Phân tích tâm trạng Thúy Kiều trong đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích

Trong đoạn trích “Kiều ở lầu Ngưng Bích” của tác phẩm Truyện Kiều, Nguyễn Du đã khắc họa một Thúy Kiều đầy đau khổ, bối rối và tuyệt vọng trong hoàn cảnh bị giam cầm, xa cách người yêu. Đề bài: Anh chị hãy viết bài văn phân tích tâm trạng Thúy Kiều trong đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích trích Truyện Kiều của Nguyễn Du.

Mẫu số 1 – Phân tích tâm trạng Thúy Kiều trong đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích trong Truyện Kiều của Nguyễn Du

Mở bài: Giới thiệu về nhân vật Thúy Kiều trong đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích

Sau khi bán mình chuộc cha và em, Thúy Kiều đã bị tên bán tớ mua nguyệt Mã Giám Sinh câu kết với Tú Bà đẩy Thuý Kiều vào lầu xanh. Kiều bị cấm cung ở lầu Ngưng Bích nhưng thực chất đó là một sự giam lỏng. Sau lưng nàng là biết bao song gió, đoạn trường. Tại lầu Ngưng Bích, Kiều nhớ người yêu, nhớ mẹ cha và xót xa cho bản thân mình.

Thân bài: Phân tích tâm trạng nhân vật Thúy Kiều trong đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích

Cảnh lầu Ngưng Bích hiện ra trước mắt Thúy Kiều với sự mênh mông, trơ trọi:

Trước lầu Ngưng Bích khóa xuân
Vẻ non xa tấm trăng gần ở chung
Bốn bề bát ngát xa trông
Cát vàng cồn nọ bụi hồng dặm kia.

Không gian rộng lớn “non xa trăng gần”  “bát ngát” ấy có sự cô đơn, lẻ loi của con người. Từ “xa trông” biểu lộ rất rõ tâm trạng thẫn thờ, đón đợi từ cảnh vật thiên nhiên, mong muốn phá tan sự đơn độc của con người với cảnh vật, nhưng càng đón đợi, ngóng trông, cảnh vật càng trở nên vắng lặng.

Trăng gần vì sáng nhưng ánh trăng nhỏ quá, núi rộng và to nhưng xa vì trong đêm trăng non mờ quá. Cả “cát vàng cồn nọ” cũng xa con người. Thúy Kiều trở nên cô đơn trước không gian vũ trụ bao la ấy. Và cảm nhận “ Khóa xuân” là cảm nhận rất thực tế. Kiều thấy mình như không còn tuổi trẻ, đoạn tuyệt với tuổi trẻ khi đã rơi vào chốn lầu xanh.

Cảnh mở đầu bát ngát, mênh mông, làm con người cô đơn trong cảnh ấy, cũng là cảnh mở ra những tâm trạng của nàng Kiều:

Bẽ bàng mây sớm đèn khuya
Nửa tình nửa cảnh như chia tấm lòng

Từ láy “bẽ bàng” cho thấy sự hổ thẹn của Kiều, nàng đang tự vấn bản thân, nỗi chán nản hòa với buồn tủi đang tràn ngập trong tâm trạng Kiều. Cảnh rộng lơn, tình cô đơn,  con người không có nơi neo đậu.  Kim Trọng là người Thúy Kiều nhớ đến đầu tiên trong cảnh ấy:

Tưởng người dưới nguyệt chén đồng
Tin sương luống những dày trông mai chờ
Chân trời góc bể bơ vơ
Tấm son gột rửa bao giờ cho phai.

