Đề bài: Em hãy viết một đoạn văn phân tích bài thơ Bánh trôi nước của Hồ Xuân Hương
Hồ Xuân Hương là một gương mặt nhà thơ nữ tiêu biểu của văn học trung đại Việt Nam, giai đoạn cuối thế kỉ XVIII. Hồ Xuân Hương nổi bật lên với phong cách thơ vừa thanh vừa tục, cùng một cá tính thơ độc đáo, bà được Xuân Diệu đánh giá là bà chúa thơ Nôm của văn học Việt Nam. Bài thơ Bánh trôi nước là một trong những bài thơ tiêu biểu của Hồ Xuân Hương.
Hồ Xuân Hương là nữ thi sĩ tài năng, giàu lòng cảm thông, tinh thần nhân đạo đối với con người, đặc biệt là những người phụ nữ trong xã hội phong kiến đương thời. Hồ Xuân Hương đã thể hiện sự trân trọng, đồng cảm cùng với thái độ xót xa cho những thân phận người phụ nữ bất hạnh trong xã hội, điều này cũng được thể hiện rõ nét qua bài thơ Bánh trôi nước:
“Thân em vừa trắng lại vừa tròn
Bảy nổi ba chìm với nước non”
Mở đầu bài thơ, tác giả Hồ Xuân Hương đã đi miêu tả hình dáng cũng như cách thức chế biến bánh trôi nước- một món bánh phổ biến trong đời sống sinh hoạt của con người Việt Nam. Bánh trôi nước là loại bánh được làm bằng bột gạo nếp, bánh có hình tròn và màu trắng. Khi nhào bột cần có sự khéo léo, nếu ít nước bánh sẽ bị rắn, còn nhiều nước bánh sẽ bị nát. Khi bánh đã nặn xong sẽ được mang đi luộc, khi chưa chín bánh sẽ chìm và khi bánh chín sẽ nổi lên mặt nước.
Từ hình ảnh của những chiếc bánh trôi nước, tác giả Hồ Xuân Hương đã gợi liên tưởng của người đọc đến số phận của những người phụ nữ trong xã hội xưa, tác giả đã ca ngợi vẻ đẹp tròn đầy, phúc hậu của những người phụ nữ, nhưng đồng thời cũng thể hiện sự xót thương cho thân phận chìm nổi của những người phụ nữ này “bảy nổi ba chìm”. Trong xã hội phong kiến, những người phụ nữ vốn không được coi trọng và số phận thường bị chi phối bởi người khác, cụ thể là những người nam giới, những người chồng của họ:
“Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn
Mà em vẫn giữ tấm lòng son”
Cuộc sống của họ không được tự định đoạt mà phải phụ thuộc vào người khác “Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn”, đây là số phận đầy éo le, đau khổ. Sướng khổ, hạnh phúc thế nào không thể biết trước mà đều phụ thuộc vào người chồng, những người chủ gia đình. Nếu như may mắn gặp được người chồng tốt thì họ sẽ được hưởng hạnh phúc. Còn nếu gặp phải người chồng không biết thương yêu thì cuộc đời họ sẽ chìm trong bất hạnh.
Cuộc sống tuy không suôn sẻ như mong muốn của họ, dù có trải qua vô vàn những đắng cay, đau khổ thì những người phụ nữ vẫn một lòng thủy chung, son sắc, thể hiện được những phẩm chất tốt đẹp của mình. Đến đây, Hồ Xuân Hương đã thể hiện sự trân trọng đối với những người phụ nữ.
Trong ca dao xưa cũng có rất nhiều bài ca dao nói về thân phận bất hạnh của những người phụ nữ, đây cũng là điểm gặp gỡ giữa tấm lòng nhân đạo của Hồ Xuân Hương với các tác giả dân gian:
“Thân em như hạt mưa rào
Hạt rơi xuống giếng hạt vào vườn hoa
Thân em như hạt mưa sa
Hạt vào đài các hạt ra ruộng cày”
Như vậy, bài thơ Bánh trôi nước của Hồ Xuân Hương đã mượn hình ảnh của những chiếc bánh trôi để nói về thân phận và vẻ đẹp của những người phụ nữ một cách kín đáo,tế nhị. Hình ảnh mang tính biểu tượng cao, thể hiện được nội dung tư tưởng của tác phẩm.
Tham khảo thêm bài viết có liên quan:
Anh chị hãy Phát biểu cảm nghĩ về bài thơ bánh trôi nước của Hồ Xuân Hương.
Leave a Reply