Đặc sắc của câu tục ngữ “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”

Đề bài: Anh chị hãy cho biết những đặc sắc của câu tục ngữ “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” được dùng từ dân gian xa xưa
Xã hội ngày càng phát triển nhưng đạo đức con người ngày càng đi xuống. Phải làm sao để giáo dục lại cho thế hệ trẻ về lòng biết ơn, kính trọng, yêu thương đối với thế hệ đi trước. Khi đó ta lại nhắc đến những câu ca dao tục ngữ từ thời ông cha ta truyền lại ngàn đời vẫn mang trọn vẹn giá trị của nó:
“Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”

Vậy ta hiểu như thế nào về câu tục ngữ “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”? “quả” là thức thơm nhất, ngon nhất của “cây”. Để có được quả ngọt phải qua bao nhiêu quá trình chăm sóc, đâm chồi, nảy lộc, rồi mới kết “trái”. “Quả” ở đây cũng thầm được hiểu là kết quả, sự thành công của cả một giai đoạn “lao tâm khổ tứ”. “Ăn quả” thì phải nhớ đến “kẻ trồng cây”, phải nhớ đến người đã tạo ra quả thơm trái ngọt cho mình hưởng.

Chẳng ai biết nó có từ bao giờ, cũng không hay ai là người sáng tác. Nó là câu tục ngữ được truyền qua tai nhau từ đời này sang đời khác nhưng lại mang một giá trị đạo lý vô cùng to lớn. Nó được ông cha ta dùng để khuyên răn con cháu  phải có lòng biết ơn, hiếu thảo với ông bà, cha mẹ và những thế hệ đi trước. Vì tất cả những thành quả chúng ta đang hưởng thụ không phải tự nhiên mà có được. Đây chính là nét đặc sắc nhất của câu tục ngữ: “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”.  Cha mẹ đã có công sinh thành, nuôi nấng chúng ta, đã làm việc khổ cực để cho chúng ta được đi học. “Công cha như núi thái sơn / Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra” kể đến bao giờ cho hết công lao của cha mẹ, vì thế mà chúng ta phải hiếu thảo kính trọng ông bà, cha mẹ. Khi chúng ta trưởng thành, chúng ta thành công trên con đường sự nghiệp đó là công lao của cha mẹ nhưng cũng không thể thiếu bóng dáng một người thầy

Trong cuộc đời mỗi con người đều có ít hất một người thầy dẫn đường chỉ lối, giúp đỡ chúng ta đi đến thành công. Đó có thể là thầy cô thời trung học, thời sinh viên. Đó cũng có thể là một người anh, chị, thậm chí là một người bạn. Công ơn thầy cô phải luôn ghi trong tâm “một ngày là thầy thì cả đời vẫn là thầy”. Chúng ta cũng không được quên ơn đối với thế hệ đi trước. “Uống nước nhớ nguồn” có lúc nào chúng ta  tự đặt ra câu hỏi một đất nước hòa bình từ đâu mà ra chưa? Khi đất nước gặp chiến tranh họ đã anh dung chiến đấu, hi sinh để bảo vệ Tổ quốc. Nếu không có họ thì liệu chúng ta có được sống trong hòa bình? Nếu không có họ liệu chúng ta có thể ăn no mặc ấm học hành đến nơi đến trốn? “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” là câu tục ngữ nhắc chúng ta không được quên đi công lao của những vị anh hùng dân tộc. Phải biết ơn kính trọng đối với thế hệ đi trước.

Lòng biết ơn, sự kính trọng sẽ giúp cuộc sống tốt đẹp hơn. Xã hội sẽ không còn những lối sống lệch lạc, những hành vi thiếu đạo đức, bất kính đối với đấng sinh thành khi ai cũng hiểu được đạo lý “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”.  Chúng ta sẽ mở ra một tương lai tươi sáng, một cuộc sống đầy ý nghĩa. Nước Việt Nam ta ngày càng phát triển với những con người văn minh. Câu tục ngữ thấm đượm tình người, nói cho thế hệ trẻ biết lòng biết ơn sự hiếu thảo là truyền thống quý báu của dân tộc ta.

Truyền thống đó đã được chúng ta giữ gìn và phát huy thể hiện bằng nhiều cách. Trong trường học đã đưa những đạo lý này vào trong sách, vở như: môn Đạo đức, Văn… để giúp các em tu rèn đạo đức phẩm chất, rèn luyện cho các em biết tình yêu thương, lòng biết ơn. Hàng năm Đảng và Nhà nước ta vẫn tổ chức những chuyến thăm hỏi vào ngày 27/7 – ngày thương binh liệt sĩ, để tỏ lòng biết ơn, sự kính trọng đối với những người có công với đất nước. Hơn nữa còn cho trực tiếp các em học sinh tham gia vào những chuyến thăm hỏi đó để các em – chủ nhân tương lai của đất nước hiểu được  những hi sinh của thế hệ trước từ đó giữ được nét truyền thống của dân tộc. Ngoài ra chúng ta còn những chương trình truyền hình gợi nhớ lại những năm tháng hào hùng như: chương trình “Giai điệu tự hào”.

“Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” là câu tục ngữ để lại cho chúng ta những giá trị quý báu từ đời này sang đời khác. Khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường, chúng ta phải cố gắng học tập rèn luyện để không phụ công lao cha mẹ, thầy cô và những thế hệ đi trước. Phải giữ gìn những thành quả mà ông cha ta đã tạo dựng và luôn nhắc nhở bản thân phải sống theo đạo lý tốt đẹp mà câu tục ngữ đã dạy.

Tham khảo thêm bài viết có liên quan đến câu tục ngữ “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”:

Đặc sắc của câu tục ngữ “ Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” (mẫu 1)