Lời thơ là lời thổn thức của một trái tim từng tha thiết mặn nồng với tình yêu đầu nhưng dường như thổn thức lắm. Nàng nhớ lại cảnh thề nguyền cùng Kim Trọng, lại tưởng tượng ra cảnh Kim Trọng đang mòn mỏi, ngóng trông tin tức của nàng một cách vô vọng. Bởi vậy nàng xót xa, thấu hiểu tấm lòng chàng Kim nhưng lại thấm thía cảnh bơ vơ, trơ trọi của mình. Nàng hiểu rõ tấm lòng son sắt, thuỷ chung của mình với Kim Trọng nhưng nàng cũng hiểu rõ sự trong trắng sẽ không bao giờ “gột rửa” được. Những câu thơ lảy lên nỗi nhớ nhung tha thiết, đồng cảm và tự trách bản thân của Kiều.

Sau nỗi nhớ người yêu nàng nhớ cha mẹ:
Xót người tựa cửa hôm mai
Quạt nồng ấp lạnh những ai đó giờ?
Sân Lai cách mấy nắng mưa
Có khi gốc tử đã vừa người ôm.

Vì thương nhớ cha mẹ nên hình ảnh cha mẹ sớm hôm tựa cửa đón đợi người con hiếu thảo cứ lẩn quất quanh Kiều, nàng xót xa vì điều đó, càng xót xa hơn khi nghĩ cha mẹ đã già yếu “có khi gốc tử đã vừa người ôm” giờ đây ai sẽ là người thay mình chăm sóc cha mẹ “Quạt nồng ấp lạnh những ai đó giờ”. Đoạn thơ có sử dụng điển tích, điển cố, cùng câu hỏi tu từ cho thấy rõ nỗi nhớ cha mẹ tha thiết trong xót xa không kém nỗi nhớ người yêu. Đó là nỗi nhớ của người con hiếu thuận với cha mẹ.

Kiều nhớ tới chàng Kim trước sau đó nhớ đến cha mẹ. Đó cũng là sự cảm thông hết sức lạ lùng của đại thi hào Nguyễn Du. Tác giả là người hiểu sâu sắc nhất những tâm trạng mà Thúy Kiều đang trải qua. Người con gái có trái tim yêu thương mặn nồng ấy từng “cậy em, em có chịu lời”, từng mong muốn sự đáp đền tình cảm riêng tư của mình với người yêu nhờ vào sự giúp đỡ của em gái thì khi đã lỗi với lời hẹn ước trước kia, trái tim nàng mới đớn đau tột độ. Tâm trạng phụ bạc lấn án nàng cả mười lăm năm lưu lạc. Bởi vậy nhớ người yêu trước là nỗi nhớ được cất lên từ chính sự thấu hiểu của đại thi hào có con mắt thấu suốt ngàn đời.

Nhớ người yêu, nhớ cha mẹ nhưng cuối cùng nàng vẫn quay lại với cảnh ngộ của mình. Sống với tâm trạng và hoàn cảnh hiện tại. Tám câu thơ cuối là bức tranh cảnh vật được khắc họa thông qua điệp từ “buồn trông”. Mỗi cảnh vật qua con mắt , cái nhìn của Kiều đều mang theo những tâm trạng, sự khắc khoải riêng. Nàng mỗi lúc lại chìm sâu trong nỗi buồn của mình. Điệp từ “buồn trông” vang lên dồn dập đẩy nàng Kiều vào tâm thế của con người cô đơn đến bơ vơ, bất định:

Buồn trông của bể chiều hôm
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa
…………………………………………
Ầm ầm tiếng song kêu quanh ghế ngồi

Những câu thơ miêu tả tâm trạng bất ổn, buồn chán, ,lo lắng thoát ra từ thiên nhiên ấy được kết thúc bằng tiếng “ầm ầm” của sóng  như báo trước cơn tai biến sẽ đổ sập xuống đầu Kiều.

Kết bài: Cảm nhận về tâm trạng nhân vật Thúy Kiều trong đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích

Với quan niệm thẩm mĩ truyền thống, lấy cảnh vật làm nền cho con người, Nguyễn Du mở đầu  đoạn trích  bằng không gian rộng lớn nhưng cô đơn. Kết thúc bằng nỗi cô đơn vô vọng đã đẩy lên cao độ trong không gian của sự vắng lặng không một bóng người. Tất cả đẩy Kiều đến nhưng lối rẽ không rõ ràng của vận mệnh.

