Kể lại câu chuyện Chuyện người con gái Nam Xương theo cách của em

Đề bài: Hãy kể lại Chuyện người con gái Nam Xương theo cách của em

Ngày xưa, trong dân gian đã lưu truyền một câu chuyện vô cùng cảm động về một người phụ nữ hiền hậu nết na nhưng lại phải chịu một nỗi oan “tai bay vạ gió” mà mình không hề gây ra, chỉ vì người chồng mang tính đa nghi, nhỏ nhen của mình. Đó là câu chuyện dân gian “Vợ chàng Trương”, nhưng trong câu chuyện dân gian này kết cục của Vũ Thị Thiết, vợ của chàng Trương vô cùng bi thảm, vì bị chồng hàm oan nên Vũ Thị Thiết đã gieo mình xuống dòng sông Hoàng Giang mà tự tử. Tiếc thương cho người phụ nữ nết na, bạc mệnh nhà văn Nguyễn Dữ sống ở thế kỉ mười bốn đã mượn cốt truyện của câu chuyện cổ “Vợ chàng Trương”, chi tiết trong truyện về cơ bản là được nhà văn Nguyễn Dữ giữ nguyên nhưng nhà văn lại thể hiện được tinh thần nhân đạo của mình thông qua viết tiếp cái kết bi thảm của Vũ Thị Thiết.

Câu chuyện “Chuyện người con gái Nam Xương” của nhà văn Nguyễn Dữ kể về cuộc đời và số phận của một người con gái đức hạnh nhưng lại có cuộc đời đầy bi kịch Vũ Thị Thiết. Vũ Thị Thiết quê ở Nam Xương, sinh ra và lớn lên trong một gia đình làm nông nghèo, mẹ mất sớm, chỉ có hai cha con lương tựa vào nhau mà sống. Cuộc sống tuy có những khó khăn về vật chất nhưng hai cha con luôn sống vui vẻ, hạnh phúc bởi họ dành cho nhau tình cảm yêu thương chân thành. Vũ Thị Thiết là một người con có hiếu, luôn có ý thức phụng dưỡng cha. Cuộc sống có lẽ cứ bình lặng như vậy trôi qua nếu như Vũ Thị Thiết không đến tuổi lập gia đình.

Một ngày nọ có một chàng trai họ Trương, tên Sinh ở làng bên sang hỏi cưới Vũ Thị Thiết. Mặc dù nàng không muốn kết hôn vì không yên tâm để người cha già yếu sống một mình, nhưng trước lời khuyên răn của cha thì Vũ Thị Thiết đã đồng ý lấy Trương Sinh, theo lời cha nàng thì con gái lớn thì phải gả chồng, không thì sẽ phải chịu những điều tiếng khắt khe của xã hội. Hơn nữa, cha nàng có thể tự lo cho mình, nếu nàng lấy chồng thì cha nàng cũng sẽ cảm thấy hạnh phúc, nếu nàng vẫn cố chấp không chịu lấy thì chính là một đứa con bất hiếu, làm cho cha buồn phiền, bị bà con hàng xóm đàm tiếu, dị nghị.

Một tuần sau Vũ Thị Thiết đã trở thành vợ của Trương Sinh qua một lễ cưới nhỏ. Vì gia đình của nàng và Trương Sinh đều nghèo khó nên cũng chỉ làm mâm cơm đơn bạc mời bà con hàng xóm chung vui. Ngày về nhà chồng Vũ Thị Thiết đã khóc rất nhiều vì phải xa người cha thân yêu của mình, nhưng nàng cũng là một người sống có đạo lí, tình nghĩa, từ khi nàng chấp nhận lời cầu hôn của Trương Sinh thì nàng đã coi Trương Sinh là người chồng mà suốt đời mình sẽ yêu thương, gắn bó. Mẹ của chàng cũng chính thức trở thành mẹ của Vũ Thị Thiết, nàng sẽ chăm sóc, phụng dưỡng người mẹ chồng như chính người mẹ đẻ của mình.

Cuộc sống của vợ chồng Vũ Thị Thiết rất hạnh phúc, cuộc sống vẫn có những khó khăn nhưng vợ chồng đồng sức nên những khó khăn đều không đáng kể gì, đặc biệt là sự ra đời của bé Đản- con của hai người, cả Vũ Thị Thiết và Trương Sinh đều vô cùng hài lòng về cuộc sống của mình. Nhưng cuộc đời đâu phải cứ mãi phẳng lặng, bình yên như vậy, biến cố bỗng nhiên ập đến, làm cho gia đình nhỏ lâm vào tình cảnh chia li, cũng chính là nguồn cơn dẫn đến nỗi oan khiên sâu lặng của Vũ Thị Thiết sau này. Năm ấy, đất nước xảy ra nhiều cuộc chiến tranh vô nghĩa nhằm mục đích sát phạt, tranh giành đất đai, quyền lợi, Trương Sinh được lệnh phải lên đường đi lính, bổ sung lực lượng cho quân triều đình.

Là một người dân của đất nước Trương Sinh không thể không thực hiện trách nhiệm của mình. Nhưng chàng không đành lòng để vợ và người mẹ già của mình ở lại mà lên đường. Cuộc chia li của Vũ Thị Thiết và Trương Sinh bịn rịn, lưu luyến đầy nước mắt, Trương Sinh dặn dò Vũ Thị Thiết ở nhà chăm sóc, phụng dưỡng cho mẹ già, chăm lo cho gia đình đợi chàng chiến thắng trở về. Và khi ấy hai người sẽ cùng nhau xây dựng nên một mái nhà hạnh phúc của riêng mình. Vũ thị Thiết tuy rất buồn vì phải xa người chồng của mình thương yêu. Nàng biết được chuyến đi này sẽ vô cùng nguy hiểm, bởi sự ác liệt của chiến tranh nào có buông tha cho ai bao giờ.

