Đề bài: Phân tích bài thơ Cảnh ngày hè của Nguyễn Trãi.
Cảnh ngày hè là bài thơ số 43 trong chùm thơ Bảo kính cảnh giới của tác gia Nguyễn Trãi. Phải nói bài thơ có nội dung ý nghĩa và nghệ thuật đặc sắc lắm thì mới có thể trở thành một trong những tác phẩm hay của Nguyễn Trãi. Bài thơ là một bức tranh thiên nhiên mùa hè rực rỡ, là tiếng lòng tâm sự về hoàn cảnh đất nước, là tình yêu thiên nhiên, yêu con người của nhà thơ.
Hai câu thơ đầu mở ra một hoàn cảnh sống đặc biệt của nhà thơ. Tại sao lại nói là hoàn cảnh sống đặc biệt, bởi vì nó khác so với cuộc sống trước đây của nhà thơ. Nguyễn Trãi không còn sống trong cảnh chiếu rủ màn che, sáng tới cùng tối về phủ, ngày ngày phải để ý cảnh giác với những kẻ xấu muốn hãm hại mình mà giờ đây ông đang sống trong cảnh nhàn rỗi ở chốn thôn quê mộc mạc và bình yên:
“Rồi hóng mát thưở ngày trường
Hòe lục đùn đùn tán rợp giương”
Khác xa so với cuộc sống chốn quan trường ngày đêm bận bịu, Nguyễn Trãi trở về quê hương sống một cuộc sống thanh nhàn, êm ả. Lão nông dân chốn quê mùa ấy ngày nhàn rỗi ra hóng mát ngày dài. Câu thơ như khiến người đọc liên tưởng ra một ông lão mặt hiền lành nhưng khắc khổ, những nếp nhắn hiện lên vì nhiều đêm suy nghĩ, tay thảnh thơi cầm một chiếc quạt mo ngồi hóng mát trước nhà.
Phía trước mắt ông lão ấy là những bông hòe xanh mát mọc “đùn đùn” lên. Có lẽ hoa đang độ nở đều và nhanh nhất bởi mùa hè là mùa sinh trưởng của cây cối mà. Những bông hoa hòe mọc nhiều đến rợp cả giương. Như vậy hai câu thơ đã thể hiện được hoàn cảnh sống của nhà thơ và phần nào miêu tả một chi tiết trong bức tranh thiên nhiên mùa hè.
Tiếp đến hai câu thực, nhà thơ bắt đầu đi vào tả cảnh thiên nhiên mùa hè đầy màu sắc, hình ảnh và hương thơm:
“Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ
Hồng liên trì đã tiễn mùi hương”
Trước hiên nhà những đóa lựu như phô trước ánh nắng, trước con mắt người thưởng thức màu sắc quyến rũ tươi đẹp của mình. Màu của hoa như được “phun” bằng một thứ bột màu đắt tiền loại xịn và được tô lên bằng một bàn tay người nghệ sĩ có tài. Thứ hoa màu đỏ ấy như làm chói chang thêm cái ánh sáng rực rỡ của ngày hè. Bông sen tuy có nhẹ nhàng đi một chút nhưng điểm đặc biệt người ta yêu thích ở nó là sự thanh khiết và hương thơm dịu ngọt nhẹ nhàng. Những bông sen nở như tiễn mùi hương của mình ra khắp chốn. Hương sen giống như một loài nước hoa hiếm có, nhẹ nhàng nhưng quyến rũ khướu giác con người.
Dưới nền cảnh thiên nhiên tươi thắm đẹp đẽ ấy, con người xuất hiện với cuộc sống đời thường. Những phiên chợ cá lao xao tiếng người bán người mua, tiếng những chú ve con đang mở cuộc thi hát:
“Lao xao chợ cá làng Ngư phủ
Dắng dỏi cầm ve lầu tịch dương”
Những âm thanh “lao xao”, “dắng dỏi” là âm thanh rộn ràng, náo nhiệt, ồn ào. Mùa hè cái gì cũng trở nên nổi bật nhất, chói chang nhất, rõ ràng nhất. Âm thanh ấy chính là âm thanh của cuộc sống con người. Những người dân với những lần ra khơi vất vả đang mang về cho mình những thành quả lao động cả ngày trời. Họ đang trao đổi với người khác để đổi lấy cơm lấy gạo cho cả gia đình. Dàn đồng ca mùa hạ ve con cũng như đang rộn rã đón chào một mùa hè mới, mùa để chúng có thể khoe cái giọng mạnh mẽ về cường độ, rộng về âm vực.
Trước cảnh thiên nhiên và cuộc sống con người, nhà thơ có một ước nguyện lớn lao là mượn cây đàn của vua Ngu Thuấn để đánh vài tiếng cho nhân dân no đủ khắp chốn:
“Lẽ có Ngu cầm đàn một tiếng
Dân giàu rủ khắp đòi phương”
Nguyễn Trãi bao giờ cũng thế, dù đã khăn gói về quê, không lo toan đến việc vua việc nước nữa nhưng với tấm lòng yêu thương nhân dân – những con người hạt nhân, gốc của đất nước nhà thơ không bao giờ nguôi nỗi lo lắng cho họ.
Qua bài thơ ta thấy một tấm lòng cao cả của người trí thức luôn luôn tìm cách làm cho nhân dân có một cuộc sống no đủ khắp nơi. Đồng thời bài thơ cũng là một bức tranh thiên nhiên cảnh ngày hè tươi đẹp, rực rỡ. Bên cạnh bức tranh thiên nhiên, nhà thơ thể hiện tấm lòng yêu thiên nhiên, hòa hợp với thiên nhiên, yêu con người và đất nước của mình.
Tham khảo thêm:
Cảm nhận bài thơ Cảnh ngày hè của Nguyễn Trãi.
Leave a Reply