Khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn trong truyện ngắn Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành

Đề bài: Em hãy nêu khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn trong truyện ngắn Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành

Trong nền văn học Việt Nam, nền văn học sau cách mạng tháng Tám là nền văn học mang đậm khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn. Văn học khi ấy được coi là một khí giới đắc lực dùng để chiến đấu tư tưởng phục vụ chiến đấu chính trị cho nên những hiện thực đời sống lịch sử được tái hiện lại qua những tác phẩm trong thời kì này. Không những thế, các tác phẩm còn mang đậm chất lãng mạn để khơi dậy lòng yêu nước căm thù giặc của nhân dân. Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành là một trong những tác phẩm như thế.

rừng xà nu

Trước hết, truyện ngắn rừng xà nu mang khuynh hướng sử thi. Khi đất nước bước vào cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, những hiện thực đời sống về cuộc chiến đấu của dân làng Xô Man ở Tây Nguyên đã được nhà văn tái hiện lại qua thiên truyện này một cách chân thực sâu sắc nhất.

Số phận đau thương của người dân Xô Man cũng là số phận đau thương của những vùng đất bị giặc chiếm đóng. Không những thiên nhiên bị tàn phá nặng nề mà con người cũng phải bỏ mạng. Không chiến đấu cũng chết vì khổ mà chiến đấu chống lại chúng cũng chết nhưng hai cái chết đó khác nhau. Chết vì dân tộc, vì hạnh phúc của con cháu mình sau này sẽ có ý nghĩa hơn cái chết nô lệ. Tnú vì tham gia cách mạng mà từng phải chịu biết bao nhiêu vết chém ngang dọc trên cơ thể nhỏ bé của mình. Đến khi lớn thì lại phải chịu cảnh vợ con bị tên tay sai hành hạ cho đến chết mà không thể làm gì được. Đôi bàn tay Tnú từng làm biết bao nhiêu chuyện có ý nghĩa nay bị chúng đốt cụt mười đầu. Anh Sút, bà Nhan cũng bị chém cụt đầu vì tội tiếp tế cho cán bộ. Và hàng loạt những cái chết không tên khác của những người dân vô tội khác. Đó là đau thương của dân Xô Man nói riêng và của toàn dân tộc Việt Nam trong thời kì kháng chiến chống Mỹ nói chung. Rừng xà nu tiêu biểu cho thiên nhiên Việt Nam bị Mỹ tàn phá thảm hại. Nó cũng chịu chung số phận đau thương với đất nước con người yêu hòa bình.

Những tưởng số phận vùi dập phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam, nhưng không hề. Từ xưa đến nay truyền thống yêu nước, căm thù giặc chiến đấu anh dũng bất khuất vẫn được duy trì mãi. Tnú có số phận như thế nhưng lại gan góc, anh dũng. Dù là một cậu bé mồ côi nhưng ngay từ Tnú đã được giác ngộ cách mạng và trở thành một người cán bộ tài giỏi, Dít lúc đầu sợ sệt nhưng sau đó nhìn giặc bằng ánh mắt căm hận không nguôi. Mai dù chết cũng không khai ra Tnú ở đâu hay dân làng Xô Man nổi dậy chống lại giặc Mỹ thành công. Đó là trận Đồng Khởi được tác giả thu nhỏ lại trong cuộc chiến đấu của đồng bào Tây Nguyên.

Có thể nói truyện phản ánh được sự chiến đấu anh dũng của dân làng Xô Man nói riêng và cuộc chiến của dân tôc Việt Nam nói chung. Đây là sự thật lịch sử về những đau thương mất mát và những phẩm chất tốt đẹp của dân tộc ta.

Không chỉ mang khuynh hướng sử thi mà rừng xà nu còn mang đậm cảm hứng lãng mạn. Trong cuộc chiến đấu không cân sức ấy, dân tộc ta chỉ có ý chí quyết tâm để làm nên tất cả. giữa đau thương, Mai và Tnú vẫn có một mối tình đẹp đẽ và kết quả của mối tình ấy là một cuộc hôn nhân và đứa con thơ. Bàn tay họ không chỉ cầm súng giết giặc mà bàn tay họ còn nắm lấy nhau để đưa nhau đến bến bờ hạnh phúc. Chính những thương đau và ý chí vượt qua thương đau ấy đã khơi dậy trong lòng người đọc tình yêu con người, yêu quê hương đất nước và căm thù giặc, quyết chiến đấu quên thân để đổi lấy hạnh phúc tự do.

Như vậy có thể thấy, truyện ngắn rừng xà nu tiêu biểu cho những tác phẩm sau cách mạng tháng Tám. Truyện không những phản ánh những sự thật lịch sử mà còn mang đậm chất lãng mạn để khơi gợi, cổ vũ lòng yêu nước và căm thù giặc của dân tộc ta.