Đề bài: Tìm những yếu tố tả người và tả cảnh trong hai đoạn trích Chị em Thúy Kiều và Cảnh ngày xuân. Phân tích giá trị của những yếu tố miêu tả ấy trong việc thể hiện nội dung của từng đoạn.
Việt Nam có một nền văn học vô cùng đồ sộ, phong phú ở rất nhiều thể loại khác nhau. Qua các thời kì phát triển, nền văn học dân tộc đã có những bước tiến rõ nét, góp phần đưa văn học Việt Nam hòa nhập cùng với nền văn học phát triển của nhiều quốc gia trên thế giới. Nói về những giai đoạn phát triển mạnh mẽ nhất của văn học thì không thể không kể đến thời kì văn học Trung đại, trong giai đoạn này sản sinh ra rất nhiều những tác phẩm văn học nổi tiếng, không chỉ làm phong phú thêm nền văn học dân tộc mà còn góp phần đưa nền văn học Việt Nam vượt ra khỏi lãnh thổ của Việt Nam, đến được với độc giả trên thế giới. Một trong những tác phẩm văn chương tiêu biểu nhất ta có thể kể đến, đó chính là tác phẩm “Đoạn trường tân thanh” hay còn gọi với cái tên là Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du.
Truyện Kiều là một đại kiệt tác của nền văn học Việt Nam, bởi nó không chỉ chứa đựng những nội dung vô cùng sâu sắc về giá trị nhân đạo, giá trị thời đại mà góp phần vào thành công của truyện Kiều không thể kể đến nghệ thuật khắc họa vô cùng tinh luyện. Trong tác phẩm này, nhà thơ Nguyễn Du đã thể hiện tài năng miêu tả bậc thầy, đó là những cảnh miêu tả chân dung nhân vật cũng như miêu tả bức tranh thiên nhiên tươi đẹp trong tiết thanh min trong hai trích đoạn thơ “Chị em Thúy Kiều” và “Cảnh ngày xuân”. Về chân dung của nhân vật, trong trích đoạn “Chị em Thúy Kiều, Nguyễn Du đã miêu tả chị em Thúy Kiều bằng vài nét phác thảo song hình ảnh hai chị em đều hiện lên vô cùng chân thực, sâu sắc.
Trong thơ ca trung đại xưa, các nhà văn, nhà thơ thường có xu hướng lấy thiên nhiên làm chuẩn mực để đánh giá cái đẹp, làm thước đo vẻ đẹp của con người. Nhưng đến Nguyễn Du thì quan điểm ấy đã hoàn toàn thay đổi, nhà thơ lấy vẻ đẹp con người ra làm trung tâm, thiên nhiên chỉ là nền tảng để thể hiện được những vẻ đẹp đó. Cụ thể như sau:
“Vân xem trang trọng khác vời
Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang
Hoa cười ngọc thốt đoan trang
Mây thua nước tóc tuyết nhường màu da”
Miêu tả vẻ đẹp của Thúy Vân, nhà thơ Nguyễn Du đã dùng những biểu tượng của tự nhiên như trăng, mây, tuyết để làm những chuẩn mực làm nổi bật nên vẻ đẹp của nàng Vân, đó là một cô gái có vẻ đẹp kiều diễm đoan trang, có phần dịu dàng, đài các. Khuôn mặt trắng tròn phúc hậu như ánh trăng ngày rằm, đôi mày ngài đẹp như vẽ làm xao xuyến lòng người. Vẻ đẹp nữ tính, dịu dàng của Thúy Vân còn thể hiện ở từng cử chỉ, thần thái, ở nụ cười tươi như hoa, giọng nói trong trẻo như ngọc, mái tóc dài mượt mà bồng bềnh như mây, làn da trắng trong tựa như tuyết. Vẻ đẹp không tưởng này của Thúy Vân khiến cho mây cũng phải thua, tuyết phải nhường.
