Đề bài: Chỉ ra và phân tích biện pháp tu từ ngữ âm của câu thơ sau:
Em ơi Ba Lan mùa tuyết tan
Đường Bạch Dương sương trắng nắng tràn
(Tố Hữu)
Không phải ngẫu nhiên nhà thơ Tố Hữu được mệnh danh là một tác gia, một nhà thơ dân tộc của nền văn học Việt Nam. Trong thơ của ông luôn mang đậm những nét nghệ thuật đặc sắc dân tộc như thể thơ lục bát, cách xưng hô dân gian…Không những thế Tố Hữu còn nổi tiếng với nét nghệ thuật hài âm, biện pháp tu từ đặc biệt trong hai câu thơ sau:
Em ơi Ba Lan mùa tuyết tan
Đường Bạch Dương sương trắng nắng tràn
Có thể hai câu thơ thôi nhưng mang lại hiệu ứng lớn cho người đọc. Bằng biện pháp tu từ ngữ âm Tố hữu đã mang đến cho người đọc một cảm nhận thật chính xác và sâu sắc về cảnh tuyết tan trên đất Ba Lan cùng những hàng bạch dương ngập đầy ánh nắng. Ở đây ta chú ý nhất tới ba vần được hiệp trùng điệp với nhau trong hai câu thơ: vần “an”, “ương” và “ăng”.
Trước hết là vần “an” trong hai từ “Lan” và “tan”, “tràn”. Trong cùng một câu thơ hai âm tiết hiệp vần với nhau tạo nên sự trôi chảy trong mạch cảm xúc của tác giả và người đọc. Câu thơ mở ra trước mắt người đọc một cảnh tượng tuyết tan trên xứ Ba Lan mơ màng. Người đọc có thể cảm nhận được sự trôi chảy của câu thơ, nó vừa êm đềm lại vừa thi vị.
Tiếp đến là vần “ương” trong “đường bạch dương sương”. Có thể thấy liên tục ba vần “ương” được nhà thơ dùng trong một câu thơ. Sự hiệp vần ấy tạo nên sự lan tỏa của hình ảnh. Người đọc có thể cảm nhận được hình ảnh hai bên đường hàng bạch dương trong sương sớm.
Vần “ăng” trong “trắng nắng”. Hai âm tiết cùng vần đứng cạnh nhau một lần nữa lại tạo nên sự trôi chảy cho câu thơ. Trong làn sương sớm ấy ánh nắng trắng đang tràn lên tinh khôi, tươi mới.
Không chỉ có yếu tố vần mà hai câu thơ còn đặc sắc bởi cách sử dụng thanh điệu của nhà thơ. Chỉ có hai câu thơ 14 âm tiết nhưng trong đó có đến 10 âm tiết thanh bằng. Điều đó làm nên sự êm đềm, êm ấm của câu thơ.
Có thể nói, nghĩ về thơ là nghĩ về thanh điệu và hiệp vần, có hiệp vần thì bài thơ ấy mới trở nên hấp dẫn. Vậy mà ở đây chỉ có hai câu thơ mà nhà thơ Tố Hữu đã sử dụng tương đối nhiều thanh bằng và liên tiếp hiệp vần các từ trong cùng một câu để diễn tả vẻ đẹp Ba Lan khi có tuyết. Có thể nói, Tố Hữu thật sự tài ba mới có thể làm nên hai câu thơ đắt giá như vậy.
Leave a Reply