Khái quát nội dung chính của bài ‘Bạn đến chơi nhà’

Đề bài: Khái quát nội dung chính của bài ‘Bạn đến chơi nhà’

Bài làm

          Nguyễn Khuyến là một trong những nhà thơ xuất sắc, tiêu biểu của làng thơ Việt Nam. Những tác phẩm của ông nói về tình cảm đơn sơ, giản dị nhưng vô giá, tiêu biểu trong số đó là bài thơ “Bạn đến chơi nhà”. Bài thơ trên được tác giả sáng tác cho người bạn tri kỉ của ông- Dương Khuê.. Tình bạn ấy được bộc lộ thật thân thiết và đáng nâng niu trân trọng biết bao.

Đã bấy lâu nay, bác tới nhà

Trẻ thời đi vắng, chợ thời xa

Ao sâu nước cả, khôn chài cá

Vườn rộng rào thưa, khó đuổi gà

Cải chửa ra cây, cà mới nụ

Bầu vừa rụng rốn, mướp đương hoa

Đầu trò tiếp khách, trầu không có

Bác đến chơi đây, ta với ta.

          Lời chào tự nhiên thân mật ra đến đầu lưỡi đã hóa thành câu thơ “ Đã bấy lâu nay bác tới nhà”. Có thể thấy rõ niềm hân hoan vui sướng tột cùng khi bất ngờ gặp lại người bạn hiền thân thiết của tác giả. Niềm vui ấy dường như không thể nào kìm nén nổi dù chỉ một phút giây. Cách xưng hô bác- tôi cho thấy sự thân thiết, tự nhiên giữa những người bạn lâu năm- như những người thân trong gia đình. Câu thơ và cũng là lời chào đầu đã thể hiện đầy đủ sự quý mến và sự vui mừng khôn xiết của tác giả khi người bạn đã ngóng đợi từ lâu ghé chơi nhà. Nhưng ngay sau lời chào đón là sự lúng túng của người chủ nhà khi chợt nhớ đến hoàn cảnh của mình:

Trẻ thời đi vắng, chợ thời xa

Bầu vừa rụng rốn, mướp đương hoa

          Cách nói mang đôi phần hóm hỉnh, thật gần gũi. Người Việt thường tiếp đãi khách quý bằng cây nhà lá vườn thể hiện sự mến khách. Thế nhưng, hoàn cảnh cuộc sống đã khiến cho Nguyễn Khuyến cường điệu hóa lên sự thiếu thốn của mình đến nỗi chẳng có gì để tiếp bạn, đến nỗi cả cơi trầu cũng không có. Người xưa có câu “ Miếng trầu là đầu câu chuyện”, là khởi nguồn của cuộc nói chuyện tâm tình. Từ trầu tiếp khách đến bữa cơm đạm bạc có cá, gà, bầu, mướp… đều không có. Qua đây cũng thể hiện sự thân thiết gắn bó vượt qua cả mức tình bạn- tình tri kỷ, tình anh em khi mà tác giả đã không ngần ngại chia sẻ những sự khó khăn của mình với bạn mà không hề giấu giếm. Đó là tình bạn chân thành nhất, thắm thiết nhất và cũng thiêng liêng cao quý nhất.

Câu kết là vừa là câu mời mọc vừa là sự bùng nổ về ý và tình. Tiếp bạn chẳng cần phải cao lương mỹ vị, mâm cao cỗ đầy mà chỉ cần đôi chén rượu nhạt, với tình cảm đong đầy thì hai người bạn đã có thể thưởng thức đầy đủ niềm vui gặp mặt.

Bác đến chơi đây, ta với ta.

          Chữ “bác” thứ hai xuất hiện với tràn ngập sự kính trọng. “Bác” đã không ngại đường xá xa xôi, lỡ dở công việc, tranh thủ thời gian để đến thăm bạn thì còn điều gì quý hơn? Tình bạn là thứ cao quý nhất mà không vật chất nào có thể ảnh hưởng và chia rẽ được nó. Vật chất họ không có, thay vào đó họ có tình bằng hữu thâm giao quý giá ngàn vạn lần thứ vật chất hời hợt. Hai con người, hai hình dáng nhưng suy nghĩ, tình cảm và lý tưởng sống của họ dường như đã hòa hợp vào nhau, khăng khít với nhau. Họ đến thăm nhau dựa trên tình tri kỉ gắn kết, một tình bạn không thể tách rời, luôn luôn vĩnh cửu. Bài thơ như dạy cho chúng ta phải luôn biết trân trọng và nuôi dưỡng tình bạn, hãy trải lòng với mọi người và đừng bao giờ để vật chất hủy hoại giá trị thiêng liêng của tình bạn, tình tri kỷ.

Tóm lại, bài “ Bạn đến chơi nhà” của nhà thơ Nguyễn Khuyến được viết bằng lời thơ đậm chất mộc mạc, giản dị, dân dã, thật gần gũi và tự nhiên. Qua đó ta nhìn thấy một hồn thơ đẹp đẽ, một tình bằng hữu thâm giao. Đó là tình bạn được xây dựng chắc chắn từ sự hiểu nhau, chia sẻ, cảm thông, tôn trọng lẫn nhau và không hề vụ lợi. Bài thơ giúp chúng ta nhìn nhận lại chính bản thân mình, nhắc nhở bản thân không bị vật chất lôi kéo mà hãy luôn giữ tình bạn cao đẹp, trong sáng thủy chung đúng như bản tính của người dân Việt.