Phân tích Tính dân tộc trong tác phẩm văn học – Văn lớp 12

Đề bài: Phân tích Tính dân tộc trong tác phẩm văn học – Văn lớp 12.

Văn học không chỉ có tính nhân dân mà còn phải có tính dân tộc. Giống như tính nhân dân, tính dân tộc cũng là một yếu tố quan trọng quyết định đến giá trị của tác phẩm. Nó không những khẳng định giá trị của tác phẩm mà nó còn làm nên sức sống trường tồn của tác phẩm đó.

Tính dân tộc cũng là một khái niệm mang tính lịch sử cao, một tác phẩm văn học có tính dân tộc là một tác phẩm phản ánh được những phạm vi đời sống trong một giai đoạn lịch sử nhất định của đất nước. Trước hết là người sáng tác, một người nghệ sĩ khi sáng tác sẽ bị chi phối bởi những tư tưởng và văn hóa của dân tộc mình. Một nhà văn người Anh sẽ sáng tác khác một nhà văn người Việt.

Hệ thống tư tưởng và văn hóa đã thấm nhuần trong người nghệ sĩ. Họ sáng tác thuận theo những giá trị tư tưởng đó. Ví dụ như các nhà văn nhà thơ của chúng ta sáng tác các tác phẩm thể hiện những đức tính tốt đẹp của dân tộc mình, thể hiện những tình cảm thương mến hay những giai đoạn lịch sử khó khăn mà dân tộc trải qua thì đó chính là tính dân tộc. Tiêu biểu trong nền văn học Việt Nam, các tác phẩm mang tính dân tộc phải kể đến Hồ Chí Minh và Tố Hữu. Đây là hai nhà thơ có những tác phẩm mang tính dân tộc nhiều nhất. Tính dân tộc được thể hiện rõ qua những giá trị văn hóa mà tác phẩm đó thể hiện được. Các giá trị văn hóa đó là của dân tộc.

Tính dân tộc được phản ánh qua cả nội dung và nghệ thuật của tác phẩm. Những hiện thực đời sống khách quan của dân tộc sẽ được phản ánh một cách trực tiếp hoặc gián tiếp qua tác phẩm. Ví dụ tác phẩm Những đứa con trong gia đình của Nguyễn Thi hay Rừng xà nu của nguyễn Thành Trung. Cả hai tác phẩm này đều mang tính dân tộc vì nó thể hiện được ước nguyện của dân tộc, thể hiện được một thời kì dân tộc ta phải sống trong cảnh khó khăn, nô lệ, bị bọn giặc ngoại xâm chém giết và bóc lột sức lao động thậm tệ. Đồng thời nó cũng thể hiện được tinh thần yêu nước căm thù giặc của nhân dân ta. Những người con chưa đủ mười tám mười chín tuổi nhưng vì muốn trả thù cho ba mẹ và đất nước và quyết tâm đăng kí tòng quân để lên đường diệt giặc. Hay người anh hùng dân tộc dù đã bị đốt cụt mười đầu ngón tay nhưng với ý chí không chịu khuất phục, mười ngón tay cụt ấy vẫn có thể cầm súng để giết chết tên giặc đã làm hại vợ con mình. Không chỉ ở nội dung mà tính dân tộc còn thể hiện ở nghệ thuật. Thơ Tố Hữu là thơ giàu tính dân tộc.

Nhà thơ sử dụng thể thơ lục bát của dân tộc để viết lên bài Việt Bắc với tất cả tình yêu thương gắn kết. Không những thế, bài thơ còn sử dụng cấu trúc mình – ta trong ca dao tục ngữ. Đây là cả một sự kế thừa và phát huy đầy khéo léo sáng tạo trong thơ ca Tố Hữu.

Như vậy có thể thấy, tính dân tộc được thể hiện từ nội dung cho đến nghệ thuật, từ phạm vi đời sống cho đến cách thức biểu hiện. Tránh nhầm lẫn giữa tính dân tộc và tính nhân dân. Tuy nhiên, tính dân tộc lại có mối quan hệ mật thiết tác động qua lại với tính nhân dân.

Phân tích sự Sáng tạo trong văn học – Văn lớp 12.