Đề bài: Cách nói giản dị cô đúc của bài thơ ‘ Phò giá về kinh’ có tác dụng gì trong việc thể hiện hào khi chiến thắng và khát vọng hòa bình của dân tộc ta ở thời đại nhà Trần
Bài làm
Đất nước ta dù trải qua hàng ngàn năm Bắc thuộc nhưng trong lịch sử vẫn có rất nhiều chiến thắng vang dội. Mỗi lần chiến thắng là một lần in sâu vào sử sách tinh thần yêu nước và hào khí ngút trời của quân dân ta, đồng thời làm rạng danh công lao to lớn của các vị vua, vị tướng thời xưa. Họ không chỉ trực tiếp ra quân mà còn là nguồn cổ vũ quân dân về tinh thần qua các tác phẩm văn học. Một trong số những tác phẩm tiêu biểu đó là bài thơ Tụng giá hoàn kinh sư (Phò giá về kinh) của Trần Quang Khải.
Dưới thời Trần không chỉ nhân dân ta mà các vị anh hùng còn viết nên bao trang sử vẻ vang. Trần Quang Khải là một vị tướng giỏi, có công lớn trong cuộc kháng chiến chống quân Mông-Nguyên, sau chiến thắng Chương Dương, Hàm Tử và giải phóng kinh đô năm 1285, tác giả phò giá hai vua Trần về kinh đô Thăng Long và từ đó bài thơ này ra đời từ cảm hứng của ông. Xuyên suốt bài thơ là cách nói giản dị, cô đúc nhưng đã thể hiện rõ nét nhất hào khí chiến thắng và khát vọng thái bình của nhân dân ta.
Chương Dương cướp tướng giặc
Hàm Tử bắt quân thù
Hai chiến công Chương Dương, Hàm Tử được nhắc đến trong lời thơ. Các chiến công oanh liệt đó gợi lại sự kiện lịch sử nổi tiếng đó là hai trận thắng lớn trên sông Hồng thời Trần đại thắng quân xâm lược Mông-Nguyên. Ta có thể thấy niềm vui hân hoan sau chiến thắng vẻ vang của quân dân một nước tuy nhỏ nhưng ý chí lớn. Bằng cách đảo vị trí các địa danh lịch sử và động từ lên đầu câu, hai câu đầu tiên đã diễn tả hiện thực kháng chiến chống giặc ngoại xâm và không khí chiến thắng oanh liệt của dân tộc ta. Đồng thời qua đó tác giả đã phản ánh sự thất bại thảm hại của kẻ thù khi mà tướng giặc bị “cướp” còn quân thù thì bị “bắt”. Từ đó càng nêu cao và làm nổi bật hơn chiến thắng vẻ vang của quân dân ta và ý chí chiến đấu hừng hực của đội quân chính nghĩa trước sự xâm lược phi nghĩa của giặc.
Thái bình nên gắng sức
Non nước ấy ngàn thu.
Hai câu thơ cuối thể hiện khát vọng về một đất nước thái bình, thịnh trị của tác giả nói riêng và của nhân dân cả nước nói chung. So với hai câu thơ trước thì hai câu sau có giọng điệu trầm lắng hơn, thể hiện sự suy ngẫm của tác giả. Ông dường như đang nghĩ về việc xây dựng đất nước thời bình, mong ước đất nước mãi mãi vững bền. “Thái bình nên gắng sức”, từ “nên” là lời động viên xây dựng đất nước. “Non nước ấy ngàn thu” là hy vọng, ước muốn của tác giả và của cả nhân dân nước ta khi bị sự nhòm ngó xâm lược của lũ cướp nước. Đó là khát vọng về một đất nước thái bình thịnh trị, về tương lai xây dựng đất nước bền vững muôn đời, một đất nước mạnh đánh thắng mọi sự xâm lược từ bên ngoài.
Tác giả đã sử dụng một số biện pháp nghệ thuật như đảo từ, đối ý, lời thơ ngắn gọn súc tích, cô đúc dồn nén cảm xúc, nhịp thơ phù hợp, cùng với giọng điệu sảng khoái, hân hoan tự hào đã tạo nên nhiều xúc cảm cho người đọc.
Từ tâm tư của tác giả trong bài thơ, ta thấy được một thời kì thái thịnh khá dài trong lịch sử dân tộc ta. Bởi thời ấy đã có những vị tướng không chỉ tài giỏi mưu lược, văn thơ mà còn có tấm lòng một lòng chung thủy với đất nước. Lời thơ như thay lời của nhân dân Việt: vinh danh những chiến công lừng lẫy của quân ta, đông thời khát khao và mong ước đất nước mình luôn hòa bình và phát triển.
Tham khảo thêm những bài văn mẫu hay liên quan đến tác phẩm phò giá về kinh (Tụng giá hoàn kinh sư)
Leave a Reply