Phân tích bài thơ Qua đèo ngang của bà huyện thanh quan

Đề bài: Em hãy phân tích bài thơ Qua đèo ngang của bà huyện thanh quan

 

Trong nền thơ ca Việt Nam, Bà Huyện Thanh Quan là một trong những tác giả khá nổi tiếng. Người đọc đến Bà Huyện Thanh Quan qua bài thơ Qua đèo ngang. Bài thơ là nỗi niềm của tác giả trước cảnh chiều trên đèo ngang vắng vẻ thưa người.
Bốn câu thơ đầu là bốn nét vẽ về bức tranh cảnh đèo ngang khi Bà Huyện Thanh Quan có dịp ghé qua nơi đây. Bức tranh ấy hiện lên không chỉ có hình ảnh của thiên nhiên mà còn có hình ảnh của con người:

Bước tới đèo Ngang bóng xế tà,
Cỏ cây chen đá, lá chen hoa.
Lom khom dưới núi tiều vài chú,
Lác đác bên sông chợ mấy nhà.

Khi nhà thơ bước tới đèo ngang trong chuyến lên kinh nhận chức. Có thể nói đây là lần đầu tiên nhà thơ xa nhà, xa quê. Bước tới đèo ngang thì mặt trời cũng ngả về tây. Đứng trên đèo ngang nhìn xuống nhà thơ trông thấy cảnh vật non nước nơi đây. Đó là hình ảnh của cỏ cây, của đá và hoa. Hiệp vần gần nhau “đá – lá” kết hợp với điệp từ chen trong câu thơ thể hiện sự sống của cây cỏ nơi đây. Trên những tảng đá những sinh vật nhỏ bé đang đua nhau sinh trưởng. Trong bức tranh ấy con người xuất hiện qua cá từ láy “Lom khom”, “lác đác”. Không những thế biện pháp nghệ thuật đảo cấu trúc ngữ pháp nhấn mạnh sự thưa thớt của con người.
Nếu như bốn câu thơ đầu thể hiện được bức tranh thiên nhiên cảnh Đèo Ngang thì bốn câu thơ sau thể hiện được tâm trạng của nhà thơ:

Nhớ nước, đau lòng con cuốc cuốc,
Thương nhà, mỏi miệng cái da da.
Dừng chân đứng lại: trời, non, nước,
Một mảnh tình riêng, ta với ta.

Động từ “thương, nhớ” được đẩy lên đầu câu gắn liền với hai chữ nước và âm thanh “cuốc cuốc” “da da” thể hiện tấm lòng của Bà Huyện Thanh Quan. Trong cảnh Đèo Ngang đẹp nhưng hoang sơ, rộng lớn nữ thi sĩ thấy nhớ nước thương nhà. Nhưng hành trình lên kinh thành còn xa, dừng chân nghỉ tạm trên đỉnh đèo ngang mà thấy thân phận con người nhỏ bé trước thiên nhiên rộng lớn. Một mảnh tình riêng chỉ có nhà thơ đối mặt một mình với mảnh tình ấy, chẳng có ai để san sẻ cả.

Như vậy có thể thấy, bài thơ Qua đèo Ngang thể hiện được tâm trạng của nhà thơ, nữ thi sĩ nhớ nhà nhớ nước trên hành trình lên kinh đô nhận chức. Ở đây, nhà thơ sử dụng biên pháp tả cảnh ngụ tình. Trong bức tranh thiên nhiên ấy ta thấy được tâm trạng buồn thương của tác giả.