Bàn về vai trò của gia đình trong tác phẩm Một người Hà Nội và Chiếc thuyền ngoài xa

Đề bài: Từ truyện gia đình trong tác phẩm Một người Hà Nội (Nguyễn Khải) và Chiếc thuyền ngoài xa (Nguyễn Minh Châu), bàn về vai trò của gia đình đối với cuộc sống của con người

Gia đình là mái ấm của tình thương, là nơi an toàn, ấm áp nhất mà con người có thể dựa vào mỗi khi gặp những đau khổ, bất trắc trong cuộc sống. Tình cảm gia đình có tác động mạnh mẽ đến những suy nghĩ cũng như tình cảm của con người. Trong lịch sử văn chương cũng đã có rất nhiều tác phẩm đi sâu khai tác về đề tài này, ta có thể tìm thấy được vai trò của gia đình đối với sự trưởng thành của con người qua hai tác phẩm truyện ngắn sau: Một người Hà Nội (Nguyễn Khải) và Chiếc thuyền ngoài xa (Nguyễn Minh Châu).

Mỗi truyện ngắn đi khai thác một khía cạnh khác nhau của tình cảm gia đình, nhưng đều thể hiện một cách chân thực sự tác động của gia đình đối với nhận thức, tình cảm của con người. Nếu như truyện ngắn Một người Hà Nội của Nguyễn Khải nói về điểm tựa vững chắc của gia đình, cơ sở để tạo nên những đứa con có phẩm chất tuyệt vời thì Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu lại nói về sự thương tổn của những đứa con khi gia đình không hạnh phúc, sự bạo lực của bố đối với người mẹ bất hạnh đã tạo ra một loại tâm lí ám ảnh đối với những đứa con, khiến cho chúng có những suy nghĩ lệch lạc.

          Bàn về vai trò của gia đình trong tác phẩm Một người Hà Nội và Chiếc thuyền ngoài xa

Một người Hà Nội xoay quanh nhân vật chính là bà Hiền, một người Hà Nội gốc, ở bà Hiền ta nhận thấy những phẩm chất tốt đẹp, như một hạt bụi vàng giữa lòng Hà Nội như nhà văn Nguyễn Khải từng khẳng định. Bà Hiền là người có những quan niệm vô cùng tiến bộ về vai trò của người phụ nữ trong gia đình, theo bà Hiền, người vợ cũng là một người góp phần xây dựng lên hạnh phúc gia đình, bởi vậy mỗi khi có những công chuyện trọng đại thì cần có sự đàm phán, đồng lòng của cả hai vợ chồng, bà đã khuyên nhân vật Khải trong truyện như sau: “Mày bắt nạt vợ mày quá, không để nó tự quyết điịnh bất cứ việc gì, vậy là hỏng. Người đàn bà không là nội tướng thì cái gia đình ấy cũng chẳng ra sao”.

Bà Hiền cũng là một người luôn có ý thức giáo dục con cháu để hình thành nên những phẩm chất tốt đẹp ở thế hệ sau, bà Hiền luôn có những lời nhắc nhở nghiêm khắc đối với những hành động, lời nói chưa đúng chuẩn mực, tuy chỉ là một người bác nhưng bà Hiền vẫn luôn giáo dục các cháu bằng những lời nói thật lòng, chân thành của mình, bà từng chỉ điểm về cách nói năng cho những đứa con của nhân vật Khải như sau: “Chúng mày là người Hà Nội thì cách đi đứng nói năng phải có chuẩn, không được sống tùy tiện, buông tuồng”.

Ta có thể thấy lời nhắc nhở của bà Hiền tuy có mặt nghiêm khắc, khuôn khổ nhưng đó đều là những lời vô cùng đúng đắn, mang tính giáo dục cao, bởi trong một gia đình, trách nhiệm giáo dục con cái thuộc về bố mẹ, nếu như không có những lời nhắc nhở thì những đứa con không chú ý đến những hành vi của mình, không tự nhận thức được đâu là chuẩn mực, đâu là những hành vi buông tuồng, chưa phải phép. Những lời dạy dỗ của bà Hiền chỉ là những lời góp ý chân thành của một người đi trước chứ không có ý ép buộc hay bắt ép ai phải làm theo mình “ Tao chỉ dạy chúng nó biết tự trọng, biết xấu hổ còn sau này muốn sống ra sao thì tùy”.

Với tư cách là một người mẹ thì bà Hiền là một người mẹ tuyệt vời, tuy không trực tiếp nói những lời xúc động với những đứa con của mình nhưng thông qua hành động và cuộc đối thoại với nhân vật Khải ta có thể thấy được tấm lòng nhân hậu, yêu thương vô bờ bến của một người mẹ. Bà Hiền thương con thể hiện trong sự tôn trọng quyết định của con, nỗi đau thì người mẹ ấy chỉ nuốt vào trong để cho những người con có một điểm tựa vững chắc, yên tâm mà lên đường.