Anh chị hãy viết bài văn Phân tích Tâm trạng Thúy Kiều khi ở lầu Ngưng Bích trích Truyện Kiều của Nguyễn Du – Mẫu số 2

Nhắc tới nền văn học Việt Nam chúng ta không thể không nhắc tới tác phẩm Truyện Kiều. Đây là một trong những tác phẩm có giá trị văn hóa lớn nhất , mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, triết lí của nó còn áp dụng cho tới bây giờ. Và đi cùng với nó, chúng ta cũng không thể không nhắc tới tác giả Nguyễn Du- cha đẻ của Truyện Kiều. Ông đã mang tới cho nền văn hóa nước  ta một kho tàng văn hóa mà hiếm ai có thể so sánh được. Trong toàn tác phẩm Truyện Kiều thì có lẽ đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích là một trong những đoạn thơ thể hiện một cách đầy đủ nghệ thuật tả cảnh tài năng của đại thi hào Nguyễn Du.

“ Buồn trông cửa bể chiều hôm
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa”

Mở đầu trích đoạn khi Kiều đang bị nhốt trong lầu Ngưng Bích là khung cảnh như đang hiện ra trước mắt chúng ta: xa xa từng cánh buồm trắng đang lướt trên mặt nước trong buổi chiều tà đẹp mà thê lương. Kiều đưa mắt nhìn phía xa, trong lòng nàng giờ đây toàn bộ đều là đau khổ, thậm chí là cả nỗi tuyệt vọng của thân phận một người con gái vốn sinh ra trong khuê các nhưng lại phải chịu kiếp sống trong lầu xanh, bị giam hãm cả về thể xác và tâm hồn. Nàng chỉ có thể đưa ánh mặt “ buồn trông” nhìn cảnh vật phía xa kia. Có lẽ trong tận sâu thẳm nơi trái tim, nàng khao khát được như cánh buồm trắng kia được tự do tự tại giữa dòng đời đầy ngang trái này.

“ Buồn trông ngọn nước mới xa
Hoa trôi man mác biết là về đâu?”

Thân phận của người con gái vốn như cánh hoa, như giọt nước nhỏ bé giữa cuộc đời

“ Thân em như hạt mưa sa
Hạt vào đài các hạt ra ruộng cày”

Nay, Kiều cũng như cánh hoa nhỏ bé, yếu ớt giữa dòng nước đang trôi kia. Nàng xót xa mà cũng lo lắng, suy nghĩ xem liệu số phận hoa nhỏ sẽ trôi về đâu, cũng như nàng sẽ bị dòng đời xô đẩy về nơi nào. Câu hỏi tu từ “ Hoa trôi man mác biết là về đâu?” như lời tự vấn trong lòng nàng mà chẳng thể có lời giải đáp. Thế mới biết, đáng thương thay cho số phận của những người con gái tài sắc vẹn toàn mà vẫn không thể tự làm chủ được cuộc đời của chính bản thân mình.

“Buồn trông nội cỏ rầu rầu
Chân mây mặt đất một màu xanh xanh”

