Phân tích Giá trị của tác phẩm văn học – Ngữ văn lớp 12.

Đề bài: Phân tích Giá trị của tác phẩm văn học – Ngữ văn lớp 12.

Trong kho tàng văn học Việt Nam nói riêng và kho tàng văn học nhân loại nói chung, có rất nhiều những tác phẩm có giá trị cao. Từ những tác phẩm phê phán hiện thực cho đến những tác phẩm lãng mạn, từ các thể loại truyện, thơ trữ tình cho đến những vở kịch. Mỗi tác phẩm đều mang trong mình những giá trị nhất định. Nhưng đã có bao giờ bạn tự hỏi một tác phẩm như thế nào thì được coi là một tác phẩm giá trị, giá trị của tác phẩm bao gồm những giá trị nào?

Giống như văn học nói chung, giá trị của tác phẩm cũng bao gồm những giá trị lớn như giá trị nhận thức, giá trị thẩm mỹ và giá trị giáo dục. Tuy nhiên, ở cấp độ tác phẩm người ta chia giá trị của tác phẩm thành ba giá trị cụ thể hơn đó là giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật và giá trị chủ đề tư tưởng. Hai giá trị nội dung và nghệ thuật sẽ là tiền đề để tạo nên giá trị tư tưởng chủ đề của một tác phẩm.
Trước hết là giá trị nội dung, một tác phẩm được coi là giá trị nếu nó phản ánh một cách chân thực đời sống xã hội khách quan. Văn học có chức năng biến những phạm vi đời sống lớn thu lại trong những trang văn, thơ để tất cả người đọc đều được trải nghiệm mình qua câu chuyện của một người khác.

Ngày nay, phạm vi đời sống trong văn chương được mở rộng hơn, từ những vấn đề nhỏ nhặt thường ngày cho đến những vấn đề lớn của cả dân tộc, đất nước đều được phản ánh trong truyện ngắn, thơ trữ tình hay kịch. Từ những nội dung tưởng chừng là nhỏ nhặt ấy nhưng lại giúp người đọc rút ra những bài học cuộc sống. Mỗi tác phẩm văn chương giống như một hạt giống tâm hồn, một ly cà phê buổi sáng hay một cốc trà sữa thơm ngon dành cho người đọc. Họ đọc và họ áp dụng những nhận thức của mình từ tác phẩm đó vào cuộc sống hàng ngày. Ví dụ như nội dung của truyện Chí Phèo là số phận và cuộc đời người nông dân bị bần cùng hóa, lưu manh hóa trong xã hội thực dân phong kiến xưa. Hay nội dung của bài thơ Vội Vàng – Xuân Diệu là tình yêu thiên nhiên cuộc sống của nhà thơ, cuộc đời vốn dĩ rất tươi đẹp nên con người phải sống cho trọn từng giây từng phút.

Thứ hai là giá trị nghệ thuật, một tác phẩm hay không chỉ có nội dung hấp dẫn mà còn cần phải có nghệ thuật đặc sắc. Một tác phẩm nếu thiếu đi giá trị nghệ thuật thì đó không còn coi là một tác phẩm nữa. Bởi vì nội dung và nghệ thuật cũng giống như nội dung và hình thức. Để truyền tải nội dung tác phẩm đến người đọc thì cần phải biểu hiện nội dung đó bằng một hình thức nghệ thuật nhất định.

Chính vì thế khi có nội dung trong tay người sáng tác phải tìm một thể loại phù hợp nội dung đó. Nói tóm lại nghệ thuật có vai trò quan trọng trong việc thể hiện nội dung, đồng thời nó cũng quyết định sự hấp dẫn của nội dung đó. Nói đến giá trị nghệ thuật của một tác phẩm là nói tới thể loại như thơ, truyện ngắn, truyện dài, kịch…Và tùy theo từng thể loại lại có các biện pháp nghệ thuật như người kể chuyện, miêu tả tâm lý nhân vật, độc thoại nội tâm, tứ thơ, hình ảnh đặc sắc, ẩn dụ, nhân hóa…Để thể hiện nỗi sầu cô đơn của mình trước thiên nhiên mênh mông rộng lớn nhà thơ Huy Cận đã sử dụng hình thức thơ để truyền tải đến người đọc tâm sự của mình. Hay Hàn Mạc Tử khi mắc bệnh lao tưởng nhớ đến thiên nhiên và con người Huế cũng dùng thơ để thể hiện.

Một tác phẩm có giá trị nội dung và nghệ thuật thôi chưa đủ, cái đích của một tác phẩm là ý nghĩa tư tưởng chủ đề. Các tác giả nêu lên một phạm vi đời sống và dùng những biện pháp nghệ thuật để truyền tải nội dung đó đến người đọc một cách hấp dẫn hơn để cuối cùng nêu lên những bài học về cuộc sống hay phản ánh thực tại xã hội, tố cáo hay ca ngợi một hiện tượng trong xã hội đó. Chính Hữu sáng tác bài thơ Đồng Chí để ca ngợi tình đồng chí thân thiết, đùm bọc. Hồ Chí Minh sáng tác Vi hành để mỉa mai châm biếm tố cáo bộ mặt giả dối của tên vua Khải Định.

Qua đây ta có thể khẳng định rằng một tác phẩm có giá trị là một tác phẩm phải có đầy đủ ba giá trị: nội dung, nghệ thuật và tư tưởng chủ đề. Nếu không có đầy đủ cả ba yếu tố trên thì tác phẩm đó không thể trở thành một tác phẩm được nhiều người yêu thích.

Phân tích Giá trị của văn học – Văn lớp 12