Đề bài: Bi kịch của người phụ nữ trong xã hội cũ trong một số tác phẩm Độc tiểu thanh ký, Cung oán ngâm khúc, Chinh phụ ngâm (yêu cầu viết văn)
Nguyễn Du, Nguyễn Gia Thiều, Đặng Trần Côn, họ không có bất cứ mối liên hệ nào với nhau nhưng lại cùng chung ý tưởng khi viết về số phận người con gái trong xã hội xưa. Ba người con gái trong ba tác phẩm khác nhau có số phận khác nhau, cuộc đời khác nhau nhưng lại đều là một số phận, một cuộc đời bị kịch. Độc tiểu thanh kí, Cung oán ngâm khúc, chinh phụ âm thể hiện rõ bi kịch của người phụ nữ trong xã hội cũ.
Trước hết, ba người con gái trong ba tác phẩm có một cuộc đời khác nhau. Người là cô gái nhan sắc vẹn toàn nhưng chịu phận làm lẽ, người lại là nàng cung nữ bên cạnh vua chúa hàng ngày nhưng sau một thời gian bị họ ruồng bỏ và cuối cùng là một người vợ chung thủy sắt son nhưng đợi chờ chồng trong cô đơn trống trải.
Nguyễn Du trong một chuyến đi Trung Quốc đã có dịp viếng thăm nàng Tiểu Thanh – một người con gái không những có nhan sắc mỹ miều mà còn có tài văn chương. Trên Hồ Tây, xưa kia nó là một cảnh đẹp thế nhưng bây giờ nó đã hóa thành một đồi hoang. Không biết rằng có phải do nàng Tiểu Thanh không còn nữa nên nhà thơ cảm nhận nó giống như một cái gò hoang hay nó biến thành gò hoang thật. Khi còn sống nàng Tiểu Thanh có một ngôi nhà cạnh bờ hồ này. Nàng thường làm thơ ở đây, đàn hát ở đây:
“Hồ Tây cảnh đẹp hoá gò hoang,
Thổn thức bên song mảnh giấy tàn.
Son phấn có hồn chôn vẫn hận,
Văn chương không mệnh đốt còn vương.
Nỗi hờn kim cổ trời khôn hỏi,
Cái án phong lưu khách tự mang.”
Cảnh đẹp Hồ Tây được so sánh đối lập giữa xưa và nay để cho thấy sự thay đổi về cảnh sắc cũng như thay đổi giữa sống và chết của nàng Tiểu Thanh. Nhà thơ đồng cảm với nàng mà dùng mảnh giấy để viếng một linh hồn đơn độc. “Son phấn” để chỉ nhan sắc, “văn chương” để chỉ tài năng. Người con gái xinh đẹp ấy đã không còn nhưng vẫn còn uất hận thế mà văn chương của nàng chúng cũng không tha, chúng đốt đi nhưng vẫn còn vương. Nỗi hận ấy từ xưa đến nay trời đâu có thấu, một nỗi oan kì lạ mà những người tài hoa đều tự phải nhận lấy.
Không giống với cuộc đời nàng Tiểu Thanh, người cung nữ sống trong cảnh cung quế, lầu nguyệt xa hoa tráng lệ lại có một cuộc đời khác. Tác giả không nói đến tài sắc của người cung nữ ma chỉ tập trung nói vào tâm trạng của nàng:
“Trong cung quế âm thầm chiếc bóng,
Đêm năm canh trông ngóng lần lần.
………….
Ngấn phượng liễn chòm rêu lỗ chỗ,
Dấu dương xa đám cỏ quanh co.
Lầu Tần chiều nhạt vẻ thu,
Gối loan tuyết đóng, chăn cù giá đông.”
