Đề bài: Em hãy viết một đoạn văn phân tích văn bản Hoàng Lê nhất thống chí của Ngô Gia Văn Phái.
Hoàng Lê nhất thống chí là cuốn tiểu thuyết chương hồi ghi lại những sự kiện lịch sử quan trọng của xã hội phong kiến Việt Nam ba mươi năm cuối của thế kỉ XVIII, nửa đầu thế kỉ XIX. Các tác giả Ngô Gia Văn Phái không chỉ ghi lại những sự kiện lịch sử tiêu biểu mà còn dựng lên được bức chân dung về người anh hùng dân tộc Quang Trung Nguyễn Huệ. Hình tượng này được thể hiện một cách sắc nét thông qua hồi mười bốn của tác phẩm.
Ngô Gia Văn Phái đã tái hiện và điển hình hóa nhân vật lịch sử Quang Trung Nguyễn Huệ thành một biểu tượng anh hùng, có công lao lớn đối với đất nước. Trước hết, Nguyễn Huệ hiện lên là một con người mạnh mẽ, quyết đoán, xông xáo, nhanh gọn có chủ đích. Ngay khi nghe tin quân Thanh tấn công vào miền Bắc của nước ta, Nguyễn Huệ đã nhận định được mối nguy hại của quân thanh và sự cấp thiết của việc đánh đuổi nên ông đã quyết định lên ngôi hoàng đế và thân chinh dẫn quân ra Bắc.
Quang Trung Nguyễn Huệ là một vị tướng tài ba, có tài thao lược, ông đích thân đốc thúc đại quân, trực tiếp lãnh đạo cuộc tấn công ra Bắc. không chỉ vậy,Nguyễn Huệ còn là một người biết trọng dụng hiền tài. Trước quyết định tấn công ra Bắc, ông đã cho mời vào dinh La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp, một người nổi tiếng học rộng tài cao lúc bấy giờ. Hành động này của Quang Trung cho ta thấy ông là một vị minh quân sáng suốt, mặc dù nắm trong tay quyền quyết định nhưng ông vẫn đặt việc trọng đại của đất nước lên trên hết.
Lời khẳng định của La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp cũng đã thể hiện được sự sáng suốt cũng như khả năng chiến thắng của toàn quân: “…Bây giờ trong nước trống không, lòng người tann rã. Quân Thanh ở xa tới đây, không biết tình hình quân ta yếu hay mạnh, không hiểu rõ thế nên đánh hay nên giữ ra sao. Chúa công ra đi chuyến này, không quá mười ngày, quân thanh sẽ bị dẹp tan”.
Xuất thân từ nhà tướng, Nguyễn Huệ vô cùng linh hoạt trong việc tổ chức binh lính, từ việc chiêu mộ quân, mở những cuộc duyệt binh lớn ở các doanh trấn, bố chí quân đội thành bốn doanh chính: tiền, hậu,tả, hữu còn những binh lính mới chiêu mộ thì làm trung quân. Qua việc tổ chức quân ta có thể thấy Quang Trung Nguyễn Huệ là một vị tướng tài ba, bố trí binh lính quy củ, có tổ chức, đây cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng đưa đến thắng lợi vang dội trước hai mươi vạn quân Thanh.
Trước cuộc hành quân, để động viên tinh thần chiến đấu của binh lính, Nguyễn Huệ đã đưa ra chỉ dụ trước toàn binh lính, ông nói về âm mưu cùng thủ đoạn thâm độc của quân nhà Thanh,nêu ra những tấm gương chống giặc lừng lẫy trong lịch sử từ đó đưa ra lời động viên, dăn đe những binh lính chưa có tinh thần, ý chí đánh giặc: “…Từ đời nhà Hán đến nay, chúng đã mấy phen cướp bóc nước ta, giết hại nhân dân, vơ vét của cải, người mình không thể chịu nổi, ai cũng muốn đuổi chúng đi…Các người đều là những kẻ có lương tri, lương năng, hãy nên cùng ta đồng tâm hiệp lực, để dựng lên công lớn. Chớ có quen thói cũ, ăn ở hai lòng, nếu như ta phát giác ra, sẽ bị giết chết ngay tức khắc, không tha một ai, chớ bảo ta không nói trước”.
Mưu lược hơn người của Quang Trung Nguyễn Huệ còn thể hiện ở cuộc tiến công thần tốc ra Bắc cùng chiến thuật tinh vi trong cuộc tấn công quân Thanh ở Ngọc Hồi. Trong cuộc chiến, vua Quang Trung đã cho người lấy sáu chục tấm ván, cứ ghép liền ba tấm làm một bức, bên ngoài lấy rơm dấp nước phủ kín, tất cả là hai mươi bức. Cuộc chiến diễn ra ác liệt, quân Thanh quá hoảng loạn trước sự xuất hiện bất ngờ cùng sức mạnh của quân ta mà dẫm đạp lên nhau chạy về nước, đại quân toàn thắng.
Không chỉ xây dựng hình ảnh người anh hùng áo vải Quang Trung Nguyễn Huệ mà các tác giả nhà Ngô Gia Văn Phái còn tái hiện lại sinh động tình cảnh thảm hại,nhục nhã của lũ cướp nước Tôn Sĩ Nghị và vua tôi Lê Chiêu Thống. Chúng vẫn luôn chủ quan về sự hùng mạnh của đội quân mình mà không ngờ được sức công phá khủng khiếp của quân ta, thất bại ở Ngọc Hồi khiến chúng sợ hãi mà chạy về nước, vua tôi Lê Chiêu Thống để bảo toàn tính mạng cũng chạy theo thuyền cá về phía Bắc lẩn trốn.
Tác phẩm Hoàng Lê nhất thống chí, đặc biệt là hồi mười bốn Đánh Ngọc Hồi, quân thanh thua trận, bỏ Thăng Long, Chiêu Thống trốn ra ngoài, tác giả Ngô Gia Văn Phái đã dựng lên được không khí ác liệt mà không kém phần hào hùng của dân tộc ta trong một giai đoạn lịch sử đặc biệt, cùng với đó là sự ca ngợi chiến thắng của vua Quang Trung.
Tham khảo thêm những bài văn mẫu hay liên quan:
Phân tích Hồi thứ mười bốn trong tác phẩm Hoàng Lê nhất thống chí của Ngô Gia Văn Phái
Leave a Reply