“Chỉ khi dám bị người khác ghét bỏ, chúng ta mới có được tự do, có được hạnh phúc” – đó là lời khẳng định chắc chắn của bộ đôi tác giả nổi tiếng Kishimi Ichiro và Koga Fumitake trong cuốn sách “Dám bị ghét” – Cuốn sách giúp hàng triệu độc giả mở được nút thắt trong lòng, sống tự do và hạnh phúc hơn!
Cuốn sách self – help khác biệt
Chúng ta thường muốn được yêu thích hơn là bị ghét
Đúng thế, không ai lại khước từ sự yêu thích, yêu thương mà người khác dành cho mình, mặt khác, đa phần chúng ta đều sợ bị ghét – đó là tâm lý hết sức bình thường. Bị ghét khiến bạn cảm thấy mình bị bỏ lại phía sau một tập thể, bạn có thể cảm thấy tội lỗi khi làm người khác không hài lòng, bị ghét đôi khi khiến bạn cảm thấy lạc lõng, thiếu tự tin và hàng tá những điều khiến bạn sợ hãi khác.
Chính điều đó đã khiến bạn không ít lần mệt mỏi, bế tắc vì cứ phải sống theo những khuôn mẫu, quy tắc của người khác chỉ để “không bị ghét” thậm chí chỉ vì muốn được yêu thích, được tán thưởng bạn có thể khiến cho cuộc sống của mình trở nên tệ hơn.
Bạn muốn thoát khỏi điều đó, thoát khỏi những tư duy, cách nghĩ thông thường nhưng bạn không đủ can đảm, không biết bắt đầu từ đâu cũng không biết nên làm như thế nào? “Dám bị ghét” chính là chiếc chìa khóa giúp bạn mở ra “lối thoát” cho những trăn trở trong lòng để từ đó có được sự tự do trong tâm trí.
Bạn có sẵn sàng “bị ghét” không?
Dám bị ghét – Cuộc hội thoại khiến người đọc không thể rời đi
Tôi thấy vô cùng bất ngờ khi mở những trang sách đầu tiên của “Dám bị ghét”, nó giống như một tác phẩm văn học kinh điển trong khi thực tế đây chính xác là một cuốn self – help. Không chọn lối dẫn dắt quen thuộc của các cuốn sách cùng chủ đề khác, Kishimi Ichiro và Koga Fumitake chân thành mời người đọc lắng nghe, tham gia vào cuộc đối thoại giữa 2 nhân vật chính là chàng thanh niên và người Triết gia để từ đó có thể nhìn thấy thật nhiều bài học giá trị về lòng can đảm – dám bị ghét.
Tất cả đều có cốt truyện, được kể hết sức mạch lạc với văn phong mới mẻ, hấp dẫn khiến người đọc không thể rời đi. Những câu chuyện mà chàng thanh niên gặp phải rất gần gũi, dường như bạn đọc chúng ta cũng từng đối mặt và trải qua. Người Triết gia đã giúp cậu thanh niên phân tích, lý giải vấn đề và gợi mở về cách để giải quyết các khúc mắc cực kỳ khoa học và hiệu quả. Dưới góc nhìn của chàng thanh niên ta thấy được vấn đề mình gặp phải còn những điều Triết gia nói chính là sợi dây kéo ta ra khỏi vũng lầy của sự bấn loạn trong tâm trí, của những mệt mỏi và bế tắc khi ta cứ phải sống theo khuôn mẫu của người khác đặt ra.
Cuộc đối thoại khiến người đọc không thể rời đi
Những giá trị vượt thời gian
Với cá nhân tôi, “Dám bị ghét” là một tác phẩm kinh điển, ẩn chứa nhiều bài học vô cùng sâu sắc cùng với đó là những giá trị về mặt tư tưởng mà không phải cuốn sách nào cũng có được.
Đó là tư tưởng rằng, chúng ta được quyền tự do lựa chọn cuộc sống của riêng mình mà không phải phụ thuộc vào bất kỳ một hình mẫu nào hay một ai khác. Bên cạnh đó, quá khứ không quyết định tới hiện tại hay tương lai của ta, điểm mấu chốt là ta có dũng cảm rũ bỏ những sai lầm trong quá khứ, rũ bỏ những ám ảnh về sự đau buồn trong quá khứ để tiến lên phía trước hay không. Tác giả viết “Con người không được tạo ra bởi trải nghiệm của bản thân trong quá khứ, mà bởi ý nghĩa chúng ta gán cho những trải nghiệm đó”. Việc cần làm của chúng ta là hãy phủ nhận sang chấn tâm lý bởi thực tế nó không thể tồn tại.
