Đọc thơ Hồ Chí Minh, Hoài Thanh viết: “Khi Bác nói trong thơ có thép, ta cũng cần tìm hiểu thế nào là thép trong thơ”. Giải thích câu trên

Đề bài: Đọc thơ Hồ Chí Minh, Hoài Thanh viết: “Khi Bác nói trong thơ có thép, ta cũng cần tìm hiểu thế nào là thép trong thơ. Có lẽ phải hiểu một cách rất linh hoạt mới đúng. Không phải cứ nói chuyện thép, lên giọng thép mới có tinh thần thép. Em hãy giải thích ý kiến trên, chép ra theo trí nhớ và phân tích một bài thơ trong Nhật kí trong tù có tinh thần thép mà không nói chuyện thép, không lên giọng thép”

Sinh thời Hồ Chí Minh chưa bao giờ nhận mình là nhà thơ thế nhưng trong quá trình hoạt động cách mạng, Người dùng văn chương để đấu tranh tư tưởng với quân địch. Và cứ như thế, Người để lại một di sản văn học quý giá cho nền văn học Việt Nam, đặc biệt là cuốn Nhật kí trong tù. Hoài Thanh từng nhận xét thơ Bác rằng: “Khi Bác nói trong thơ có thép, ta cũng cần tìm hiểu thế nào là thép trong thơ. Có lẽ phải hiểu một cách rất linh hoạt mới đúng. Không phải cứ nói chuyện thép, lên giọng thép mới có tinh thần thép”.

Trong bài Cảm tưởng đọc Thiên gia thi của Người có viết: “Thơ xưa yêu cảnh thiên nhiên đẹp/ Mây gió trăng hoa tuyết núi sông/ Nay ở trong thơ cần có thép/ Nhà thơ cũng phải biết xung phong”. Qua bài thơ ta thấy được quan niệm của người về thơ phải có thép. Vậy thép là gì?. Chất thép ở đây là khả năng phản ánh hiện thực của thơ. Thơ xưa chỉ lãng mạn hóa, chỉ nói đến những cảnh đẹp của thiên nhiên thì nay trong thơ cần phải có cả hiện thực. Thơ phải không chỉ chạm đến trái tim con người bằng những cảm xúc thương yêu mà còn cần chạm đến bởi những hiện thực khiến cho con người ta đau nhói.

“Không phải cứ nói chuyện thép lên giọng thép mới có tinh thần thép”. Ta có thể thấy điều đó qua bài thơ Lai Tân:

Ban trưởng nhà lao chuyên đánh bạc,

Giải người, cảnh trưởng kiếm ăn quanh;

Chong đèn, huyện trưởng làm công việc,

Trời đất Lai Tân vẫn thái bình.

Bằng sự mỉa mai sâu cay, Nguyễn Ái Quốc đã phơi bày bộ mặt của nhà lao Tưởng giới Thạch với những tên ban trưởng nhà lao và những ông huyện, những cảnh trưởng. Một cảnh tượng nơi ngục tối được tố cáo một cách chân thực nhất. Với giọng mỉa mai châm biếm bài thơ chẳng phải lên giọng thép cũng chẳng hét hò hô hào gì mà vẫn cho người đọc thấy được hiện thực đen tối, Chất thép trong bài thơ này chính là sức mạnh tố cáo hiện thực.

Hay bài mở đầu cuốn Nhật kí trong tù là Vô đề cũng mang đậm chất thép:

Thân thể ở trong lao

Tinh thần ở ngoài lao

Muốn lên sự nghiệp lớn

Tinh thần càng phải cao

Ở đây chất thép chính là tinh thần thép của Hồ Chí Minh. Thân thể ở trong tù ngục nhưng Người không bao giờ nhụt chí cách mạng. Tinh thần Người vẫn luôn sáng rõ, vẫn quyết tâm chống trọi với những khó khăn khổ cực trong tù để mong một ngày ra tiếp tục làm cách mạng cứu nước.

Như vậy, ý kiến của Hoài Thanh về thơ Hồ Chí Minh thật chính xác. Chúng ta không thể hiểu chất thép là lên giọng thép, nói chuyện thép mà phải hiểu một cách rộng ra. Văn chương giờ không chỉ miêu tả thiên nhiên thuần túy như trước nữa mà phải nói lên được hiện thực, trở thành một vũ khí đắc lực cho cách mạng.