựa chọn hay phán đoán và quyết định trong cuộc sống, từ những việc nhỏ trong cuộc sống hàng ngày cho đến những quyết định lớn lao trong công việc, hạnh phúc, gia đình? Nhưng đó có phải là sự thật không? Có phải chúng ta luôn sống duy lý (lý trí) hay không?

Tại sao chúng ta dễ dàng bỏ ra một khoản tiền khá lớn để mua một món đồ “trưng bày” trong nhà nhưng lại thấy khó khăn khi chi tiền cho các sản phẩm chăm sóc sức khỏe? Tại sao bạn quyết định ăn kiêng (quyết tâm rất cao độ khi có suy nghĩ phải ăn kiêng) nhưng lại dễ dàng từ bỏ khi thấy một món bạn yêu thích? Đó chính là sự thiếu sáng suốt! Theo cách lý giải của giáo sư tâm lý học Dan Ariely trong “Phi Lý Trí” đó chính là những “điểm mù” trong cách tư duy của con người. 

Chắc chắn bạn có thể nhìn nhận và thấy rõ điều này qua các câu chuyện và phân tích của tác giả Dan Ariely trong các chương của cuốn Phi Lý Trí – 1 trong những cuốn Best Seller mọi thời đại.

Ai trong chúng ta cũng từng “phi lý trí”

“Con người thường xuyên có xu hướng phi lý trí một cách có “hệ thống”, hệ thống đó là vô hình” chính là khẳng định đầy bất ngờ của  giáo sư Ariely trong cuốn “Phi Lý Trí”. Từ những nghiên cứu chuyên sâu kết hợp với vố số trải nghiệm thực tế của mình, tác giả Ariely đã giúp người đọc khám phá ra “điểm mù” trong tư duy thường nhật.

Bằng cách diễn đạt hết sức gần gũi, thực tế và dễ hiểu, không sử dụng quá nhiều từ ngữ chuyên ngành nhưng vẫn tiềm tàng sức mạnh tư duy qua từng câu chữ, tác giả Phi Lý Trí buộc người đọc phải suy ngẫm về những sai lầm của mình trong cách tư duy, quyết định của mình trong cuộc sống hàng ngày để từ đó có tư duy sống hợp lý, tốt đẹp hơn mỗi ngày. 

Ai cũng “phi lý trí” theo một hệ thống vô hình của tư duy

Bạn sẵn sàng rút tiền cho người ăn mày nghèo khổ trên đường nhưng chính bạn cũng đã từng cò kè từng đồng khi bán đồng nát hay khi đi mua rau ngoài chợ. Đó chẳng phải là biểu hiện của sự phi lý ư?

Có nhiều người bệnh cảm thấy “đỡ” hẳn khi dùng thuốc bác sĩ kê mặc dù bản chất thuốc đó chỉ là “bài” của bác sĩ để trấn an tâm lý, ấy cũng chính là sự phi lý! 

Có đôi khi bạn thấy một món ăn ngon, 1 món đồ đẹp chỉ bởi vì những người xung quanh bạn nói rằng nó ngon, nó đẹp?

Bạn đã bao giờ mua một món đồ mình không thật sự thích nhưng phải có để cho bằng bạn bằng bè chưa? Hay đơn giản hơn, bạn đã từng cảm thấy “thật vô lý” khi xem các chương trình đấu giá trên truyền hình khi một món đồ có cái giá trên trời nhưng nhiều người “thi nhau” mua cho bằng được chỉ để “có” nó chưa?… Đó chính là sự phi lý mà không phải lúc nào chúng ta cũng nhìn nhận thấy!

Tác giả Ariely đã chỉ ra rằng, không chỉ bạn phi lý trí, hầu hết thậm chí tất cả chúng ta đều phi lý trí. Đặc biệt hơn khi chúng ta không chỉ phi lý trí ở tình cảm mà còn thiếu sáng suốt ở rất nhiều lĩnh vực, nhiều mặt của cuộc sồng.

Thật giá trị biết bao khi người đọc có thể “sáng mắt ra”, ngộ ra được rằng bản thân mình đã phi lý như thế nào trong tất thảy các quyết định từ nhỏ nhặt nhất tới trọng đại nhất trong quãng đời đã qua. Điều đó chính là bước khởi đầu cho việc rút kinh nghiệm, đúc kết bài học để chỉnh sửa những sai lầm trong cuộc sống. 

