Phân tích bài Tuyên bố Thế giới về sự sống còn, quyền được bảo vệ và phát triển của trẻ em

Đề bài: Phân tích bài Tuyên bố thế giới về sự sống còn, quyền được bảo vệ và phát triển của trẻ em (Trích Tuyên bố của Hội nghị cấp cao thế giới về trẻ em họp tại Liên hiệp quốc ngày 30/9/1990)

Trẻ em là thế hệ tương lai của mỗi đất nước, đó chính là những con người kế thừa phần việc của những thế hệ đi trước và kiến dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho dân tộc, đất nước mình. Không chỉ có vai trò quan trọng và to lớn đối với sự phát triển và vận mệnh của đất nước mà trẻ em còn là đối tượng được nâng niu, bảo vệ, chăm sóc bởi các em còn non nớt trong nhận thức, dễ bị tổn thương, tác động. Tuy nhiên ngày nay trẻ em vẫn còn chịu nhiều thiệt thòi do hoàn cảnh, do sự khủng hoảng về kinh tế hay những hành động bóc lột không đúng chuẩn mực của người lớn mang lại. Nhận thức được vấn đề này nên trong hội nghị cao của thế giới về trẻ em đã đưa ra vấn đề về sự sống còn và nhấn mạnh quyền được bảo vệ của trẻ em trong phiên họp của Liên hiệp quốc ngày 30/9/1990.

Hội nghị cấp cao thế giới về trẻ em họp tại Liên hiệp quốc đã cam kết và đưa ra lời kêu gọi khẩn khiết với toàn thể nhân loại: Hãy đảm bảo cho tất cả trẻ em một tương lai tốt đẹp hơn. Hội nghị đã nhấn mạnh đến tính chất hồn nhiên trong sáng nhưng cũng dễ bị tổn thương, tác động của ngoại cảnh. Đó là lứa tuổi đáng được quan tâm, yêu thương ham học hỏi và đầy những ước vọng đẹp. Các em xứng đáng sống trong một môi trường tốt đẹp, trong vòng tay chở che của những người xung quanh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh của chúng ta cũng đã từng nhấn mạnh đến sự non nớt và kêu gọi sự quan tâm của những người lớn đối với sự trưởng thành và phát triển của các em trong những câu thơ sau:

“Trẻ em như búp trên cành
Biết ăn, biết nói biết học hành là ngoan”

Từ việc chỉ ra những tính chất của trẻ em, hội nghị cũng đã đưa ra những thách thức trong việc bảo vệ và thực hiện quyền sống, quyền hạnh phúc của trẻ em. Trước hết, trẻ em trở thành những nạn nhân của các cuộc chiến tranh và bạo lực, là nạn nhân của nạn phân biệt chủng tộc, chế độ a-pác- thai, của sự xâm lược, chiếm đóng và thôn tín của nước ngoài. Hoàn cảnh sống khắc nghiệt đã buộc các em phải trở thành những người tị nạn, sống lang thang, tha hương do bị cưỡng bức phải từ bỏ gia đình, cội rễ.

Phân tích bài Tuyên bố Thế giới về sự sống còn, quyền được bảo vệ và phát triển của trẻ em

Những hoàn cảnh khắc nghiệt do người lớn tạo ra lại vô tình đẩy các em vào hoàn cảnh đáng thương, các em trở thành những nạn nhân tội nghiệp nhất, ở độ tuổi của các em không đáng phải gánh chịu những mầm họa, những dư âm của chế độ bạo tàn, của những cuộc chiến phi nghĩa. Những hoàn cảnh sống này không chỉ tác động trực tiếp đến cuộc sống của các em mà còn tác động sâu sắc đến thế giới tinh thần vốn trong sáng, ngây thơ của các em, khiến cho thế giới trong sáng ấy bị nhuốm màu đen tối của cuộc đời.

Không chỉ có chiến tranh, nạn phân biệt chủng tộc mà trẻ em còn phải chịu đựng những thảm họa khác, đó chính là cái nghèo và khủng hoảng kinh tế, nạn đói, tình trạng vô gia cư, dịch bệnh, mù chữ, môi trường xuống cấp. Đặc biệt, ở những nước đang phát triển, trẻ em còn trở thành nạn nhân của nợ công, nợ nước ngoài. Hàng ngày vẫn có đến 40 000 trẻ em chết đói do suy dinh dưỡng và bệnh tật. Đó đều là những thách thức đang đặt ra đối với trẻ em trên thế giới.

