Điệp từ là một trong những biện pháp tu từ phổ biến trong văn học. Vậy điệp từ là gì? Ví dụ về phép điệp từ? Tất cả sẽ có trong bài viết này.
Điệp từ là gì? Các loại điệp từ?
Điệp từ (hay còn được gọi là lặp từ) là một biện pháp tu từ trong văn học, theo đó người viết hay người nói sẽ lặp đi, lặp lại một từ hoặc một cụm từ, nhằm mục đích nhấn mạnh, khẳng định, liệt kê, … để làm nổi bật vấn đề, ý nghĩa muốn truyền tải đến người đọc hay người nghe.
Ví dụ khổ thơ sau trong Bài thơ về tiểu đội xe không kính của nhà thơ Phạm Tiến Duật:
“Nhìn thấy gió vào xoa mắt đắng
Nhìn thấy con đường chạy thẳng vào tim
Thấy sao trời và đột ngột cánh chim
Như sa, như ùa vào buồng lái”
Có thể thấy, tác giả đã sử dụng biện pháp điệp từ, lặp lại từ “thấy” trong các câu thơ để nhấn mạnh hoạt động cũng như phong cảnh mà mình nhìn thấy.
Có thể bạn chưa biết:
- Nói giảm, nói tránh là gì?
- Chơi chữ là gì?
2. Các dạng điệp từ và ví dụ minh họa?
Về các dạng điệp từ, thì đến thời điểm hiện tại, điệp từ bao gồm ba dạng chính: Điệp từ cách quãng, điệp từ nối tiếp và điệp từ chuyển tiếp (điệp từ vòng).
Điệp từ cách quãng
Đây là hình thức lặp lại một cụm từ, mà trong đó, các từ, cụm từ này cách quãng với nhau, mà không có sự liên tiếp. Điệp từ cách quãng thường được sử dụng trong các tác phẩm thơ và thường cách nhau một vài từ, cụm từ hay cả một câu để bổ sung ý nghĩa cho nhau.
Ví dụ:
“… Nhớ sao lớp học i tờ
Đồng khuya đuốc sáng những giờ liên hoan
Nhớ sao ngày tháng cơ quan
Gian nan đời vẫn ca vang núi đèo
Nhớ sao tiếng mõ rừng chiều
Chày đêm nện cối đều đều suối xa …”
(Việt Bắc – Tố Hữu)
Trong đó cụm từ “nhớ sao” là điệp từ cách quãng.
Điệp từ nối tiếp
Đây là việc lặp đi lặp lại một từ, cụm từ có sự nối tiếp nhau. Việc điệp từ nối tiếp sử dụng các từ hay cụm từ lặp lại và nối tiếp nhau sẽ làm nổi bật về cảm xúc hoặc ý nghĩa quan trọng.
Ví dụ:
“Anh đã tìm em rất lâu, rất lâu
Những cô gái Thạch Kim, Thạch Nhọn.
Khăn xanh, khăn xanh phơi đầy lán sớm
Sách áo mở tung, trắng cả trời chiều.”
(Phạm Tiến Duật)
Trong đoạn thơ trên, cụm từ “rất lâu”, “khăn xanh” là điệp từ nối tiếp.
Điệp từ chuyển tiếp (điệp từ vòng)
Đây là biện pháp tu từ này thường được dùng trong thơ như thơ lục bát, thất ngôn lục bát, tứ tuyệt, … giúp lời thơ mạch lạc và các ý nghĩa được kết nối.
Ta có ví dụ:
“Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy
Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu
Ngàn dâu xanh ngắt một màu
Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai?”
(Chinh Phụ ngâm – Đặng Trần Côn, Đoàn Thị Điểm)
Trong ví dụ trên, các từ “thấy” và “ngàn dâu” là điệp từ chuyển tiếp.
3. Điệp từ có tác dụng gì?
Điệp từ là biện pháp tu từ mang lại nhiều tác dụng quan trọng cho người viết, người nói khi sử dụng nó, cụ thể như sau:
Điệp từ có tác dụng gợi hình ảnh: Có thể thấy, phép điệp từ là một biện pháp tu từ rất phổ biến, thường được sử dụng trong văn học, để nói lên những hình ảnh và cảm xúc mà tác giả gửi gắm vào tác phẩm.
Điệp từ có tác dụng nhấn mạnh: Điệp từ thường được sử dụng với mục đích nhấn mạnh và việc lặp lại này hoàn toàn là có chủ đích để nhấn mạnh về tình cảm, nỗi lòng của nhân vật, sự vật, sự việc được nói đến trong câu hay trong đoạn.
Điệp từ có tác dụng liệt kê: Ngoài việc sử dụng để nhấn mạnh thì biện pháp tu từ này còn được sử dụng để liệt kê nhằm làm sáng tỏ ý nghĩa hay tính chất của những các sự vật, sự việc được đề cập đến.
Điệp từ có tác dụng khẳng định: Một trong những tác dụng của điệp từ, điệp ngữ đó là khẳng định điều quan trọng, là niềm tin của tác giả về sự việc sẽ xảy ra.
Cám ơn bạn đã theo dõi bài viết! Qua những khái niệm và những ví dụ minh dọa dễ hiểu hy vọng đã giúp các bạn hiểu rõ Điệp từ là gì? tác dụng và các loại điệp từ.
Hãy theo dõi khuyenhocvietnam.com để có thêm những kiến thức văn học hay và bổ ích. Để lại đánh giá 5* nếu thấy bài viết hữu ích, xin cảm ơn!
Leave a Reply