Đề bài: Viết đoạn văn trình bày cảm nhận về sự hồi sinh của Vũ Nương trong Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ.
Cái hay cũng như điểm nổi bật nhất của tác phẩm Chuyện người con gái Nam Xương đó chính là có sự kết hợp, hòa quyện giữa yếu tố thực và yếu tố kì ảo làm cho tác phẩm tăng thêm tính hấp dẫn cũng như sáng lên vẻ đẹp của tinh thần nhân văn. Yếu tố tả thực thể hiện qua cách tác giả Nguyễn Dữ khắc họa lại cuộc đời cũng như số phận của nhân vật Vũ Thị Thiết, còn yếu tố kì ảo xuất hiện cuối tác phẩm như cách thức tác giả thể hiện sự đồng cảm với số phận bất hạnh của Vũ Thị Thiết cũng như bênh vực cho những người phụ nữ trong xã hội phong kiến xưa.
Ở trong câu chuyện cổ dân gian Vợ chàng Trương thì câu chuyện kết thúc ở chi tiết Vũ Thị Thiết nhảy xuống sông Hoàng Giang để chứng minh sự trong sạch. Khi viết tác phẩm Chuyện người con gái Nam Xương, tác giả Nguyễn Dữ đã không để cho nhân vật Vũ Nương chết khi mối hàm oan chưa được gỡ bỏ. Bằng tinh thần nhân văn, nhân đạo của mình, tác giả nguyễn Dữ đã đưa vào câu chuyện những yếu tố kì, rẽ hướng kết thúc của nhân vật sang một hướng khác, nhân văn hơn.
Khi bị chồng nghi oan, một mực khẳng định mình là người đàn bà hư hỏng, thất tiết phản bội chồng, Vũ Nương đã khóc lóc cầu xin Trương Sinh cho mình được giải thích nhưng bản tính gia trưởng, vũ phu của Trương Sinh đã gạt phắt đi tất cả. Quá đau đớn và tuyệt vọng, Vũ Nương đã tìm đến sông Hoàng Giang để tự vẫn như để rửa sạch cho nỗi oan khuất của mình. Trước khi trẫm mình xuống sông, nàng có ngửa mặt lên trời và than rằng: “ Kẻ bạc mệnh này duyên phận hẩm hiu, chồng con rẫy bỏ, điều đâu bay buộc, tiếng chịu nhuốc nhơ, thần sông có linh xin người chứng giám. Nếu thiếp đoan trang giữ tiết, trinh bạch gìn lòng, vào nước xin làm ngọc Mị Nương, xuống đất làm cỏ ngu mĩ. Nhược bằng lòng chim dạ cá, lừa chồng dối con, dưới nước xin làm mồi cho cá tôm, trên xin làm cơm cho diều quạ và xin chịu khắp mọi điều phỉ nhổ”.
Nói rồi nàng gieo mình xuống sông tự vẫn. Tuy nhiên, cái chết của Vũ Nương không kết thúc mà nó là sự mở đầu cho quá trình giải oan của mình. Khi Vũ Nương gieo mình xuống sông đã được Linh Phi cứu giúp vì cảm động trước câu chuyện bi thảm của cuộc đời mình. Vũ Nương không những không chết mà còn có một cuộc sống mới ở thủy cung.
Ở thủy cung, Vũ Nương đã gặp Phan Lang, người cùng làng với mình, vì thả rùa thần mà được Linh Phi trả ơn. Phan Lang mang câu chuyện về tình cảnh của Trương Sinh sau khi Vũ Nương chết kể cho nàng nghe, nàng đã khóc vì tủi phận cũng là khóc vì thương xót cho Trương Sinh. Vũ Nương đã nhờ Phan Nang nói với Trương Sinh, nếu còn thương nhớ nàng thì hãy lập đàn giải oan trên sông Hoàng Giang, nàng sẽ trở về.
Nghe theo lời dặn dò của Vũ Nương, Trương Sinh lập đàn giải oan, quả nhiên Vũ Nương đã trở về, nàng ngồi trên một kiệu hoa đứng giữa dòng sông, theo sau đến năm mươi chiếc xe cờ tán, võng lọng, rực rỡ đầy sông, lúc ẩn lúc hiện. Vũ Nương đã được rửa oan nhưng nàng đã không quay lại với Trương Sinh mà trở về dưới thủy cung.
Để cho Vũ Nương hồi sinh, Nguyễn Dữ không chỉ tạo ra điểm nhấn, điểm đặc biệt cho tác phẩm của mình mà sự hồi sinh này còn mang rất nhiều ý nghĩa lớn lao. Vũ Nương đã không chết trong sự đau đớn, tủi nhục, nàng đã được cứu giúp và có cuộc sống mới dưới thủy cung. Và trên hết, sự hồi sinh của nàng còn có ý nghĩa quan trọng hơn, đó chính là sự giải oan, mối oan thất tiết được rửa sạch, Trương Sinh hiểu được sự hi sinh, trong sạch của người vợ. Và sự hồi sinh này cũng chính là cách mà Nguyễn Dữ bênh vực cho người con gái vẹn toàn nhưng đoản mệnh Vũ Nương.
Leave a Reply