Đề bài: Khái quát nội dung bài Buổi chiều đứng ở phủ Thiên trường trông ra
Bài làm
Cảnh chiều tà từ lâu đã trở thành một chủ đề được nhiều nhà thơ quan tâm, bởi không gian chiều tà thường dấy lên trong con người nhiều cảm xúc đặc biệt. Cảnh chiều tà có khi gợi lên nỗi suy tư về kiếp người ngắn ngủi, có khi lại gợi lên nỗi niềm nhớ quê, có khi lại gợi lên sự đồng điệu trong tâm hồn thi sĩ với thiên nhiên, cảnh vật. Bài thơ “Buổi chiều đứng ở phủ thiên trường trông ra” của vua Trần Nhân Tông chính là sự giao hòa giữa tâm hồn nhà thơ với cảnh vật nơi miền quê thôn dã lúc xế chiều.
Mở đầu bài thơ là cảnh làng quê trong ánh nắng tắt khi chiều tà mơ màng, yên ả:
Thôn hậu thôn tiền đạm tự yên
Bán vô bán hữu tịch dương biên
(Trước xóm sau thôn tựa khói lồng
Bóng chiều man mác có dường không)
Thật là một bức tranh thôn quê yên bình, tĩnh lặng! Chiều xuống, từ phía phủ Thiên Trường, cảnh vật thôn xóm mờ dần dần trong làn khói phủ. Khói ở đây phải chăng là làn sương chiều lãng đãng hòa quyện với cột khói bay lên từ những mái bếp thơm nồng hơi cơm. Với điểm nhìn ở trên cao, vừa quan sát được khung cảnh “trước xóm”, vừa bao quát rõ “sau thôn”, nhà thơ như lạc vào một không gian mờ mờ ảo ảo. Cảnh vật trước hoàng hôn trở nên huyền diệu, dường như có mà cũng như không. Khung cảnh êm đềm, nên thơ khiến tâm hồn con người cũng man mác, mơ hồ, vừa như sông thật vừa như trôi nổi vào cõi mơ. Hay chính lòng người đang bâng khuâng, xao động nên mới nhìn thấy làng xóm với làn khói sương êm ả, thanh bình như thế?
Trong hai câu đầu tiên, thi sĩ đưa người đọc vào một thế giới vốn quen thuộc nhưng lại huyễn hoặc bằng những từ ngữ gợi ra sự mơ hồ, hư ảo. Ở hai câu sau, Trần Nhân Tông vẫn điểm xuyết cho bức họa làng quê của mình bằng những nét bút miêu tả khung cảnh, tuy nhiên, sự mơ hồ đã giảm bớt và mang lại cảm giác chân thực hơn, đó là nhịp sống của người dân, động vật gắn liền với không gian dân dã:
Mục đồng địch lí ngưu quy tận
Bạch lộ song song phi hạ điền
(Mục đồng sáo vẳng trâu về hết
Cò trắng từng đôi liệng xuống đồng)
Sự tĩnh lặng của cảnh vật và cả lòng người đều bị đánh thức bởi tiếng sáo của mục đồng. Bức tranh thôn dã đã có thêm âm thanh, màu sắc và thêm phần động. Những chú bé mục đồng lùa trâu về xóm, vừa đi vừa thổi sáo, tiếng sáo vi vu, văng vẳng cất lên. Tiếng sáo hồn nhiên, trong trẻo khiến lòng nhà thơ thư thái yên bình hơn sau bao nhiêu lo toan, trăn trở việc triều chính. Xa xa trên đồng ruộng, từng đôi cò trắng chao liệng rồi đáp xuống. Đàn cò là nhưng hình ảnh tiêu biểu cho làng quê Việt Nam. Người và vật, âm thanh và màu sắc, tất cả như hòa nhập với nhau vẽ nên một bức tranh quê hương thanh bình, yên ả mà thật có hồn. Nhà thơ chỉ lấy một vài chi tiết, chấm phá vài nét mà như thổi hồn vào cảnh vật rộng lớn. Qua tâm trạng con người, cảnh đã đẹp lại càng đẹp hơn.
Hai câu thơ cuối với bút pháp miêu tả bằng những nét chấm phá, đã vẽ ra trước mắt người đọc một vùng quê yên bình, thơ mộng với những con người bình dị, chân quê.
Như vậy, bài thơ “Buổi chiều đứng ở phủ Thiên Trường trông ra” đã khắc họa bức tranh phong cảnh làng mạc, ở đó vừa có cái thực, vừa có cái mờ ảo của cảnh vật, không gian nhưng không thể thiếu bóng dáng của con người. Con người đã làm cho bức tranh miền quê trở nên sống động hơn, thực hơn. Ta thường nghĩ, vua thuộc về chốn cung cấm, được bao bọc bởi châu báu ngọc ngà. Vậy mà Trần Nhân tông lại vẽ được một bức tranh đậm đà sắc quê, hồn quê như vậy bằng chính cái nhìn của ông. Điều đó chứng tỏ, vị vua phải có sự yêu mến, gắn bó với làng quê rất sâu đậm thì mới có thể phát hiện ra vẻ tuyệt mỹ ngay trong không gian bình dị ấy. Bài thơ cũng thể hiện được tình yêu mãnh liệt của nhà vua đối với quê hương của mình. Đọc bài thơ, ta càng thêm quý trọng và mến phục ông- vị vua của thôn quê.
TU KHOA TIM KIEM:
KHAI QUAT NOI DUNG
BUOI CHIEU DUNG O PHU THIEN TRUONG TRONG RA
KHAI QUA NOI DUNG CHIN
KHAI QUAT NOI DUNG BÀ BUOI CHIEU DUNG O PHU THIEN TRUONG TRONG RA
Leave a Reply