Đề bài: Đặc sắc của câu tục ngữ “Một cây làm chẳng lên non. Ba cây chụm lại lên hòn núi cao”
Bài làm
Từ thuở khai sinh lập địa con người đã biết phải lien kết với nhau để tạo lên sức mạnh tổng hợp. Họ cùng nhau vượt qua sóng gió, cùng bảo vệ lẫn nhau. Chính vì vậy trong kho tàng văn học dân gian của ông cha ta khi nói về những bài học, cách sống, lẽ sống ắt hẳn phải có nhiều câu nói về tình đoàn kết. Và câu
“Một cây làm chẳng lên non
Ba cây chụm lại lên hòn núi cao”
Là một trong những câu tục ngữ đặc sắc nhất nói về sự đoàn kết, tương trợ.
Có ai đó đã từng nói” con người là tổng hòa của các mối quan hệ”, chính vì vậy trong cuộc sống không ai có thể sống biệt lập một mình mà vẫn phát triển được. Họ phải được giao lưu tiếp xúc, học hỏi lẫn nhau để cùng vươn lên. Câu tục ngữ về tình đoàn kết được ông cha ta hun đúc lại thật sâu sắc. Lấy hình ảnh sự vật là cây cối để nói về tình đoàn kết một cách dễ hiểu, nhưng đầy thâm thúy trong đó. “Một cây” ý muốn nói số lượng ở đây là ít, riêng lẻ, đơn độc, độc nhất, duy chỉ. Và một cây đơn độc thì chẳng bao giờ tạo lên được núi, được rừng. Còn khi “ba cây” , lúc này đã không còn còn đơn độc nữa, mà thay vào đó ta thấy được một sức mạnh ẩn chứa trong ó, đó là sự đoàn kết tương trợ lẫn nhau sẽ tạo lên việc lớn. Một cây sẽ bị bão gió quật đổ khi nó đứng đơn lẻ một mình, nhưng cùng con bão đó “ba cây chụm lại”, cây này che trở cây kia thì khi bão gió đi qua những cái cây lại vươn mình ra đón ánh mặt trời buổi sớm. Ý nghĩa của cả câu tục ngữ chính là đoàn kết tạo ra sức mạnh, giúp chúng ta có thể vượt qua những khó khăn, những sóng gió cuộc đời.
Đoàn kết sẽ tạo ra một sức mạnh tổng hợp, nó sẽ chiến thắng mọi những khó khăn , phong ba bão táp ập tới. Thực tế lịch sử đã chứng minh, dải đất hình chữ S của nhân dân ta đã oằn mình trong máu lửa, trải qua biết bao khó khăn chiến tranh. Cùng một lúc phải đối phó biết bao kẻ thù xâm lăng. Từ thời dựng nước, các vua Hùng cũng đã phải ra sức huy động sức mạnh của toàn dân tộc, giặc Mông –Nguyên với sức mạnh ghê gớm. Lịch sử ghi chép lại khi nói về giặc Mông-Nguyên là vó ngựa của chúng đi đến đâu thì cây cỏ cũng không sống nổi,, một thế lực có sức mạnh như vũ bão. Rồi là khi đất nước phải chịu biết bao khổ cực với hai cuộc đấu tranh vệ quốc là cuộc kháng chiến chống Pháp và kháng chiến chống Mỹ. Đó là hai thế lực hùng mạnh bậc nhất. Nhưng số phận của những thế lực đó khi đặt chân lên mảnh đất nhỏ bé chữ S của dân tộc ta thì đều bị đánh đuổi, và thất bại thảm hại. Tại sao vậy? Một đất nước nhỏ, phương tiện chiến tranh thô sơ,…mà lại chiến thắng tất cả các kẻ thù hùng mạnh khác? Bởi dân ta có đoàn kết, lòng yêu nước. Nhân dân từ Bắc chí Nam đoàn kết một lòng hướng về Tổ quốc. Tiền tuyến quyết tâm, hậu phương vững chắc đánh thắng kẻ thù là chuyện sớm muộn. Đoàn kết tạo ra sức mạnh tổng hợp, to lớn giúp chiến thắng mọi kẻ thù.
Trong cuộc sống đoàn kết luôn là điều cần thiết đối với tất cả chúng ta. Khi giải quyết một vấn đề, một người làm việc sẽ không thể hiệu quả bằng cách tổng hợp sức mạnh của nhiều người. Những khó khăn rồi sẽ qua khi bạn có những người bạn, người thân bên cạnh. Sức mạnh đoàn kết luôn giúp chúng ta hướng đến những điều tốt đẹp, làm việc có hiệu quả cao nhất.
Bác Hồ- vị lãnh tụ vĩ đại của nhân dân Việt Nam đã từng nói một câu rất hay về đoàn kết: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”. Câu nói thật hay khi nói về đoàn kết. Có đoàn kết ắt có sức mạnh, có sức mạnh thì dẫn chúng ta đến thành công, mọi khó khăn rồi cũng sẽ lùi lại phía sau, nhường đường cho ánh sáng thành công.
Câu tục ngữ thật ngắn gọn, dùng hình ảnh gần gũi để nói về tình đoàn kết. Và đó sẽ là bài học sâu sắc cho chúng ta. Từ lịch sử, cho đến cuộc sống hiện tại thì câu tục ngữ và bài học mà ông cha ta nhắn gửi trong đó vẫn vẹn nguyên giá trị giáo dục con người phải các thế hệ phải biết đoàn kết để tạo ra sức mạnh.
TU KHOA TIM KIEM:
DẠC SAC CAU TUC NGU
MOT CAY LAM CHANG…LEN HON NUI CAO
TUC NGU
Leave a Reply