Nhận xét về âm hưởng, giọng điệu bài thơ Đoàn thuyền đánh cá

Đề bài: Bài thơ có nhiều từ hát, cả bài cũng như một khúc ca. Đây là khúc ca gì và tác giả thay lời ai. Em có nhận xét gì về âm hưởng, giọng điệu của bài thơ Đoàn thuyền đánh cá

Trong bài thơ Đoàn thuyền đánh cá của nhà thơ Huy Cận, từ “hát” được điệp đi điệp lại bốn lần trong bảy khổ thơ khiến cho bài thơ không chỉ là bức tranh lao động đầy khỏe khoắn của những người ngư dân mà còn như một khúc ca lao động đầy hào sảng. Đây là khúc ca mà tác giả Huy Cận hát thay chơ những người lao động nghèo ven biển, họ sống bằng nghề đánh bắt cá trên biển, công việc tuy vất vả, nặng nhọc nhưng lại có niềm vui, sự hăng say bởi con người say mê công việc, biết làm chủ công việc của mình. Bút pháp khoa trương cường điệu kết hợp với nghệ thuật ẩn dụ làm cho tiếng hát mạnh mẽ khác thường- sức mạnh căng buồm đẩy thuyền lướt tới, ra khơi. Tiếng hát xao động bầu trời. Tiếng hát âm vang mặt sóng. Tiếng hát khỏe khoắn phát ra từ những lồng ngực khỏe khoắn. Tiếng hát trở thành biểu tượng của sức mạnh.

Về âm điệu: Bài thơ đoàn thuyền đánh cá có âm hưởng vừa khỏe khoắn, sôi nổi, vừa bay bổng, lãng mạn với lời thơ hào sảng, dõng dạc, âm điệu thơ như khúc hát say mê cùng với điệp ngữ từ “hát” khiến cho bài thơ như một khúc ca- bài ca của tình yêu lao động.

Bài thơ đoàn thuyền đánh cá đã khắc họa nhiều hình ảnh đẹp đẽ tráng lệ, thể hiện sự hài hòa giữa thiên nhiên và con người lao động, bộc lộ niềm vui, niềm tự hào của nhà thơ trước cuộc sống và đất nước.

Bài thơ có nhiều sáng tạo trong việc xây dựng hình ảnh bằng liên tưởng, tưởng tượng phong phú, độc đáo, có âm hưởng khỏe khoắn, hào hùng, lạc quan.