Bà Hiền có hai cậu con trai thì cả hai đều xung phong lên đường vào miền Nam đấu tranh thống nhất đất nước. Bà Hiền là người thấu hiểu hơn ai hết cái khắc nghiệt, dữ dội của chiến tranh, nó có thể cướp đi mạng sống của những đứa con thân yêu của bà nhưng bà không hề ngăn cản con, bà ý thức được trách nhiệm của con mình với đất nước, ý thức được sự trưởng thành của chúng nên chỉ có thể đồng ý dù mình cũng rất đau đớn: “Tao đau đớn mà bằng lòng, vì tao không muốn nó sống bám vào sự hi sinh của bạn bè. Nó dám đi cũng là biết lòng tự trọng”.

Đến người con thứ hai xin nối chân anh vào chiến trường, bà Hiền vẫn đồng ý vì một lẽ “Tao không khuyến khích, cũng không ngăn cản, ngăn cản tức là bảo nó tìm đường sống để các bạn nó phải chết, cũng là một cách giết chết nó”, bà Hiền cũng mình giống như những bà mẹ khác, để cho các con của mình thực hiện trách nhiệm với đất nước, với dân tộc, đặt mình vào vị trí của bao bà mẹ khác: “Tao cũng muốn được sống bình đẳng với các bà mẹ khác, hoặc sống cả hoặc chết cả, vui lẻ thì có hay lớm gì?

Truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa của nhà văn Nguyễn Minh Châu lại đề cập đến một bi kịch của gia đình, đó là tình trạng bạo lực gia đình và những tác động ghê gớm của nó đến nhận thức cũng như sự phát triển của những đứa con, những nạn nhân đáng thương nhất. Truyện ngắn kể về cuộc sống như địa ngục của người đàn bà hàng chài, chị ta phải sống với một người đàn ông vũ phu, độc ác, là nạn nhân của những trận đòn roi tàn nhẫn, cứ ba ngày một trận nhẹ, năm ngày một trận nặng.

Sống cuộc sống như địa ngục trần gian đó nhưng người đàn bà hàng chài vẫn nhẫn nhịn, chịu đựng tất cả khiến cho nhân vật Phùng và chánh án Đẩu không tài nào hiểu nổi. Khi được đề nghị li dị với gã chồng vũ phu thì chị ta đã sụp xuống van xin để mình không phải bỏ chồng. Đứng trên cái nhìn của Đẩu, Phùng cũng như tất cả các độc giả theo dõi truyện ngắn, ta có suy nghĩ rằng chị ta quá nhẫn nhịn, cam chịu đến mức đáng trách. Nhưng thực chất, chị ta không hề cam chịu một cách mù quáng, không nhẫn nhịn một cách vô nghĩa lí.

Người đàn bà nhẫn nhịn bởi muốn cho những người con của mình có một cuộc sống hạnh phúc, có một mái nhà trọn vẹn với cả bố và mẹ. Nhưng vô tình chị ta không biết được sự nhẫn nhịn này khiến cho những đứa con vì thương mẹ và đâm ra thù hận và có những hành động lệch lạc với người bố của mình. Ta có thể thấy rõ điều này thông qua nhân vật thằng Phát, một lần chứng kiến bố đánh mẹ, thằng Phát đã lao vào bố của nó như một mũi tên, nếu như không được ngăn cản kịp thời thì có lẽ Phát đã gây ra những hành động lỗi lầm.

Khi Phát lao vào đánh bố cũng chính là khi nó đâm vào ngực người đàn bà hàng chài một mũi dao, bởi chị ta biết rằng mọi nỗ lực cứu vãn của mình không những không mang lại kết quả nào như ý muốn mà còn khiến cho những đứa con của mình bị tổn thương nặng nề. Qua đây ta cũng có thể nhận thấy những đứa trẻ chính là những nạn nhân đáng thương nhất của bạo lực gia đình, tâm hồn ngây thơ của chúng dễ bị tổn thương bởi những đổ vỡ gia đình và có thể gây nên những hành động lệch lạc, sai lầm.

Như vậy, qua hai truyện ngắn Một người Hà Nội và Chiếc thuyền ngoài xa ta có thể thấy vai trò vô cùng to lớn của gia đình đối với nhận thức và trưởng thành của những đứa trẻ, có thể khiến cho chúng trở nên tốt đẹp nhưng cũng có thể làm nảy sinh những thù hận, nhưng suy nghĩ lệch lạc không đáng có.

TỪ KHÓA TÌM KIẾM

GIA ĐÌNH

GIA DINH

CHIẾC THUYỀN NGOÀI XA

MỘT NGƯỜI HÀ NỘI

VAI TRÒ CỦA GIA ĐÌNH