Nàng không mong chồng có thể mang áo gấm phong hầu trở về, điều mà nàng mong ước giản đơn chỉ là người chồng có thể quay về bình an, mạnh khỏe. Trước lúc chia tay, Vũ Thị Thiết đã nói với Trương Sinh: “Chàng đi chuyến này, thiếp chẳng dám mong đeo được ấn phong hầu, mặc áo gấm trở về quê cũ, chỉ xin ngày trở về mang theo được hai chữ bình yên là đủ rồi…” Trương Sinh lên đường ra trận, Vũ Thị Thiết ở nhà chăm mẹ già, nuôi nấng con nhỏ. Một mình nàng vừa phải lo việc nhà cửa ruộng vườn vừa chăm lo cho hai người thân, một già một trẻ nhưng Vũ Thị Thiết đều hoàn thành một cách chu toàn, chưa bao giờ kêu than dù chỉ một tiếng.

Nàng chăm sóc tận tình cho người mẹ chồng, lúc ốm đau bệnh tật nàng không rời mẹ nưa bước, dù trong nhà không còn tiền nhưng nàng vẫn cố gắng đi mượn của những người hàng xóm để lo tiền thuốc thang cho người mẹ bệnh tật. Biết được mình khó có thể qua khỏi cơn bạo bệnh, người mẹ chồng đã gọi Vũ Thị Thiết vào mà nói không cần lãng phí tiền bạc cho mình nữa, Vũ Thị Thiết đã hết lời động viên để người mẹ yên tâm, chính người mẹ chồng cũng đã từng hết lời khen ngợi Vũ Thị Thiết, nói nàng là một người tốt và sau này nàng sẽ được hưởng hạnh phúc vì những đức tính tốt đẹp của mình.

Không lâu sau, người mẹ chồng mất, Vũ thị Thiết lo việc hậu sự chu đáo, hoàn thành trách nhiệm của người con. Bây giờ ngôi nhà nhỏ của nàng chỉ còn lại hai mẹ con, nàng và con trai tên Đản. Vốn là người có học lại hiểu biết nên nàng cảm nhận thấm thía được nỗi bất hạnh của con, khi lớn lên không có được sự che chở trọn vẹn của cả cha và mẹ. Nàng luôn muốn con trai mình hạnh phúc, càng không muốn con trai ghen tị với bạn bè vì chúng có cả bố lẫn mẹ nên Vũ Thị Thiết đã nghĩ ra một cách, đó là chỉ vào chiếc bóng trên tường của mình, nói đó chính là ba của Đản. Vừa để con vơi đi nỗi nhớ cha nhưng cũng đồng thời làm cho mình vơi bớt nỗi nhớ nhung đối với người chồng. Nhưng, nàng cũng không biết được lời nói dối dường như vô hại này lại gây ra cho nàng đau đớn, oan khuất nhất đời.

Trương Sinh trở về, trong một lần dẫn con trai ra thăm mộ của mẹ, bé Đản ngây thơ hồn nhiên hỏi Trương Sinh “Chú là ai?”, Trương Sinh đã rất bất ngờ nhưng cũng kịp thời trả lời “Ta là cha của con”, nhưng bé Đản lại ngay lập tức phủ định “Chú không phải cha của con, cha của con ngày nào cũng đến vào buổi tối trò chuyện cùng với mẹ con Đản”. Nghe lời trẻ thơ, lại vốn tính đa nghi nên Trương Sinh đã nghi ngờ vợ hư hỏng, thất tiết. Trong cơn giận dữ Trương Sinh đã trở về nhà lớn tiếng chửi mắng, đánh đập, kết tội Vũ Thị Thiết mà không hề cho nàng một lần được trình bày, giải thích.

Vũ Thị Thiết vì quá đau khổ, oan ức lại không có cách nào có thể giải oan cho mình nên đã đi ra sông Hoàng Giang trầm mình xuống sông tự vẫn, nhưng nàng lại được Linh Phi, vợ của đức Long Quân cứu giúp. Ở đây nàng lại gặp được một người bà con của mình, nàng đã nhờ người đó chuyển lời đến Trương Sinh và có cuộc gặp gỡ cuối cùng với Trương Sinh. Còn về phần Trương Sinh, sau khi biết đã hiểu lầm và trách oan vợ thì đã quá muộn màng, nghe lời nhắn gửi của vợ, chàng lập đàn trên sông Hoàng Giang, Vũ Thị Thiết đã hiện về, nỗi oan được giải trừ, nàng cũng không oán trách gì chồng nhưng nàng cũng không thể trở về cuộc sống như trước đây nữa, nàng từ biệt Trương Sinh và biến mất trong lòng sông.

Cái kết của câu chuyện này không hẳn là có hậu nhưng đó lại là cách giải quyết hợp lí duy nhất, bởi nó vừa giúp cho Vũ Nương được giải oan, vừa mang tính nhân văn sâu sắc khi tố cáo xã hội phong kiến đã quá bất công đối với những người phụ nữ như Vũ Thị Thiết.

Tham khảo thêm những bài văn mẫu hay

 Có thể bạn chưa biết: 

 Nam Xương ở đâu? Nam Xương thuộc tỉnh nào?

Nam Xương trong câu chuyện Người con gái Nam Xương xưa còn gọi là Nam Xang thuộc huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam.