Nền văn học Việt Nam sau cách mạng tháng Tám năm 1945 là nền văn học chủ yếu theo khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn”. Anh chị hãy bình luận về ý kiến trên?

Em hãy bình luận về ý kiến: “Nền văn học Việt Nam sau cách mạng tháng Tám năm 1945 là nền văn học chủ yếu theo khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn”.

Trong nền văn học Việt Nam, văn học Việt Nam sau cách mạng tháng Tám năm 1945 là một nền văn học có nhiều thành tựu và đặc sắc nhất. Bên cạnh nội dung đời sống phong phú phản ánh được những giai đoạn lịch sử gian nan nhưng hào hùng nhất của dân tộc, văn học sau cách mạng tháng Tám còn thể hiện được chủ nghĩa lãng mạn bằng cách thể hiện những tình cảm của nhân dân đối với đất nước. Có thể nói nền văn học Việt Nam sau cách mạng tháng Tám là một nền văn học chủ yếu theo khuynh hương sử thi và cảm hứng lãng mạn.

Hai thể loại phát triển nhất trong nền văn học này là thơ và truyện ngắn. Những nhà văn nhà thơ đã phản ánh những sự thật lịch sử dân tộc mình trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ bằng một ngòi bút lãng mạn.

Trước hết khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn được thể hiện ở thể loại thơ ca. Nhà thơ Quang Dũng đã phản ánh hiện thực chiến đấu gian nan ác liệt của mình cùng với đoàn quân Tây Tiến ở nơi biên cương Việt Lào. Bức tranh thiên nhiên núi rừng hùng vĩ nhưng nguy hiểm, bức chân dung ngoại hình của người lính Tây Tiến đã phản ánh được những năm tháng kháng chiến chống Pháp gian nan nhưng hào hùng của dân tộc ta:

“Tây tiến đoàn quân không mọc tóc

Quân xanh màu lá dữ oai hùm

Mắt trừng gửi mộng qua biên giới

Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”

Hay Tố Hữu – một nhà thơ có những tập thơ gắn liền với từng giai đoạn chiến đấu của đất nước. Từ những tập thơ Từ ấy khi Tố Hữu mới gia nhập Đảng đến Việt Bắc, gió lộng, máu và hoa…đều thể hiện những bước chiến đấu của nhân dân ta. Trong bài thơ Việt Bắc Tố Hữu phản ánh sự kiện chiến thắng Điện Biên Phủ với sự đoàn kết toàn dân trong kháng chiến:

Những đường Việt Bắc của ta

Ðêm đêm rầm rập như là đất rung

Quân đi điệp điệp trùng trùng

Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan

Dân công đỏ đuốc từng đoàn

Bước chân nát đá, muôn tàn lửa bay.

Nghìn đêm thăm thẳm sương dày

Ðèn pha bật sáng như ngày mai lên.

Cả nhà thơ Nguyễn Đình Thi cũng phản ánh được những tội ác của quân thù khi “Dây thép gai đâm nát trời chiều”, chúng dành giật cả miếng cơm manh áo của nhân dân ta. Và những con người áo vải đã đứng lên thành những anh hùng cầm súng lên và chiến đấu với kẻ thù. Đến thời kì kháng chiến chống Mỹ, một lần nữa nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm lại tôn vinh đất nước bằng cách định nghĩa hai từ thiêng liêng ấy. Bên cạnh những sự thật lịch sử, các nhà thơ sử dụng những yếu tố lãng mạn như cách xưng hô mình ta hay anh em nghe như lời tâm sự thủ thỉ tâm tình. Những hồn thơ Tây tiến lãng mạn hào hoa, hỏm hỉnh lại vui tươi đã khơi dậy trong lòng người dân về một tình yêu đất nước, một tấm lòng căm thù giặc sâu sắc.

Không chỉ thơ ca mà truyện ngắn thời kì văn học này cũng mang đậm chất sử thi và lãng mạn. Những truyện ngắn như Vợ chồng A Phủ – Tô Hoài, Vợ nhặt – Kim Lân, Mảnh trăng cuối rừng – Nguyễn Mịnh Châu, Những đứa con trong gia đình – Nguyễn Thi, Rừng xà nu – Nguyễn Trung Thành…Tất cả những tác phẩm kể trên đều thể hiện được những sự kiện lịch sử, nạn đói năm 1945 là thảm họa của cả một dân tộc, hai triệu đồng bào ta chết đói hay những hủ tục cường quyền và chế độ cũ đã làm cho sức sống trong con người mất đi. Những anh lái xe, những cô du kích mở đường hăng hai chiến đấu chống địch và ngay cả những đứa trẻ chưa đủ tuổi tòng quân cũng hăng hái lên đường nhập ngũ mong muốn chiến đấu chống lại kẻ thù. Các tác phẩm không những phản ánh hiện thực mà còn tố cáo tội ác của giặc. Nhân dân ta đã phải chịu biết bao nhiêu thương đau và đứng lên chiến đấu bất khuất. Người anh hùng Tnú vẫn dùng mười ngón tay cụt đốt của mình để giết chết hàng trăm tên địch. Bằng bút pháp lãng mạn nhấn mạnh vào tội ác của giặc, miêu tả tâm lý nhân vật để thấy được tình yêu nước, yêu quê hương và căm thù giặc của nhân dân ta.

Tóm lại, nền văn học sau cách mạng tháng Tám năm 1945 là một nền văn học theo khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn. Văn học thời kì này không những phản ánh được lịch sử nước nhà mà còn khơi dậy trong lòng người dân ý chí kiên cường bất khuất, tình yêu nước và lí tưởng hi sinh vì những thế hệ mai sau.