Nàng cung nữ cũng sống trong cảnh chồng chung như Tiểu Thanh nhưng ở đây không phải chỉ chia sẻ tình cảm vợ chồng với một hay hai người con gái khác mà là cả trăm người. Nàng cũng đã từng được sủng ái, cũng từng được yêu thương thế nhưng giờ đây đã bị ruồng bỏ. Nàng âm thầm lẻ bóng một mình trong đêm khuya, những hình ảnh như dấu dương, “Gối loan”, “chăn cù”… đều trở nên lẻ loi đến thế. Người cung nữ ngóng trông vua đến lẩn thẩn cả năm canh thế mà chờ mãi chờ hoài cũng chẳng thấy vua đến. Nàng than thân trách phận, trách bậc vua chúa sao đùa vui làm chi cho rũa hoa, tàn ngọc. Khiến cho nàng giờ đây đau khổ, cô đơn. Căn phòng cung quế xa hoa tưởng chừng là căn phòng, ngôi nhà hạnh phúc của nàng thế mà ngờ đâu nó lại như một nhà tù kiên cố giữ nàng đến suốt cả cuộc đời trong cảnh cô đơn. Nàng không chết như nàng Tiểu Thanh nhưng nàng cũng đang chết mòn trong sự cô đơn.
Cuộc đời của người chinh phụ có chồng đi lính được thể hiện rõ trong tác phẩm Chinh phụ ngâm. Người con gái trong tâm trạng mong nhớ chồng lại có phần lo lắng cho tính mạng của chồng và số phận của mình. Nàng reo từng bước nặng nhọc trên bậc thêm hiên vắng:
“Dạo hiên vắng thầm gieo từng bước,
Ngồi rèm thưa rủ thác đòi phen.
Ngoài rèm thước chẳng mách tin,
Trong rèm dường đã có đèn biết chăng ?
Đèn có biết, dường bằng chẳng biết,
Lòng thiếp riêng bi thiết mà thôi.
Buồn rầu nói chẳng nên lời,
Hoa đèn kia với bóng người khá thương !”
Nàng mong chờ tin chồng từ con chim thước nhưng cũng chẳng thấy thước đâu, chỉ có cây đèn luôn là vật đồng hành với nàng trong suốt năm canh của đêm tối. Những tưởng đèn thấu hiểu lòng nàng như nó cũng chỉ là một vật vô tri vô giác làm sao có thể hiểu. Nàng hết đứng lại ngồi, hết mong rồi chờ rồi cuối cùng là rầu bi thiết. Cảnh vật bốn bên “hòe rủ bóng”, “mưa phun” … hay âm thanh “eo óc” của tiếng gà báo trống năm canh đều thể hiện sự cô đơn của nàng. Nàng còn trẻ mà tương lai trở thành một góa bụa lại gần với nàng quá. Người chinh phụ không phải sống trong cảnh chồng chung thế mà cũng đâu có yên thân, cũng đang chết mòn trong sự cô đơn và lo lắng.
Qua đây có thể thấy ba người con gái có cuộc đời khác nhau thế nhưng họ lại có những điểm chung nhất định. Họ đều là phận con gái sống trong xã hội cũ và bị chính xã hội ấy trà đạp và vùi dập một cách tàn nhẫn. Họ đều đã chết, có người chết thật còn có người thì đã chết về mặt linh hồn hay cũng đang chết mòn. Nàng Tiểu Thanh, người cung nữ hay người chinh phụ tiêu biểu cho những kiểu con gái trong xã hội cũ: người con gái có tài sắc, người cung nữ và người vợ thủy chung. Dù họ là ai, cuộc sống như thế nào thì vẫn phải chịu những khổ đau, nhưng bị kịch trong xã hội phong kiến lạc hậu.
Qua ba câu chuyện, ba cuộc đời của ba người con gái ta có thể thấy được bộ mặt của xã hội phong kiến lạc hậu. Chính xã hội bất công ấy đã đẩy những người con gái vào những bi kịch cuộc đời. Dù họ là ai, ở đâu thì đều không tránh khỏi những bất công bi kịch.
Nàng Tiểu Thanh là người Trung Quốc, người cung nữ và người chinh phụ là người con gái xưa Việt Nam thế nhưng lại có số phận bi kịch giống nhau. Điều đó cho thấy xã hội phong kiến ở đâu cũng bất công, sinh ra là phận nữ nhi trong xã hội ấy là phải chịu những thiệt thòi.
Leave a Reply