Vẻ đẹp của Thúy Vân khuynh thành là vậy, kiêu sa là vậy, nhưng chỉ một câu thơ so sánh của Nguyễn Du thôi thì vẻ đẹp của Thúy Vân lại có phần mờ nhạt hơn, nhường vào đó là vẻ đẹp lộng lẫy, mặn mà của nàng Kiều:
“Kiều càng sắc sảo mặn mà
So bề tài sắc lại là phần hơn
Làn thu thủy nét xuân sơn
Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh”
Vẻ đẹp của Thúy Vân mà nhà thơ Nguyễn Du kì công khắc họa trên câu thơ trên thực ra chỉ là một bước đệm, một nền tảng để làm nổi bật lên vẻ đẹp của Thúy Kiều, vẻ đẹp của Kiều đối lập hoàn toàn với vẻ đẹp của Thúy Vân, nếu như Thúy Vân có vẻ đẹp dịu dàng, đoan trang thì ở Thúy Vân lại là vẻ mặn mà, sắc sảo. Hơn nữa, nàng Kiều còn là một người tài sắc toàn tài, sắc một nhưng tài lại là mười, vẻ đẹp của Thúy Kiều vượt qua quy chuẩn của tự nhiên, mang một vẻ đối lập với thiên nhiên nên khiến cho hoa ghen, liễu hờn. Điều đặc biệt là Nguyễn Du không chỉ miêu tả chân dung nhân vật đơn thuần, dùng thiên nhiên làm đòn bẩy tôn vinh lên vẻ đẹp của các nhân vật mà cách sử dụng từ ngữ miêu tả còn có khả năng dự báo về số phận của nhân vật trong tương lai.
Nếu như vẻ đẹp của Thúy Vân được thiên nhiên thừa nhận “thua”, “nhường” dự báo về một số phận có phần bình lặng, không có biến cố của của nàng Vân thì đối với thúy Kiều, vẻ đẹp đối nghịch tự nhiên khiến cho hoa phải ghen, liễu phải hờn nên dự báo một cuộc đời đầy bất trắc, đau khổ trong tương lai. Và nếu theo dõi hành trình cuộc đời của thúy Kiều thì ta có thể thấy dự báo này là hoàn toàn đúng.
Không chỉ có biệt tài trong khắc họa chân dung nhân vật mà Nguyễn Du còn là bậc thầy trong miêu tả cảnh sắc của thiên nhiên. Hình ảnh thiên nhiên hiện lên trong những trang văn của Nguyễn Du trở nên sống động, chân thực đến không ngờ. Ta có thể thấy rõ điều này thông qua trích đoạn “Cảnh ngày xuân”, đó là khung cảnh của ngày xuân trong tiết Thanh minh, chị em Thúy Kiều cùng nhau đi chơi xuân. Khung cảnh ngày xuân hiện lên vô cùng náo nức, rộn ràng:
“Ngày xuân con én đưa thoi
Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi
Cỏ non xanh tận chân trời
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa”
Trong cách miêu tả của đại thi hào Nguyễn Du, ta có thể cảm nhận được một nhịp điệu chảy trôi của tiết trời ngày xuân, đó là khoảng thời gian tươi đẹp nhất trong năm nhưng lại trôi chảy vô cùng nhanh chóng, ngày xuân trôi qua nhanh tựa như con thoi trên khung cửi của những người thợ may. Thấm thoắt ngày xuân đã vào tháng ba, tiết trời ngày xuân, đặc biệt là trong tiết Thanh minh vô cùng tươi đẹp. Không gian bức tranh thơ được mở rộng ra tầm nhìn của con người, không giam bầu trời trải ra mên mông, nhưng lại có sự hòa quyện với sắc xanh non mơn mởn của cỏ non.
Đó là những thảm cỏ trải dài ra bất tận với không gian của bầu trời, nhưng không chỉ dừng lại ở đó, bức tranh mùa xuân được nhà thơ Nguyễn Du đã điểm xuyết cho không gian ấy những sắc trắng của hoa lê. Sự điểm xuyết này làm cho bức tranh mùa xuân không chỉ có vẻ tươi non tràn đầy nhựa sống của cỏ non mà còn vô cùng tinh khôi, nhẹ nhàng của những bông hoa lê. Trong những câu miêu tả này, ta có thể nhận thấy những nét tương đồng về ý niệm giữa Nguyễn Du với một bài thơ cổ của Trung Quốc:
“Phương thỏa liên thiên bích
Lê chi số điếm hoa”
Dịch
Cỏ thơm liền với trời xanh
Trên cành lê có mấy bông hoa
Như vậy, qua đây ta có thể thấy được nhà văn Nguyễn Du có biệt tài trong việc miêu tả chân dung nhân vật cũng như khung cảnh thiên nhiên. Sự tinh tế trong miêu tả cùng với tài năng truyền tải ý niệm đã khiến cho Truyện Kiều của Nguyễn Du đã trở thành đại kiệt tác của dân tộc Việt Nam.
TỪ KHÓA TÌM KIẾM
THÚY KIỀU
TRUYỆN KIỀU
TRUYEN KIEU
CHỊ EM THÚY KIỀU
CẢNH NGÀY XUÂN
Leave a Reply