Màu sắc Nam bộ trong truyện Những đứa con trong gia đình

Đề bài: Anh/ chị hãy phân tích màu sắc Nam bộ trong truyện Những đứa con trong gia đình của Nguyễn Thi.

Nguyễn Thi không phải chính gốc ở Miền Nam. Nhưng có thể thấy qua nếp sống, ấn tượng về cảnh sắc, con người, văn hóa, lời ăn tiếng nói ở đây đã thấm dần vào con người ông. Để rồi từ đó, ông yêu quý mảnh đất này, đặc biệt trong văn chương, ông viết về mảnh đất này bằng những thấu hiểu sâu sắc bằng những trải nghiệm, những nghiên cứu lâu dài. Ông cũng được mệnh danh “ Nhà văn Nam Bộ” quả thật xứng đáng. Tác phẩm ghi lại thành công của ông  là “Những đứa con trong gia đình” một truyện ngắn xuất sắc rút từ tập Truyện và Kí xuất bản năm 1978. Câu chuyện như là một bản  hùng ca tráng lệ cho thế hệ trẻ đánh Mĩ tiếp bước truyền thống anh hùng của một đại gia đình cách mạng điển hình ở miền Nam, cùng những vẻ đẹp trong đời sống giản dị của người dân Nam Bộ.

Có thể nhận thấy rõ nhất trong tác phẩm, tính cách rất đỗi Nam Bộ không thể trộn lẫn của các nhân vật. Mỗi giai thoại cũng như qua cách miêu tả của tác giả người miền Nam họ là những con người giàu tình cảm, bộc trực, thắng thắn.
Má của Chiến và Việt được kể lại là một người đàn bà hiên ngang trước quân thù trong lần đi “ đòi đầu Chồng” cùng với các con, bàn tay che chở cho các con khi nguy hiểm, bàn tay ấy “ dịu dàng xoa đầu Việt khi Việt ngủ…”, bàn tay làm đủ mọi nghề. Tham gia đấu tranh chính trị, coi thường địch,căm thù, tham gia vào cách mạng cùng chồng giết giặc.

Chị Chiến mang đậm tính cách người con gái Nam Bộ như giống má từ vóc dáng đến tính tình : “thân người to chắc nịch”, “bắp tay tròn vo sạm đỏ màu cháy nắng” rất đảm đang tháo vát, tính toán mọi việc “nói in như má”, rất nữ tính, hồn nhiên lạc quan, nhưng kể đến việc đánh giặc Chiến lại có ý nghĩ mạnh mẽ: “Đã làm thân con gái ra đi thì tao chỉ có một câu: “Nếu giặc còn thì tao mất, vậy à!”.
Còn chú Năm thì mang một tính cách người nông dân Nam Bộ dễ thấy khi xúc động, chú bày tỏ tình cảm, tâm sự bằng những câu hò đậm hồn miền Nam “đục và tức như gà gáy”. Đã nhiều lần chú cất giọng hò. Trước bữa cúng má, chị em Việt Chiến sắp lên đường ra trận, chú Năm cất giọng hò: “Câu hò nổi lên giữa ban ngày, bắt đầu cất lên như một hiệu lệnh dưới ánh nắng chói chang, rồi kéo dài, từng tiếng một vỡ ra, nhắn nhủ, tha thiết, cuối cùng ngất lại như một lời thề dữ dội”.

Việt thì thực sự là một điểm nhấn sâu đậm, thu hút của cậu con trai mới lớn Miền Nam có điệu cười “lỏn lẻn” rất dễ thương, hai gò má “cũng mướt như da trái vú sữa”, Chị Chiến thì giống má, còn cậu lại giống ba. Bên người luôn là cái “ ná thun nhỏ để bắn chim hồi nhỏ”, thích tham gia những trò chơi cũng như nhiều công việc (bắt ếch, câu cá, chụp đom đóm,…).Là thành viên trẻ tuổi nhất gia đình nên được nhận sự chiều chuộng của người lớn ngay từ bé đến cả khi chỉ còn mỗi điểm tựa là chị Chiến và vì anh cũng  là người sống rất tình cảm luôn suy nghĩ thương chị, nhớ nhất là lúc “Nghe tiếng chân chị bịch bịch phía sau, Việt thấy thương chị lạ” và vì vậy khi ở cùng đồng đội không tránh khỏi sợ mất chị nên Việt dù có hay chia sẻ, tâm sự và là người hòa đồng với bạn bè nhưng chẳng bao giờ nhắc đến chị gái và giấu đi như của riêng. Dù gan dạ đến mấy khi đánh giặc nhưng anh có điểm yếu dễ thương đó là chỉ sợ “thằng chỏng thụt lười”, ‘‘con ma cụt đầu”… ở Việt là tài năng, mưu trí, sự dũng cảm đến lạ, anh đã lập được chiến công lớn nhất diệt chiếc xe bọc thép của địch một mình, dù kiệt sức, chỉ có một thân một mình, lạc đồng đội nhưng anh vẫn giữ tâm thế chủ động tiến công “ một ngón tay vẫn đặt ở cò súng, đạn lên nòng sẵn sàng..”. Ta sẽ chẳng thể quên được hình ảnh Việt theo má đi “ đòi đầu ba”, cũng như hình ảnh “ cùng chị khiêng bàn thờ má sang gửi chú Năm” cùng lời hứa trước linh hồn của má trước đêm tòng quân đầy động lực, xúc động tiếp thêm  sức mạnh phi thường cho người anh hùng quê hương chân chất, bình dị.