Chỉ với hai câu thơ nhưng tác giả lại sử dụng tới hai từ láy “rầu rầu” và “xanh xanh” . Điều đó làm cho nhịp thơ như trầm lắng hẳn xuống, như chậm lại, như đang suy ngẫm, đang đượm mình vào tâm trạng của cô gái xinh đẹp đang bị giam lỏng mà không thể tìm ra lối thoát cho chính mình. Nàng  nhìn về phía bãi cỏ, nhìn về phía chân trời rồi lại nhìn xung quanh mình. Nàng nhận ra quanh nàng chỉ toàn là màu xanh  như dội vào nỗi lòng của nàng. Nàng không thể tìm được ở đâu một tia hi vọng, một màu sắc tươi vui dù chỉ là ánh nhỏ. Nhịp thơ lục bát lại càng như thấm vào lòng người, làm cho người đọc cũng như cảm nhận được ngay trước mắt khung cảnh trước mắt Kiều: khắp mọi nơi quanh nàng chỉ toàn là một màu xanh thăm thẳm, xanh lục của bãi với màu thiên thanh của bầu trời trải dài tới xa tít tắp rồi như thể chúng được gặp nhau tại đường chân trời phía xa kia. Mà màu xanh ở đây đã không còn là màu xanh của cỏ non mơn mởn nàng từng được ngắm nhìn trong tiết thanh minh “cỏ non xanh rợn chân trời” nữa, giờ đây quanh nàng, màu xanh mà nàng nhìn thấy là màu xanh “ rầu rầu” – là màu của sự héo úa, lụi tàn, không còn sức sống nữa. Nhìn thấy bãi cỏ trải rộng trước mắt, có lẽ Kiều cũng đang đắm chìm suy nghĩ của mình trong sự đau khổ, tuyệt vọng. Nàng lo lắng mình cũng sẽ như ngọn cỏ kia rồi cũng tới lúc héo tàn vì thiếu đi sự tự do, thiếu đi sự thương yêu và quan tâm đúng nghĩa mà đáng lẽ ra một người con gái như nàng phải được hưởng.

“ Buồn trông gió cuốn mặt duềnh
Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi”

Giờ đây, nàng không chỉ cảm nhận mọi thứ xung quanh mình bằng đôi mắt nữa mà còn sử dụng đôi tai để lắng nghe. Nàng như trông thấy từng làn gió cuốn trôi một cách vội vàng, cuốn đi tất cả sự bình yên và tĩnh lặng trước đó đã có. Cũng bởi vì vậy mà mặt nước như nổi sóng, chúng cuộn lên nhau rồi xô vào bờ  một cách mạnh mẽ. Không còn hình ảnh những cánh buồm trắng nhẹ trôi, không còn đóa hoa nhỏ bé nhẹ trôi giữa dòng nước. Giờ đây, mọi thứ như nổi sóng, chúng tạo thành những âm thanh đáng sợ “ầm ầm” như vang vọng mạnh mẽ vào trái tim của mỗi người. Cũng có thể tiếng “âm ầm” ấy chính là tiếng lòng của Kiều hiện tại, nàng đã không thể giữ bình tĩnh được nữa, nàng sợ hãi vì tương lai của mình, nàng không biết phải làm gì tiếp theo, đầu hang hiện thực hay cố gắng phản kháng như tính cách dịu dàng mà mạnh mẽ của nàng.

Đoạn thơ tác giả đã sử dụng liên tiếp tới bốn từ”buồn trông” như ghim sâu vào trái tim người đọc tâm sự, nỗi lòng của Kiều. Chúng lặp đi lặp lại như nói lên sự sợ hãi, lo lắng của nàng về cuộc đời này sẽ không biết tiếp tục như thế nào. Các từ láy “thấp thoáng”, “man mác”, “rầu rầu”, “ầm ầm”  với mức độ ngày càng tăng lên với mức độ cao hơn. Không những vậy, đoạn thơ là sự miêu tả cảnh vật từ xa tới gần, miêu tả không chỉ ngoại cảnh mà còn ngụ ý tới nỗi lòng của người con gái phía sau cánh cửa đã bị khóa đi cả tuổi thanh xuân và sự tự do của nàng.

Tóm lại, đoạn thơ “ Kiều ở lầu Ngưng Bích” là một bức tranh đa dạng và phong phú không chì miêu tả cảnh vật mà còn ánh lên một cách sâu sắc sự sợ hãi và cả đau khổ của Kiều giữa phong ba, bão táp trong cuộc đời. Các từ láy theo mức độ tăng dần cũng như dự báo trước số phận của Kiều rồi đây sẽ phải chịu long đong, lận đận. Qua đây ta cũng có thể thấy sự tiếc thương, cảm thông sâu sắc của tác giả với nỗi đau của Thúy Kiều.