Anh chị hãy nêu suy nghĩ của mình về giá trị giáo dục của tác phẩm văn học

Đề bài: Anh chị hãy nêu suy nghĩ của mình về giá trị giáo dục của tác phẩm văn học

Văn chương giống như một cuốn bách khoa toàn thư về cuộc đời con người, ở đó người ta có thể nhận ra những mảnh đời giống mình hay khổ cực hơn mình. Văn chương khiến cho “con người gần người hơn”. Ở mỗi chúng ta đều tồn tại phần con và phần người vì thế muốn gần phần người hơn thì chúng ta phải rèn luyện rất nhiều. Văn chương là một trong những khí giới thanh cao có giá trị giáo dục giúp cho chúng ta tiến đến gần phần người hơn, sống thiện sống đẹp hơn.

Giá trị giáo dục là một trong ba giá trị lớn của tác phẩm văn học. Một tác phẩm văn chương thực sự phải có giá trị giáo dục con người hướng tới sống tốt hơn. Văn chương không dùng bao to búa lớn, không đưa con người trước vành móng ngựa, không dạy dỗ con người bằng những từ ngữ khô khan, càng không đánh đập hay dọa nạt. Văn chương với sức mạnh vượt lên trên cả súng gươm, đạn dược, nó đi sâu vào tâm hồn, vào trái tim con người, làm nảy nở những tình cảm tốt đẹp trong con người, giúp con người nhận thực điều sai lẽ phải ở trên đời và cuối cùng hướng con người sống lương thiện, hiền lành hơn. Chúng ta đọc tác phẩm, đau cùng nhân vật, vui vẻ cùng nhân vật, thấy thương cho những con người hiền lành cam chịu, thấy căm ghét những thế lực tàn ác. Khi ấy, văn chương đã dạy ta biết phân biệt đúng sai, biết thương người căm sự tàn ác.

Chẳng phải qua tác phẩm Chí Phèo, chúng ta không thể nào không thương cho một số phận người nông dân hiền lành bị xã hội thực dân phong kiến đàn áp, đẩy vào con đường bần cùng hóa, lưu manh hóa. Đến khi Chí Phèo muốn trở về làm người lương thiện thì không thể quay lại được nữa. Những vết sẹo vẫn còn, tiếng quỷ dữ còn đó. Chẳng ai chấp nhận Chí trở về ngoài Thị Nở. Triền miên trong cơn say nhưng một lần tỉnh Chí cho người đọc thấy được ước mơ giản dị nhưng quá đỗi hạnh phúc của mình. Người đọc hóa thân vào nhân vật, đau đơn thay cho nhân vật. Ở đó tác phẩm Chí Phèo không những tố cáo xã hội xưa mà còn giúp chúng ta nhận ra nhiều điều, ngoài sự thương cảm với số phận của những con người như Chí chúng ta hiểu rằng không bao giờ có thể nhìn đời một cách phiếm diện. Đằng sau một con quỷ dữ ấy là cả một câu chuyện.

Tác phẩm Rừng xà nu của Nguyên Ngọc cũng để lại những giá trị giáo dục tốt đẹp đối với chúng ta. Qua tác phẩm chúng ta có thể thấy được sự tàn ác của quân giặc, thấy được những thương đau và mất mát mà dân tộc Việt Nam ta phải chịu trong suốt thời gian chiến đấu gian khổ. Tác giả muốn gửi gắm câu chuyện của mình và cũng muốn giáo dục con người chúng ta phải sống cho đất nước, sống phải ngẩng cao đầu, yêu nước và căm thù giặc. Nhà thơ Tố Hữu với bài thơ Việt Bắc cũng cho ta thấy một tình cảm dân quân vô cùng đầm ấm, chiến đấu gian khổ là thế nhưng tình đoàn kết dân tộc, tình quân dân như gia đình lớn đã tạo nên một sức mạnh vô cùng lớn để làm nên thắng lợi Điện Biên Phủ năm 1954. Qua đó ta thấy được, dù có khó khăn đến mấy nhưng chỉ cần đồng lòng đoàn kết với nhau thì chúng ta có thể làm nên tất cả.

Tóm lại, văn chương có giá trị giáo dục con người vô cùng to lớn. Văn chương không chỉ là những con chữ ghép lại với nhau để tạo thành nghĩa rồi nằm ườn ra trên trang giấy. Mà đằng sau những câu chữ ấy, có những điệu nhạc của tâm hồn, những bức tranh muôn màu của hiện thực khách quan. Văn chương dùng sức mạnh đó chạm tới trái tim con người, đánh thức tâm hồn, đánh thức phần lương tâm con người để con người có sống ngày một tốt đẹp hơn.