Tất nhiên “Dám bị ghét” không khuyến khích bất kỳ ai trở thành người “không có nguyên tắc” hay đi ngược lại với tâm lý đám đông nhưng cuốn sách này chính xác là kim chỉ nam giúp bạn biết cách cân bằng cái tôi của bản thân với những người xung quanh và xã hội.
Trích dẫn hay trong “Dám bị ghét”
Bạn thử nghĩ mà xem, nếu chúng ta cứ mãi để ý và bận tâm tới cách người khác nhìn nhận về mình, cứ gò ép bản thân phải sống theo những quy tắc dẫu biết rằng nó phi lý và không phù hợp thì tâm trí của chúng ta sẽ như thế nào? Chắc chắn, tâm trí sẽ bị “trói buộc” bởi những mệt mỏi, lo âu, phiền muộn, sợ hãi thậm chí là bế tắc, tuyệt vọng. Có được sự tự do trong tâm trí là điều mà bất cứ ai cũng muốn có được bởi chỉ như vậy, ta mới thật sự được sống một cuộc đời đáng sống, có ý nghĩa.
Theo “Dám bị ghét”, mọi phiền muộn đều có chung một điểm xuất phát đó chính là mối quan hệ giữa người với người. Điều khiến chúng ta thấy tự ti không phải là “sự thật khách quan” mà chính là “suy diễn mang tính chủ quan”, bắt nguồn từ chính tâm lý cho rằng bản thân không bằng người khác, mình không có được thành công do chính mình kém cỏi… Vậy chúng ta nên làm gì? Nhà triết gia đã “mách nước” cho cậu thanh niên về cách để vượt lên chính mình, gỡ bỏ tâm lý tự ti, không ngừng học tập, nỗ lực phát triển bản thân… phải chăng đó là bài học mà tác giả muốn gửi tới tôi, bạn và hàng triệu độc giả khác?
Chúng ta không sống để làm hài lòng người khác vì thế hãy học cách bỏ qua nhiệm vụ của người khác. Khi ta sống theo lẽ sống của chính mình, ta cảm thấy hài lòng và thỏa mái với điều đó đồng nghĩa với việc ta có thể bị ghét và hãy “dám bị ghét”. Bằng cách nào để có thể dám bị ghét mà không có tâm lý tiêu cực, mời bạn hãy khám phá những trang sách ý nghĩa của “Dám bị ghét” để hiểu rõ hơn.
Hãy sống hết mình “Ngay tại đây, vào lúc này” – đó là thông điệp ấn tượng nhất của “Dám bị ghét”, nó truyền cho tôi một nguồn động lực rất lớn để thay đổi, để sẵn sàng đối mặt và chấp nhận bị ghét. Thật vậy các bạn ạ, mỗi chúng ta là một cá thể riêng biệt, ai cũng có điểm mạnh – điểm yếu, có ưu điểm cũng có thiếu sót vì thế để sống tốt, không có cách nào khác là chúng ta phải biết cách chấp nhận thiếu sót của bản thân và sống hài hòa với những người xung quanh – họ cũng giống bạn, không phải là người hoàn hảo.
Hy vọng bạn sẽ có đủ can đảm để bị ghét sau khi đọc cuốn sách này!
Giữa thế giới còn rất nhiều điều phi lý này, bạn hãy là một tiểu vũ trụ có lẽ sống riêng, luôn học tập, phát triển và trau dồi bản thân mỗi ngày, luôn sẵn sàng hành động để mang đến giá trị thiết thực cho cuộc sống này. Đó mới chính là điều mà tác giả Kishimi Ichiro và Koga Fumitake gửi gắm qua cuốn sách tâm đắc của mình.
Tôi tin rằng, sau khi gấp lại cuốn sách “Dám bị ghét” bạn tháo gỡ được những tâm lý nặng nề trước nay vẫn có về cái gọi là “bị ghét” đồng thời có tư duy mới – còn gọi là “tâm lý về sự can đảm”, can đảm bị ghét giúp bạn có được tự do trong tâm trí của chính mình – đó cũng là khởi nguồn của một cuộc sống tốt đẹp hơn!
Leave a Reply