Giới thiệu trò chơi dân gian chi chi chành chành

Đề bài: Em hãy giới thiệu trò chơi dân gian chi chi chành chành

 Phong tục văn hóa Việt Nam vô cùng phong phú, đa dạng. Đa dạng không chỉ ở những tập tục sinh hoạt, những bản sắc văn hóa của cộng đồng mà cái đặc sắc của văn hóa Việt Nam còn nằm ở chính những trò chơi dân gian của ông cha ta xưa. Trò chơi dân gian là những trò chơi do cha ông ta thế hệ trước sáng tạo ra nhằm tổ chức sinh hoạt cộng đồng, đó là những trò chơi của tập thể, gồm nhiều người cùng chơi. Qua những trò chơi đó vừa mang tính giải trí sau những giờ lao động mệt mỏi, mặt khác nó có vai trò thắt chặt mối quan hệ tình cảm giữa con người với con người, thể hiện được đời sống tâm hồn phong phú của con người Việt Nam. Bên cạnh nhiều trò chơi dân gian dành cho những người đã trưởng thành như: đá cò, kéo co, cầu kiều…. thì cũng có rất nhiều trò chơi dành cho các em thiếu nhi nông thôn xưa, một trong số những trò chơi đó có trò chơi “Chi chi chành chành”.

Chi chi chành chành là trò chơi dân gian đã có mặt rất sớm trong nền văn hóa dân gian của Việt Nam xưa. Trẻ em nông thôn xưa thường tụ tập và chơi với nhau nhiều trò chơi thú vị đầy sáng tạo và một trong những trò chơi mà các em yêu thích nhất, đó chính là trò chi chi chành chành. Tên gọi chi chi chành chành khá độc đáo, bởi đó là cách gọi hợp âm giữa hai từ láy “chi”, “chành”, những từ ngữ này hoàn toàn không có ý nghĩa nào đặc biệt mà chỉ là cách gọi quen thuộc, dễ phát âm của các em nhỏ khi chơi. Về thực tế, trò chơi không hề có tên gọi chính thức, tên gọi chi chi chành chành chỉ là một câu nói phổ biến trong lời bài hát đồng dao mà các em hát khi chơi trò chơi này.

Tuy nhiên, về tên gọi không có điều gì đáng bàn cãi, bởi đó chỉ là một tên gọi giúp người ta phân biệt trò chơi dân gian này với trò chơi dân gian khác. Điều quan trọng đó chính là trò chơi hữu ích và thu hút được sự yêu thích của đông đảo trẻ em không chỉ ở thế hệ trước mà cả ở thời điểm hiện đại ngày nay nó cũng không hề mất đi sức hút của mình. Nói về cách thức chơi, ta có thể điểm qua những điểm chính như sau: Trò chơi chi chi chành chành là một trò chơi tập thể, thường được chơi ít nhất từ hai người đến nhiều người. Nhưng nếu càng có nhiều người thì trò chơi càng trở nên thú vị hơn vì trò chơi đề cao tình đoàn kết, tính tập thể.

Trò chơi chi chành chành chia thành hai phe, một phe làm người đi bắt, phe này chỉ bao gồm một người, những người con lại sẽ là những người chơi. Trò chơi sẽ là sự tương tác giữa hai phe, người tổ chức chơi, tức là người đảm nhận nhiệm vụ đi bắt thì sẽ cố gắng làm sao để nắm được tay của một người nào đó trong phe người chơi. Còn người chơi thì phải làm sao tập chung chú ý để khi lời hát kết thúc thì không để cho người đi bắt bắt được cánh tay của mình. Không gian diễn ra trò chơi rất đơn giản, có thể là trong không gian văn hóa sinh hoạt cộng động, hoặc cũng có thể là một không gian hẹp như như nhà ở, trường học vì trò chơi này không yêu cầu khoảng trống quá rộng.

Bắt đầu trò chơi, người đi bắt sẽ xòe lớn bàn tay của mình ra, để cho những người chơi khác để một ngón tay của mình vào lòng bàn tay ấy, sau khi đã hoàn thành bước chuẩn bị thì mọi người bắt đầu cùng nhau hát nên bài đồng giao chi chi chành chành quen thuộc:

“Chi chi chành chành

Cái chanh đổ lửa

Con ngựa chết trương

Ba vương ngũ đế

Bắt dế đi tìm

Ùa à ù ập

Sập cửa đi tìm”

Đây là lời đồng giao đã trở nên vô cùng quen thuộc đối với các em nhỏ, vì những câu đồng giao rất vần và dễ nhớ nên ai tham gia trò chơi cũng đều thuộc lòng lòng. Khi trò chơi bắt đầu thì không chỉ người đi bắt mà cả những người đi tìm đều cùng nhau hát bài đồng giao này. Bắt đầu lời ca ai cũng hào hứng và vô cùng thoải mái hát nhưng đến câu “sập cửa đi tìm” thì mọi người đều phải hết sức tập trung chú ý để thực hiện phần tiếp theo của trò chơi. Vì ngay sau khi bài đồng giao kết thúc, người tổ chức chơi sẽ nắm bàn tay mình lại một cách bất ngờ, người chơi phải rút tay của mình ra một cách nhanh nhạy sao cho tay của mình không bị người tổ chức nắm lại.

Nếu người chơi không kịp rút tay ra mà bị người tổ chơi nắm lại thì sẽ là người tiếp theo làm người đi bắt, tức là người đi tìm, và ngược lại người bắt đước sẽ chuyển về vị trí của người chơi và trò chơi bắt đầu lại một lần nữa. Nếu như nhiều người đều không rút tay ra kịp và bị nắm lại thì sẽ dùng trò chơi oẳn tù tì để tìm ra người tổ chức chơi tiếp theo. Thường là những người chơi oẳn tù tì thua thì sẽ làm người đi bắt.

Những trò chơi dân gian vô cùng đơn giản nhưng lại vô cùng lí thú đã thu hút được sự yêu thích của đông đảo trẻ em nhiều thế hệ. Chi chi chành chành dễ chơi, dễ nhớ, và thể hiện được sự hồn nhiên trong tâm hồn của trẻ thơ.

Xem thêm những bài văn mẫu hay