Một cuốn sách được tác giả mất 20 năm để hoàn thành, tôi tin rằng Tuổi thơ dữ dội là một cuốn sách sẽ dễ dàng lấy đi những giọt nước mắt của bạn.
Nội dung bình dị gần gũi nhưng lại gây ấn tượng cho người đọc
Được sinh ra trong bối cảnh những năm kháng chiến giành lại độc lập của dân tộc, Tuổi thơ dữ dội kể về câu chuyện của những chú bé trong Đội Thiếu niên Trinh sát trung đoàn Trần Cao Vân. Không phải là một mối tình khắc cốt ghi tâm thời chiến, cũng không phải là những người lính oai phong lẫm liệt, nhân vật chính của chúng ta chỉ là những cậu bé 12, 13 tuổi vẫn còn nét trẻ con hồn nhiên nhưng cũng không kém phần dũng cảm. Các em có những nét tính cách khác nhau, những xuất thân giàu nghèo khác nhau. Các em cũng có những câu chuyện riêng, những cơ duyên riêng của mình khi gia nhập đội trinh sát này. Nhưng các em đều có một điểm chung, đó là lòng yêu nước sâu sắc.
Mừng – một chú bé với thân hình nhỏ bé yếu ớt sống với người mẹ nghèo bị hen suyễn. Em từng trèo khắp các cây cao để lấy lá về sắc thuốc cho mẹ. Gia nhập đội Thiếu niên trinh sát, em có một khát khao cháy bỏng về một ngày đất nước độc lập, sẽ có những bác sĩ chữa trị cho người mẹ nghèo của em.
Trái ngược với Mừng, Quỳnh Sơn ca lại là một cậu bé xuất thân từ một gia đình khá giả. Em có tài năng thiên bẩm về âm nhạc. Cuộc đời của em đã được định là bằng phẳng và được trải sẵn thảm đỏ nhưng em lại đi ngược lại điều này. Từ chối chọn ra nước ngoài theo yêu cầu của bố mẹ, Quỳnh đã trốn khỏi nhà để gia nhập đội trinh sát. Từ bỏ cuộc sống an nhàn được định sẵn, em lựa chọn góp một phần xương máu cho dân tộc.
Không chỉ khác nhau về hoàn cảnh gia đình, cơ duyên đến với đội trinh sát của các em cũng muôn màu muôn vẻ. Lượm là con nhà nòi trong gia đình có truyền thống cách mạng. Vịnh sưa thì có mối căm hận với giặc tây khi chứng kiến cảnh chúng hành hạ và sát hại những người thân trong gia đình, còn Tư dát thì chỉ đơn giản là bỗng dưng nghe thấy tiếng hát của các anh bộ đội : “Thà chết không quay lại đời nô lệ! Xếp bút nghiên lên đường tranh đấu…!” liền quăng cặp sách đi theo các anh.
Đừng bận tâm vì cuốn sách này có quá nhiều nhân vật chính, mà mỗi nhân vật lại là một mảng màu khác nhau. Dưới ngòi bút của tác giả, những mảng màu ấy đan xen hợp lý, tạo thành một bức tranh tổng thể về một trung đoàn thiếu niên đầy hiên ngang dũng cảm.
Những nốt cảm xúc chạm đáy tâm hồn
Đến với tuổi thơ dữ dội, tôi như được trải nghiệm một bữa tiệc về cảm xúc với đủ mọi loại cung bậc khác nhau. Có lúc cảm thấy nhẹ nhàng, thoải mái hay bật cười nhẹ trước những đối thoại, những hành động dễ thương của những cậu thiếu niên vẫn mang trong mình chút hồn nhiên ngây thơ của lứa tuổi, lúc lại cảm thấy căm phẫn tột cùng trước những hành động tàn ác dã man của quân giặc. Có lúc cảm thấy sục sôi tinh thần dân tộc, cảm thấy tự hào và trào dâng lòng yêu nước vì được truyền cảm hứng từ những nhân vật trong trang sách, có lúc lại đau đớn xót xa trước sự hi sinh mất mát của thế hệ đi trước.
