Đề bài: Nhà văn Pháp Giooc giơ đuy a men (1884- 1966) nói: “Một tiểu thuyết thật sự hứng thú là tiểu thuyết không chỉ mua vui cho chúng ta, mà quan trọng hơn là giúp chúng ta nhận thức thế giới, lí giải thế giới”. Bàn luận câu nói ấy dựa trên cơ sở một truyện ngắn hoặc một tiểu thuyết đã học và đọc.
Bàn về chức năng của văn học thì đã có rất nhiều nhà phê bình, nhà văn, nhà thơ bày tỏ quan điểm của mình. Nói về thơ có Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Văn Siêu còn khi nói về tiểu thuyết truyện ngắn thì nhà văn Pháp Giooc giơ –đuy-a-men cho rằng: “Một tiểu thuyết thật sự hứng thú là tiểu thuyết không chỉ mua vui cho chúng ta, mà quan trọng hơn là giúp chúng ta nhận thức thế giới, lí giải thế giới”. Ta có thể hiểu thêm nhận định này qua tác phẩm văn học Vợ chồng A Phủ của nhà văn Tô Hoài.
Nhà văn Giooc-giơ đuy-a-men một tiểu thuyết thật sự hứng thú khi nó không chỉ giúp chúng ta vui vẻ hay giải trí sau những giờ làm việc căng thẳng và vất vả mà hơn hết tiểu thuyết ấy phải giúp cho chúng ta nhận thức về thế giới. Cuối cùng đi đến lý giải thế giới. Tóm lại ý nghĩa của câu nói trên bàn về giá trị nhận thức của tác phẩm văn học mà cụ thể ở đây chính là tiểu thuyết.
Để lí giải rõ hơn cho nhận định trên chúng ta có thể chiếu nó vào tác phẩm Vợ chồng A Phủ của nhà văn Tô Hoài. Trước hết truyện ngắn Vợ chồng A phủ là một truyện ngắn nói về cô Mị xinh đẹp nết na nhưng bị xã hội thối nát với hủ tục cường quyền và thần quyền giam giữ trở thành một con người lẫm lũi lúc nào cũng chúi đầu xuống đất không cười không nói năng gì. Đọc truyện ngắn này, người đọc được đau cùng nhân vật, hạnh phúc cùng nhân vật và vui khi nhân vật đã giải thoát mình khỏi những hủ tục đáng nguyền rủa ấy. Với cách viết truyện hấp dẫn, miêu tả tâm lý nhân vật sinh động, cụ thể và lôi cuốn, cốt truyện vận động bất ngờ khiến cho tác phẩm này trở thành món quà tinh thần rất lớn đối với những người yêu thích văn học nói chung và yêu thích truyện ngắn nói riêng.
Tuy nhiên tác phẩm không chỉ mua vui cho người đọc mà nó còn giúp cho người đọc nhận ra thế giới và lí giải thế giới. Qua câu chuyện cuộc đời của hai nhân vật chính là Mị và A Phủ, người đọc nhận ra những mảnh đời khác ở những vùng đất khác mà chúng ta chưa từng đặt chân đến, chưa từng được chứng kiến. Những hủ tục thời xưa đã khiến cho người phải sống khổ cực như thế nào. Người con gái có sức sống mãnh liệt ấy tưởng chừng bị nhấn chìm trong bể khổ nhưng rồi chính sức sống ấy đã khiến cho cô gái trở nên mạnh mẽ chạy trốn khỏi thần quyền và cường quyền hủ tục để rồi quyết sống mái chống lại nó. Người con trai mồ côi cả cha lẫn mẹ nhưng hiền lành, khỏe mạnh, không chịu khuất phục trước kẻ mạnh tàn ác kia. Nhà văn đã giúp cho người đọc lí giải tại sao ban đầu Mị lại cam chịu sống một kiếp sống trâu ngựa tại nhà thống lý Pá Tra và chàng trai A Phủ khỏe mạnh là thế nhưng lại chịu cảnh làm thuê cho nhà họ. Đồng thời Tô Hoài còn khẳng định được sức sống mãnh liệt và niềm tin vào cuộc sống sẽ giúp cho con người vượt qua tất cả.
Tóm lại, nhà văn Pháp Giooc- giơ đuy-ê-men đã thật chính xác khi nhận định về một tác phẩm tiểu thuyết hay truyện ngắn. Đọc một tác phẩm văn học không những để giải trí mà còn để nhận thức được thế giới quanh mình. Khi gấp lại một cuốn tiểu thuyết, người đọc còn vương vấn mãi, suy nghĩ mãi về những câu chuyện cuộc đời trong cuốn tiểu thuyết ấy thì lúc ấy cuốn tiểu thuyết mới thật sự gây hứng thú cho người đọc.
Leave a Reply