Chỉ ra những thách thức nhằm nhấn mạnh tính bức thiết của việc liên kết, chung tay giữa các đất nước, dân tộc để bảo vệ trẻ em trên thế giới. Việc giải quyết vấn đề về sự phát triển của trẻ em là một vấn đề lớn, một tổ chức, một quốc gia không thể tự mình thực hiện, giải quyết, tuy nhiên, nếu như liên kết các quốc gia trên trái đất để cùng thực hiện bởi chúng ta có đủ phương tiện và kiến thức để bảo vệ sinh mệnh của trẻ em, loại trừ được một phần lớn nỗi khổ đau của các em, thúc đẩy sự phát triển đầy đủ tiềm năng con người ở trẻ em và làm cho các em nhận thức được nhu cầu, các quyền của mình cũng như nắm được các cơ hội phục vụ được lợi íc của mình.

Sự liên kết sức mạnh của các tổ chức, các quốc gia có thể tạo ra sức mạnh to lớn để thực hiện thành công mục tiêu đã đề ra, như một câu ca dao của Việt Nam cũng từng nói:

“Một cây làm chẳng nên non
Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”

Một điều kiện thuận lợi nữa cho việc thực hiện quyền bảo vệ trẻ em, đó chính là những thuận lợi của bầu không khí chính trị. Dựa vào sự hợp tác và đoàn kết quốc tế, hiện nay đã có khả năng đạt được những kết quả cụ thể trên nhiều lĩnh vực, khôi phục sự tang trưởng và phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường ngăn không cho các bện thường gây tử vong và tàn tật lan rộng và đạt được sự công bằng hơn nữa về xã hội và kinh tế.

Ta có thể thấy hội nghị đã rất nhạy bén và sáng suốt trong việc chỉ ra những hạn chế ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em, xác định rõ được phương thức thực hiện bảo vệ quyền sống và quyền phát triển của các em thì hội nghị đi đến kết luận về những nhiệm vụ cụ thể để thực hiện và đảm bảo quyền phát triển đó.

Trước hết, cần đảm bảo sức khỏe cũng như chế độ dinh dưỡng cho các em. Hội nghị xác định đó là nhiệm vụ hang đầu cũng là một nhiệm vụ cấp thiết mà chúng ta có thể thực hiện được bằng những hành động thực tiễn. Sinh mệnh của hang triệu trẻ em trên trái đất hoàn toàn có thể bảo vệ được bởi chúng ta có thể ngăn ngừa được những nguyên nhân dẫn đến tử vong ở các em.

Hội nghị nhấn mạnh đến việc quan tâm, giúp đỡ và hỗ trợ những trẻ em bị tàn tật và những trẻ em có hoàn cảnh sống khó khăn. Đó là những đối tượng trẻ em cần được quan tâm hàng đầu. Hoàn cảnh của các em khiến cho các em có tâm lí dễ bị tổn thương, bởi vậy mà chúng ta cần quan tâm, hỗ trợ các em cả về vật chất cũng như đời sống tinh thần.

Trong cuộc sống sinh hoạt, cần đề cao vai trò của người phụ nữ, đó không chỉ là một nửa của thế giới mà đó còn là những người sản sinh ra những thế hệ tương lai. Bởi đó cần phải tăng cường vai trò của người phụ nữ nói chung và phải đảm bảo quyền bình đẳng giữa nam và nữ. Và ngay từ đầu, các em gái phải được đối xử bình đẳng và có cơ hội đồng đều như các em trai.

Việc phát triển đối với trẻ em còn cần tang cường việc giáo dục, đảm bảo cho các em được học hết bậc giáo dục cơ sở và không cho một em nào mù chữ. Đó sẽ là một đóng góp quan trọng nhất đối với sự phát triển đối với trẻ em toàn thế giới. Cần tăng cường sức khỏe cho những người phụ nữ cũng như phổ biến kế hoạch hóa gia đình và sinh nở.

Bảo vệ quyền lợi, chăm lo đến sự phát triển của trẻ em là một trong những vấn đề quan trọng, cấp bách, có ý nghĩa toàn cầu. Bản Tuyên bố của hội nghị cấp cao thế giới về trẻ em ngày 30-9-1990 đã khẳng định điều ấy và cam kết thực hiện những nhiệm vụ có tính toàn diện vì sự sống còn, phát triển của trẻ em, vì tương lai của toàn nhân loại.

TỪ KHÓA TÌM KIẾM

TRE EM

TRẺ EM

QUYỀN TRẺ EM

BẢO VỆ TRẺ EM

CHIẾN LƯỢC BẢO VỆ QUYỀN TRẺ EM