Phân tích nét đặc sắc nghệ thuật trong đoạn trích Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ

 Đề bài: Phân tích nét đặc sắc nghệ thuật trong đoạn trích Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ trong tác phẩm Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn.

Một bông hoa đẹp không chỉ có màu sắc hấp dẫn mà còn phải có một hương thơm đặc biệt thu hút người yêu hoa. Một bài hát hay không chỉ có ca từ giàu ý nghĩa mà còn phải có một giai điệu đẹp. Một tác phẩm văn học hay không chỉ có nội dung đa dạng phản ánh hiện thực một cách đầy đủ chân thực mà còn phải có nhiều nét nghệ thuật đặc sắc. Tác phẩm bản dịch Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn là một tác phẩm như thế. Đặc biệt đoạn trích Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ mang nhiều nét đặc sắc nghệ thuật nhất.

Trước hết là nghệ thuật thể loại. Ngâm khúc là thể loại trữ tình trường thiên, dùng để diễn tả nội tâm con người, phản ánh những bi kịch khi con người phải đối diện với một hiện thực khó khăn, đau khổ. Ngâm khúc thường được viết bằng thể thơ song thất lục bát. Với đặc điểm này những câu thơ trong đoạn trích Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ thể hiện rõ đời sống nội tâm của người thiếu phụ:

“Dạo hiên vắng thầm gieo từng bước,
Ngồi rèm thưa rủ thác đòi phen.
Ngoài rèm thước chẳng mách tin,
Trong rèm dường đã có đèn biết chăng ?

Đèn có biết, dường bằng chẳng biết,
Lòng thiếp riêng bi thiết mà thôi.
Buồn rầu nói chẳng nên lời,
Hoa đèn kia với bóng người khá thương !”

Hai câu thơ bảy chữ bắt đầu mỗi khổ thơ giống như gợi mở ra nỗi lòng người chinh phụ, hai câu lục bát kế tiếp sẽ diễn giải nhiều hơn, thể hiện nhiều hơn nỗi lòng ấy. Người con gái nhớ chồng dạo hiên vắng một mình, từng bước chân gieo xuống bậc buông lỏng. Hết dạo rồi lại vào nhà, chờ mong tin từ con chim thước rồi là làm bạn với cây đèn. Hoa đèn kia thức cùng nàng nhưng liệu có hiểu thấu được lòng nàng. Nó chỉ là vật cô tri vô giác làm sao có thể hiểu được nàng, nó chỉ có thể cùng sáng với nàng. Nhưng càng sáng lại càng khiến nàng nhìn rõ được nỗi lòng mình và nàng lại càng cô đơn tủi phận.

Bởi thể ngâm khúc là thể thơ miêu tả nội tâm nhân vật trữ tình cho nên nghệ thuật sắc thứ hai là nghệ thuật miêu tả nội tâm nhân vật sâu sắc. Người con gái từ dạo hiên đến ngồi trong rèm, tiếp đến hành đồng chờ mong và cuối cùng là tự hỏi. Trạng thái mong ngóng đến bi thiết rồi buồn rầu. Mọi hành động trạng thái đều tăng tiến dần và rơi vào bế tắc tuyệt vọng:

“Hương gượng đốt, hồn đà mê mải,
Gương gượng soi, lệ lại chứa chan.
Sắt cầm gượng gảy ngón đàn,
Dây uyên kinh đứt, phím loan ngại chùng.”

Và rồi từ rơi vào bế tắc mà người chinh phụ thức cả năm canh mối sầu như dài thêm dẫn đến hành động đốt hương cũng chỉ gượng đốt, gương soi kia nhưng cũng chỉ là gượng soi mà thôi. Nàng đốt hương mà hồn nàng như mê mải, như không ý thức được điều gì đang diễn ra nữa. Không nhìn thấy mình thì thôi nhưng gượng soi gương làm gì để mà lại chứa chan dòng lệ vì thương thân trách phận. Người quân tử buồn tìm đến rượu, người con gái buồn thì tìm đến đàn nhạc. Nhưng nàng lại sợ gảy đàn mà dây uyên phím loan đứt chùng. “Dây uyên”, “phím loan” là để chỉ sợi dây tơ hồng giữa nàng và người chồng của mình. Sợi dây mà đứt thì báo điểm gỡ cũng có nghĩa là nàng và chàng sẽ không còn được gặp lại nhau. Nỗi nhớ càng dâng lên nàng lại càng muốn gửi tấm lòng vàng son sắt của mình cho chàng nơi biên cương trận mạc “Lòng nay gửi gió Đông có tiện/ Ngàn vàng xin gửi đến Non Yên”. Khốn nỗi trời thăm thẳm nhưng xa vời, lòng nàng buồn nhưng không ai thấu.

Đặc sắc nghệ thuật thứ ba là tả cảnh ngụ tình. Đây là biện pháp nghệ thuật mà các tác giả thời xưa thường hay sử dụng trong các tác phẩm của mình:

“Gà eo óc gáy sương năm trống,
Hoè phất phơ rủ bóng bốn bên.
Khắc giờ đằng đẵng như niên,
Mối sầu dằng dặc tựa miền bể xa”
Hay:
“Cảnh buồn người thiết tha lòng,
Cành cây sương đượm, tiếng trùng mưa phun”

Nhà thơ sử dụng những âm thanh, hình ảnh của cảnh vật thiên nhiên để nói lên tâm trạng của người thiếu phụ. Vì “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ” cho nên khi phân tích cảnh vật ta có thể hiểu được tâm trạng của người ngắm nó. Ở đây cảnh vật được nhìn bằng con mắt của người chinh phụ vì thế nó nhuốm màu tâm trạng thương nhớ, buồn rầu. Tiếng gà gáy báo trống canh năm eo óc ảm đạm.

Bông hòe ngoài kia phất phơ nhưng ủ rủ giống như người chinh phụ còn trẻ nhưng cô đơn lẻ bóng một mình. Thời gian trôi qua chậm như một năm trôi qua, mối sầu theo thế mà dằng dặc trong lòng. Đến cành cây sương đượm và tiếng mưa phùn khiến ta cảm thấy sự ảm đạm, buồn bã bi thiết ở đây. Người ta thường nói “Mưa dầm thấm lâu”, những hạt mưa phùn kia tuy nhỏ nhưng lại ngấm sâu càng khiến cho lòng người mênh mang, chới với trong nỗi nhớ.

Ngoài những biện pháp nghê thuật chính trên, đoạn trích còn sử dụng các biện pháp nghệ thuật khác như câu hỏi tu từ, so sánh, sử dụng nhiều tính từ gợi tả tâm trạng…Có thể nói đây quả là một đoạn trích thành công về cả nội dung và nghệ thuật. Tác giả đã thật khéo léo và tài tình khi sử dụng nhuần nhuyễn những biện pháp nghệ thuật này để làm nổi bật tâm trạng của người chinh phụ.

Tham khảo thêm bài văn mẫu hay liên quan:

Phân tích tâm trạng cô đơn và nỗi đau khổ của người chinh phụ trong đoạn trích Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ trong Chinh phụ ngâm khúc của Đặng Trần Côn.