Đề bài: Khúc tráng ca lao động trên biển qua bài thơ đoàn thuyền đánh cá được tác giả Huy Cận miêu tả như thế nào?
Huy Cận nổi bật lên trong phong trào thơ mới với những vần thơ ảo não, nhưng sau năm 1945, khi cách mạng tháng Tám thành công, thơ ông bất ngờ phát lộ với một vẻ đẹp mới: vừa hướng tới những khoảng rộng xa của vũ trụ vừa da diết, gắn bó với cuộc đời thân thương, gần gũi. Sáng tác trong chuyến đi thực tế ở vùng biển Quảng Ninh năm 1958, Đoàn thuyền đánh cá của ông là tác phẩm được nhiều người biết đến. Hứng khởi trước vẻ đẹp tráng lệ của thiên nhiên và vẻ đẹp khỏe khoắn của người lao động, bài thơ cất lên như một khúc ca tươi vui, lạc quan, dạt dào cảm xúc yêu đời, làm say mê lòng người.
Mở đầu bài thơ, tác giả Huy Cận đã đi miêu tả cảnh đoàn thuyền đánh cá ra khơi trong cảnh hoàng hôn:
“Mặt trời xuống biển như hòn lửa
Sóng đã cài then đêm sập cửa
Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi
Câu hát căng buồm cùng gió khơi”
Nhà thơ đã có một phép so sánh vô cùng độc đáo, đó chính là so sánh mặt trời với hòn lửa. Với cách so sánh này, không chỉ gợi ra được vẻ tròn đầy, ánh nắng cuối ngày rực rỡ mà còn gợi ra được cảm giác ấm áp, khác hẳn với cái lạnh lẽo, hoang vắng khi màn đêm bao phủ không gian. Hình ảnh của những con sóng cũng được gợi lên thật sinh động, gợi cảm “cài then”, màn đêm “sập cửa” như dấu hiệu kết thúc của một ngày và mở ra một không gian mới- không gian lao động “Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi”
“Hát rằng cá bạc biển Đông lặng
Cá thu biển đông như đoàn thoi
Đêm ngày dệt biển muôn luồng sáng
Đến dệt lưới ca đoàn cá ơi”
Khi nhịp lao động của một ngày mới bắt đầu, những người ngư dân cất cao lời bài ca gọi cá. Lời ca hào sảng vang vọng trong đêm khuya như làm rộn lên không khí lao động hăng say, lời hát ca ngợi vẻ đẹp của những con cá, sự giàu có, trù phú của biển khơi. Bài ca còn là lời mời chào đầy thiết tha của những người ngư dân, cùng với đó là mong mỏi đánh được nhiều cá và mong ước cuộc sống ấm no, đủ đầy “Đến dệt lưới ta đoàn cá ơi”
“Thuyền ta lái gió với buồm trăng
Lướt giữa mây cao với biển bằng
Ra đậu dặm xa dò vụng biển
Đàn đan thế trận lưới vây giăng”
Ở đây, tác giả Huy Cận đã sử dụng hình ảnh ẩn dụ “thuyền ta lái gió” gợi ra rất nhiều liên tưởng độc đáo. Câu thơ vừa có ý nghĩa tả thực, đó chính là những con gió lớn thổi vào cánh buồm, tạo động lực để cánh buồm lướt gió ra khơi. Còn hình ảnh “buồm trăng” cũng vô cùng độc đáo, nó vừa gợi ra liên tưởng mặt trăng hình cánh buồm, vừa có thể là mặt trăng soi chiếu vào cánh buồm đang căng gió trên biển khơi. Hiểu theo cách nào thì cũng cho thấy liên tưởng độc đáo của Huy Cận: dường như con thuyền ra khơi có gió trời là người lái, trăng trời là cánh buồm. Cảnh đánh bắt cá cũng được nhà thơ đặc tả cụ thể, chi tiết “Dàn đan thế trận lưới vây giăng”
“Câu hát căng buồm với gió khơi
Đoàn thuyền chạy đua cùng mặt trời
Mặt trời đội biển nhô màu mới
Mắt cá huy hoàng muôn dặm khơi”
Câu hát vẫn vang lên cùng nhịp lao động đầy hối hả của những người ngư dân. Đoàn thuyền ra đi lúc hoàng hôn và trở về khi bình minh lên vì vậy mà có cảnh “Đoàn thuyền chạy đua cùng mặt trời”, đoàn thuyền đánh cá trong sự hối hả của con người muốn nhanh chóng trở về đất liền để đón một ngày mới. Khung cảnh ngày mới cũng được miêu tả thật đẹp với hình ảnh mặt trời đội biển khoe màu sắc tươi mới, tinh khôi.
Bài thơ là bài ca lao động đầy sôi nổi, thiết tha. Qua bài thơ thể hiện được thiên nhiên vũ trụ hùng vĩ, rộng lớn mà cũng không kém phần thi vị, mơ mộng; hình ảnh con người lao động trong tư thế làm chủ đất trời cũng thật đẹp đẽ.
Tham khảo thêm những bài văn mẫu hay liên quan:
Viết bài văn cảm nhận về bài ca lao động trong bài thơ Đoàn thuyền đánh cá của Huy Cận.
Leave a Reply