Kể lại bài thơ Lượm của Tố Hữu theo ngôi kể thứ ba

Đề bài: Kể lại bài thơ Lượm của Tố Hữu thành một câu chuyện theo ngôi kể khác nhau ( ngôi thứ ba hoặc ngôi thứ nhất)

Việt Nam là một đất nước anh hùng, chiến tranh nổ ra thì mọi người dân Việt Nam đều đồng khởi đứng lên đấu tranh, chống lại quân cướp nước. Điều đáng nói là trong dân tộc anh hùng đó, không chỉ có những bậc nam nhi đầu đội trời chân đạp đất làm nên những chiến công vang lừng, mà ngay cả những người phụ nữ, người già, trẻ em cũng đều trở thành những người chiến sĩ quả cảm khi đất nước đứng trước màn đêm nô lệ. Ta có thể nghe nói đến sự anh dũng của của những bậc nữ trung hào kiệt như: Hai Bà Trưng, bà Triệu, nữ tướng Bùi Thị Xuân, Võ Thị Sáu…nhưng những tấm gương về những đứa bé anh hùng khiến chúng ta bất ngờ, khâm phục. Một trong những cậu bé anh hùng đó chính là chú bé Lượm.

Đó là những ngày chiến đấu đầy gian khổ, ác liệt của cuộc kháng chiến chống Pháp, mà cụ thể là vào năm 1949, khi thực dân Pháp dáo diết đàn áp cách mạng Việt Nam, mở những cuộc tấn quy mô lớn lên chiến khu Việt Bắc nhằm tiêu diệt Đảng, tiêu diệt chính phủ, kết thúc chiến tranh. Cách mạng Việt Nam lâm vào tình trạng vô cùng khó khăn nhưng những người dân Việt Nam không hề lùi bước mà kiên cường đấu tranh chống Pháp. Một trong những việc quan trọng nhất của cách mạng ngày ấy chính là công tác liên lạc giữa chiến khu với các địa phương trong cả nước. Và người thực hiện những công tác liên lạc đó không chỉ thành thạo đường mà còn phải vô cùng dũng cảm, bởi trên đường đưa tin bất cứ lúc nào cũng có thể bị giặc bắt hay bị đạn lạc của chiến tranh làm cho hi sinh.

Và điều bất ngờ hơn cả là trên mảnh đất của những anh hùng ấy, không chỉ có những người trưởng thành có ý thức chiến đấu chống giặc, mà ngay cả những cậu bé mười hai mười ba tuổi cũng tràn lòng căm thù và tinh thần chống giặc sâu sắc. Cậu bé Lượm là một cậu bé như vậy, dù còn nhỏ tuổi nhưng Lượm đã tình nguyện xung phong làm công tác đưa tin cho cán bộ. Ở độ tuổi của Lượm thì quân giặc cũng mất cảnh giác hơn, nhưng không phải vì vậy mà tránh được những hiểm nguy cận kề của chiến tranh. Hành trình đưa tin của Lượm không phải chỉ trải qua một hai khó khăn, mà đôi khi chỉ một hành động bất cẩn cũng có thể khiến em hi sinh, nhưng ở cậu bé Lượm luôn có tinh thần lạc quan yêu đời, nụ cười lúc nào cũng nở trên môi, kể cả khi em đã hi sinh cho đất nước thì nụ cười ấy cũng chưa bao giờ tắt.

Lượm là một chú bé tầm mười hai, mười ba tuổi, dáng vẻ hồn nhiên đáng yêu thể hiện ra ngay ở hình dáng bên ngoài của em, đó là một chú bé có vóc dáng nhỏ bé, loắt choắt, đầu đội chiếc mũ ca nô, nhưng sự đáng yêu thể hiện ngay trong cách đội mũ ấy. Bởi Lượm không đội ngay ngắn bao giờ, lúc nào cũng đội lệch, cái đầu thì nghênh nghênh, miệng lúc nào cũng huýt sáo, hát lên những bài hát đầy vui vẻ. Dáng vẻ tươi vui, bước chân nhanh nhẹn khiến cho người nhìn liên tưởng em như những chú chim chích với đôi chân nhảy nhanh thoăn thoắt trên đường.

Trên đường làm công tác liên lạc, Lượm gặp nhiều những người lính, những người bộ đội đang làm nhiệm vụ. Cậu bé rất lễ phép, hễ gặp ai thì cũng chào hỏi nhiệt tình, khi được các chú hỏi han thì cậu bé rất tự hào nói với các chú rằng: Cháu đang làm công tác liên lạc, khi những người lính hỏi cậu bé không sợ à? Thì cậu bé rất khảng khái thể hiện được niềm yêu thích với công việc liên lạc của mình: Thích lắm chú ạ. Và điều khiến cho những người lính khâm phục hơn nữa ở cậu bé này, chính là tinh thần kiên cường, dũng cảm của cậu bé, chú nói ở đồn Mang Cá thích hơn ở nhà. Có lẽ cái “thích” mà cậu bé Lượm nói đến đó chính là cái ý nghĩa cao đẹp của công việc liên lạc mang lại.

Lượm là cậu bé vô cùng vui vẻ, hài hước, trước khi chia tay những người lính, cậu bé đã để tay lên đầu, đứng nghiêm trang và nói “Thôi, chào đồng chí” với khuôn miệng chúm chím nụ cười dễ thương. Có thể thấy dù hồn nhiên, yêu đời nhưng Lượm lúc nào cũng ý thức được nhiệm vụ của mình, bởi công tác liên lạc đòi hỏi sự bí mật, nhanh chóng nên dù vui khi được gặp những người lính thì chú bé cũng đều chủ động nói lời chia tay và tiếp tục lên đường. Nhưng, không khí chiến tranh quá khốc liệt, vì một bức thư “Thượng Khẩn” không thể chậm chễ nên Lượm đã vượt qua mưa bom bão đạn, không để ý đến sự an nguy của bản thân mà muốn nhanh chóng đưa thông tin cho cán bộ, bởi sự tình đang vô cùng cấp thiết.

Nhưng, thật đau lòng thay, viên đạn vô tình, khốc liệt đã gim vào người em, Lượm ngã xuống, miệng vẫn lấp lánh tia cười đầy hồn nhiên. Lượm đã hi sinh dũng cảm cho đất nước nhưng trong tâm thức của người Việt Nam, em luôn bất tử, lúc nào cũng là một cậu bé hồn nhiên, đội chiếc mũ ca nô lệch, miệng huýt sáo vang….

Trên đây là bài văn kể lại bài thơ Lượm ( chú bé liên lạc). Xem thêm những bài văn mẫu hay