Em hiểu và có suy nghĩ gì về “văn” và “học văn” trong “Tiên học lễ, hậu học văn”

 Đề bài: Người xưa thường có câu: “Tiên học lễ, hậu học văn”. Em hiểu và có suy nghĩ gì về “văn” và “học văn”?

Ở khắp các trường học đi đâu ta cũng thấy dòng chữ “Tiên học lễ, hậu học văn” nhưng hỏi các học sinh chưa chắc họ đã trả lời được ý nghĩa của dòng chữ này. Con người sống trên đời ban đầu phải học được lễ nghĩa trước sau đó mới tính đến chuyện học văn. Vậy “văn” và “học văn” là gì?

Trước tiên chúng ta cần hiểu văn là gì thì mới có thể giải thích được cụm từ học văn. Theo nghĩa hẹp, văn là văn học, nó là một bộ môn trong trường học. Ở đó có những tác phẩm văn học của những tác giả nổi tiếng. Văn gồm truyện và thơ, kịch ngoài ra còn những bài văn tế, cáo, hịch,…Tuy nhiên nếu chỉ hiểu theo nghĩa hẹp thì không đủ. “Văn” là từ dùng để chỉ những cái đẹp nói chung như văn hóa, văn hiến. Con người có văn là con người có học thức, có nét đẹp ngoại hình và tính cách. Có thể nói, từ “văn” là một từ có nghĩa rộng dùng để chỉ những cái đẹp nói chung.

Qua việc hiểu từ văn ta sẽ hiểu được từ học văn là gì. Học văn là chính là học những cái đẹp, những cái hay. Cái đẹp đó có thể là cái đẹp về tri thức. Mỗi chúng ta khi cắp sách tới trường ban đầu là học lễ nghĩa. Đó là cách đối sử với cha mẹ và những người xung quanh mình. Sau đó chúng ta mới học những kiến thức, học những giá trị tốt đẹp. Có thể nói cách cư xử với mọi người cũng thuộc trong phạm trù “văn”, cái lễ đầu tiên chỉ ở dạng sơ khai  cơ bản còn lễ trong “văn” là cái lễ hoàn chỉnh, hoàn thiện.

Tóm lại qua đây ta có thể hiểu thêm về văn và học văn. Văn không đơn thuần là một từ để chỉ bộ môn văn học mà văn là từ chỉ nghĩa là cái đẹp. Mỗi người chúng ta nên có cái nhìn hoàn thiện hơn về từ văn và học nó thật tốt.