Tại sao tôi lại gọi Tuổi thơ dữ dội là những “tiếng nức nở”? Đây không phải là một quyển tiểu thuyết đặc tả nỗi đau, quá lâm li bi đát. Nhưng, chính cách tác giả đưa ra câu chuyện, những nhân vật đã thổi hồn tạo nên những rung cảm cho người đọc, khiến cho người mỗi chúng ta khi đọc quyển sách này, dù ít hay nhiều cũng có phần “nức nở”.
Từng lời văn, câu chữ như những nốt cảm xúc tinh tế chạm vào đáy tâm hồn của độc giả
Khi bắt đầu đọc cuốn sách này, đã khá nhiều lần tôi rưng rưng trước sự hi sinh của các em, trong suốt cả cuốn sách. Tuy nhiên, khi đọc đến những trang cuối cùng của cuốn sách, tác giả vẫn khéo léo khiến tôi vẫn phải bật ra thành tiếng. Đó là khi Mừng- một trong những nhân vật chính của câu chuyện bị nghi ngờ là Việt gian. Không ai tin em cả, thậm chí cả người mẹ đang bệnh của em cũng nghi ngờ em. Mừng sống trong sự tủi thân ấy suốt một thời gian dài, để rồi đến những trang cuối của cuốn sách, khi mà em hoàn thành trách nhiệm của mình trong nhiệm vụ nổ mìn làm tanh bành hai đại đội của địch, cậu thiếu niên bé nhỏ khi ấy mới vừa tròn mười ba tuổi đã để lại câu trăn trối cuối cùng, rằng : “Anh ơi, anh đừng nghi em là Việt gian nữa anh hí!”. Lời cầu xin yếu ớt ấy lại có sức công phá mạnh mẽ đến phòng tuyến cuối cùng của người đọc. Tôi tin rằng, bất kỳ ai khi đọc cuốn sách này sẽ cảm nhận rõ nội tuyệt vọng khi không một ai tin mình, và sự thở phào khi giải tỏa được nỗi oan trước khi trút hơi thở cuối cùng của em.
Bài học về sự hi sinh cho các thế hệ sau
Không có sự mất mát nào là không thương đau, nhưng có những sự mất mát trong Tuổi thơ dữ dội gây ám ảnh cho người đọc. Đó là Vịnh sưa, nằm trên thành trì của địch không một mảnh vải che thân để chỉ điểm cho đồng đội. Em không có một tấc vũ khí, cũng không có hành động kháng cự, lựa chọn hi sinh bản thân cho nền độc lập của dân tộc sau này.
Đọc tuổi thơ dữ dội, tôi như đang đọc lại được phần nào cuộc chiến tranh tàn khốc mà cha ông ta đã phải trải qua, cảm nhận được một phần rất nhỏ đau thương mà họ đã phải chịu đựng. Để rồi gấp cuốn sách lại, tôi tự hỏi liệu nếu sinh ra trong những năm tháng ấy, mình có đủ bản lĩnh để có thể quên mình như vậy.
Mọi sự hy sinh đều đáng giá và không được phép lãng quên. Hãy đọc tuổi thơ dữ dội, để biết được thế nào là đau thương, là mất mát, là kiên cường, và thế nào là tinh thần yêu nước bất diệt.
Kết
Là một cuốn tiểu thuyết được xem là một trong những cuốn thành công nhất về phong trào Cách mạng Việt Nam, Tuổi thơ dữ dội hoàn toàn xứng đáng để có được sự ca tụng này. Đây không chỉ là một cuốn sách, một câu chuyện, mà nó vô cùng thật. Cái thật ở đây không chỉ là được xây dựng trên hình tượng của các nhân vật có thực, mà thật ở đây, là cảm xúc mà cuốn sách để lại trong lòng người đọc: những cảm xúc đau đớn hay tự hào… tất cả đều rất thật.
Leave a Reply