Mỗi chương trong cuốn sách, tác giả Ariely đã dành để mô tả một tác động như thế bằng rất nhiều thí nghiệm khác nhau từ đó giúp người đọc hiểu rõ, hiểu sâu được các điểm mù trong cách con người tư duy. Đó chính là khác biệt của cuốn Phi Lý Trí, nó không dừng lại ở ngôn từ, cách hành văn hay mà còn rất thực tế, người đọc có thể thấy mình trong những ví dụ của tác giả, thấy được sai lầm và sự phi lý trí của mình trong rất nhiều câu chuyện thực tế mà tác giả đề cập tới. 

review phi lý trí
Những bài học đắt giá trong cuốn Phi Lý Trí cần thiết cho mỗi chúng ta

“Sáng mắt ra” nhờ những bài học đắt giá trong Phi Lý Trí

Tin tôi đi, chắc chắn những bài học được chia sẻ từ kinh nghiệm thực tế và những nghiên cứu chuyên sâu của tác giả Dan Ariely trong cuốn sách Phi Lý Trí sẽ giúp bạn “sáng mắt ra”, “vỡ ra” nhiều điều mà trước giờ bạn chưa từng nghĩ tới để từ nghiêm túc nhìn nhận lại sự phi lý của mình, biết cần và nên làm gì để sống tốt đẹp hơn!

Bài học đầu tiên chính là chúng ta cần dừng lại ngay việc so sánh một vật hay một việc nào đó trong cuộc sống với những thứ khác bao gồm cả việc so sánh mình với một ai đó. Việc liên tục đưa ra những so sánh sẽ khiến bạn luôn cảm thấy không thỏa mãn với những gì mình đang có, so sánh giúp bạn đưa ra quyết định đúng đắn khi nó được đưa ra đúng lúc ngược lại có thể mang họa nếu bạn không đủ sáng suốt, bạn phi lý trí. 

Thứ hai, khi được nhận đồ miễn phí bỗng dưng lý trí của chúng ta biến đi đâu mất. Đây chính là một chân lý, có thể áp dụng ở nhiều lĩnh vực khác nhau, đặc biệt là trong kinh doanh. Các chương trình tặng miễn phí luôn thu hút khách hàng quan tâm là bởi nó không tiềm tàng rủi ro “chỉ được nhận mà không mất gì cả”. Nhưng, hãy vận dụng nó một cách thông minh để đạt được kết quả như ý!

Thứ 3, mức giá đầu tiên của sản phẩm mà chúng ta nghe thấy sẽ ảnh hưởng đến mức giá chúng ta sẵn sàng trả sau này. Điều này nghe chừng rất phi lý nhưng đó là sự thật, chỉ là chúng ta rất hiếm khi nhận ra do bị “điểm mù” trong cách tư duy che lấp đi mà thôi.

Tiếp đến, con người thường có xu hướng phóng đại giá trị của những thứ thuộc quyền sở hữu của mình. Điều này trực tiếp dẫn tới sự cố chấp, bảo thủ trong tư duy. Tác giả đã phân tích, lý giải và gợi ý về cách chúng ta đối phó với những điều này, tất cả có trong Phi Lý Trí, đó là lý do bạn nên đọc cuốn này càng sớm càng tốt.

Bạn có tin rằng, những trải nghiệm của chúng ta có trong cuộc sống này thường được định hình bởi chính kỳ vọng của chúng ta không? Đây chính là bài học mà tác giả Phi Lý Trí muốn chia sẻ với chúng ta, để chúng ta thấy rằng đằng sau mỗi quyết định là những động lực “vô hình”. 

“Mọi người rất dễ dối trá, nhưng không đến mức gian xảo” – Đây chính là bài học mà tôi tâm đắc nhất khi đọc Phi Lý Trí của Dan Ariely. Tác giả đã phân tích và lý giải chi tiết về điều này qua những câu chữ thật sự cuốn hút, có sức mạnh khai mở tư duy.

Tác giả Dan Ariely cũng chỉ ra rằng, mọi người bị ám ảnh với việc có quá nhiều lựa chọn, kể cả nó có hại cho họ về lâu về dài. Do đó chúng ta cần thật sự sáng suốt khi đưa ra quyết định và lựa chọn từ những việc nhỏ nhất đến các quyết định trọng đại. 

TẠM KẾT 

“Phi Lý Trí” đã vẽ ra một bức tranh chân thực về việc con người cực kỳ phi lý trí trong hầu hết các quyết định của cuộc sống hàng ngày. Mọi hành vi, hành động của chúng ta thường được dẫn dắt bởi sự phi lý mà chính chúng ta không thể nhận ra. Bằng cách đọc cuốn sách này, bạn có thể khai mở những tư duy mới mẻ, thấy được “điểm mù” trong cách bản thân đã, đang tư duy từ đó kịp thời chỉnh sửa những sai lầm, những sự phi lý – đó mới chính là thông điệp, bài học thiết thực về cuộc sống mà tác giả Dan Ariely muốn gửi gắm tới chúng ta qua hơn 400 trang sách “Phi Lý Trí”.