Đề bài: Em hãy viết bài văn Phân tích bài thơ Tỏ Lòng của Phạm Ngũ Lão lớp 10.
Tỏ lòng là một bài thơ hay của tướng quân, nhà thơ Phạm Ngũ Lão. Bài thơ được viết theo thể thơ thất ngôn tứ tuyệt, chỉ vỏn vẹn bốn câu thơ nhưng ý nghĩa của nó lại vượt qua phạm vi chiều dài bốn câu thơ ấy. Bài thơ như một lời tâm sự chân thành của một vị tướng quân tài giỏi vào sinh ra tử cùng thời đại mình.
Mở đầu bài thơ Phạm Ngũ Lão thể hiện lòng yêu nước, trách nhiệm của một người dân đối với triều đại mình:
“Hoành sóc giang sơn kháp kỉ thu”
“Múa giáo non sông trải mấy thu”
“Hoành sóc” là cầm ngang ngọn giáo, “kháp kỉ thu” là trải qua biết bao nhiêu mùa thu. Ở đây nhà thơ muốn thể hiện hào khí của thời đại mình. Một thời đại yên ổn hòa bình, nhân dân no đủ nhưng đồng thời cũng phải đối đầu với quân giặc hung hãn nhất. Đó chính là giặc Nguyên Mông. Bảo vệ đất nước là công cuộc trải dài biết bao nhiêu thế kỉ. Người quân tử cầm ngang ngọn giáo để canh giữ cho cả một chiều rộng của đất nước Việt. Ở đây bản dịch không sát nghĩa với ý thơ, “múa giáo” không thể hiện được sự oai hùng, uy nghi của việc cầm giáo để bảo vệ đất nước. “Mấy thu” không thể diễn tả hết ý nghĩa của “kỉ thu”. Sự nghiệp bảo vệ đất nước là lâu dài, “kỉ thu” vẫn mang nghĩa lâu dài và lớn hơn “mấy thu”.
Nếu câu thơ đầu nhà thơ nhắc đến trách nhiệm của bản thân nói riêng và nam tử thời Trần nói chung và phần nào thể hiện hào khí Đông A thì câu thơ thứ hai lại càng thể hiện rõ hào khí Đông A biểu hiện qua sức mạnh quân đội nhà Trần:
“Tam quân tì hổ khí thôn Ngưu”
“Ba quân khí mạnh nuốt trôi trâu”
Quân đội nhà Trần được chia làm ba thứ quân, mỗi người lính đều mang trong mình một ý chí chiến đấu bất khuất, anh hùng. Chính vì thế mà trăm người như một. Khi có sự đồng lòng, sức mạnh của ba quân không chỉ dừng lại ở sức mạnh thể chất mà nó còn là sức mạnh tinh thần, sức mạnh ý chí. Ba quân nhà Trần tựa như hổ báo, ý chí át cả sao Ngưu trên trời. Người Việt tuy nhỏ bé nhưng ý chí thì lúc nào cũng cao ngút trời. Bởi chiến tranh của ta là chiến tranh chính nghĩa, chiến tranh để bảo vệ giang sơn của ông cha, bảo vệ nhân dân thoát khỏi những ách đô hộ áp bức.
Trước sức mạnh quân dân nhà Trần, trước trách nhiệm của một người nam tử với đất nước, nhà thơ suy nghĩ về phận nam nhi trên đời:
“Nam nhi vị liễu công danh trái”
“Công danh nam tử còn vương nợ”
Một nhà thơ ngông nghênh ngất ngưởng, thích làm những gì mình thích là Nguyễn Công Trứ cũng đã từng bày tỏ quan niệm về phận nam nhi trên đời:
“Chí làm trai nam bắc đông tây
Cho phỉ sức vẫy vùng trong bốn bể”
Nếu như Nguyễn Công Trứ cho rằng làm trai là phải đi nam về bắc, đánh tây dẹp đông để có thể tung hoành ngang dọc khắp chốn đất nước thì Phạm Ngũ Lão cũng cho rằng chí làm trai phải có công với đất nước. Không chọn cách nói ẩn ý, Phạm Ngũ Lão trình bày rõ ràng mục tiêu, trách nhiệm của phận nam nhi. Công danh giống như một cái nợ của phận nam nhi trong thiên hạ.
Không chỉ vậy, nhà thơ còn thể hiện nỗi thẹn của mình khi so sánh với một vị tướng tài ba như Vũ Hầu:
“Tu thính nhân gian thuyết Vũ Hầu”
“Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ Hầu”
Vũ Hầu là Gia Cát Lượng người có công rất lớn bởi những kế sách uyên thâm của mình giúp tướng, giúp vua trị vì đất nước, chống giặc ngoại xâm. Bản thân nhà thơ tuy đã có nhiều công danh với đất nước. Nhưng khi so sánh với Vũ Hầu, nhà thơ lại cảm thấy thẹn vì chưa làm được những việc lớn lao như thế cho vua, cho nước. Ta có thể thấy ở Phạm Ngũ Lão một tấm lòng hết mình vì đất nước nhưng vẫn khiêm tốn.
Như vậy qua đây ta có thể thấy bài thơ Tỏ lòng là một bài thơ vừa thể hiện được hào khí Đông A hào hùng của một thời đại lại vừa thể hiện được tâm tư tình cảm của một vị nhà thơ – tướng quân dốc hết sức lực và tài năng của mình dành cho đất nước. Có thể nói Phạm ngũ Lão càng khiêm tốn bao nhiêu, thẹn bao nhiêu thì người dân càng yêu mến ông bấy nhiêu.
Leave a Reply