Ngôi nhà thân thương trên vùng đồng bằng Nam Bộ- nơi ghi dấu tuổi thơ của Việt, chị chiến, các thành viên trong gia đình má, ba, ông nội tuy chỉ là những con người lao động chân chất, nhưng với cách mạng họ là những cán bộ rất giỏi, những anh hùng giản dị như chính tính cách con người ở đây, gần gũi với thiên nhiên, đời sống chưa được đầy đủ, lại gắn với địa lý sông nước vây quanh nên dễ hiểu, dễ nhận ra những chiếc chòi, những ngôi nhà trên thuyền lênh đênh giữa mặt vàm hay kênh hay sát bờ được che phủ bởi những rặng dừa, đước xanh tốt và đêm đêm những chú đom đóm có thể kéo nhau bay vào đầy nhà, tiếng dế, tiếng ếch kêu inh ỏi cả một vùng… thật thanh bình biết mấy!.

Những vật dụng địa phương qua sự miêu tả tỉ mỉ của tác giá là những thứ làm ăn của nhà nông nghèo khó, lam lũ: nồi, lu, chén, đĩa, cuốc, vá, đèn soi mà chị em Việt sẽ gửi lại chú Năm, trước khi đi đánh giặc. Rồi của cải vỏn vẹn gia đình là “năm công ruộng hồi trước mấy chú cấp cho ba má”, là “hai công mía để dành làm đám giỗ ba má”. Và chắc chắn khi nhắc đến truyền thống mỗi gia đình Miền Nam đều được ghi chép vào cuốn sổ gia đình tuy nhỏ nhưng chứa đựng nhiều chiến công để lưu lại cho nhiều thế hệ, ở đó có ghi từ  việc “thỏn mọn” trong gia đình bằng thứ chữ “lòng còng” được chú Năm ghi chi tiết là Chuyện thím Năm, ông nội, bác Hai, tía của Việt… bị giặc giết như thế nào, các chiến tích của ông nội, của thằng Hai. Đến thế hệ trẻ là chị em Việt, Chiến được nhìn và được góp sức mình và hãnh diện khi được vinh danh trong cuốn sổ nhỏ đã bắn hạ tàu chiến của giặc trên sông Định Thủy, dường như họ sinh ra là để cầm súng đánh giặc.

Và tác giả đưa chúng ta đến với quang cảnh ngày tòng quân nhập ngũ của hai chị em. Như bao địa phương khác rất háo hức tụ tập theo dõi đoàn quân ra đi trách nhiệm cao cả bảo vệ tổ quốc, với niềm xúc động, niềm vui hòa nước mắt chia ly hen ngày trở về. Đêm ấy đông vui lắm, những thanh niên xếp thành hàng dài, bà con cô bác các xã kéo đến, khi đến lượt hai chị em Việt Chiến vì Việt chưa đủ tuổi nhưng tinh thần muốn ra chiến trường để đánh giặc Mĩ-Ngụy và để trả thù cho ba má như chị Chiến và trận tranh giành quen thuộc đã diễn ra giữa hai đứa, khiến các cô  cán bộ thư kí “Cầm viết rồi lại dật xuống” khiến  chú Năm phải “nheo mắt nhìn” đứng ra phân xử: “Hai đứa cháu tôi nó một lòng theo Đảng như vậy, tôi cũng mừng. Vậy xin trên cứ ghi tên cả hai. Việc lớn là tính theo việc lớn, còn việc thỏn mọn trong nhà tôi thu xếp khác xong”. Chi tiết này có thể giúp ta thấy được cái ý chí, suy nghĩ tình yêu đất nước, ý thức cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, lối nói chân chất của con  người nơi mảnh đất đồng bằng Sông Cửu Long.

Qua toàn bài, có thể thấy được ngôn ngữ, cách xưng hô tác giả sử dụng cũng rất giàu sắc thái địa phương  trong lời kể, cũng như trong lời nhân vật là ngôn ngữ trần thuật hấp dẫn đậm sắc thái Nam Bộ (má, ghen, hèn chi, cây viết, thỏn mọn, tròng trọng, ráng học, chớ bộ…).
Truyện ngắn Những đứa con trong gia đình tác giả cho ta thấy được những mảng màu sắc Nam Bộ hiện lên rõ nét qua nhiều khía cạnh. Và hòa chung với không khí cách mạng thời ấy, mảnh đất ấy cũng đã sản sinh ra hàng vạn những người con ưu tú sẵn sàng chiến đấu không bao giờ lùi bước bằng lòng yêu nước xuất phát từ cội nguồn những gia đình truyền thống miền Nam tạo nên những trận đánh thành công vang dội mà lịch sử đã ghi nhận,  góp phần to lớn vào thắng lợi chung của dân tộc.
Phân tích nhân vật Việt trong tác phẩm Những đứa con trong gia đình của Nguyễn Thi.