Đề bài: Phân tích Văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực – Văn lớp 12.
Trước đây, đã từng có người nhận định rằng “Văn chương là bách khoa toàn thư”. Có thể nói vai trò và giá trị của văn chương đối với đời sống cá nhân và cộng đồng vô cùng lớn. Văn chương không chỉ nuôi dưỡng tâm hồn con người mà nó còn là “một thứ khí giới thanh cao và đắc lực”.
Như chúng ta đã biết văn chương có ba giá trị chính là giá trị nhận thức, giá trị thẩm mỹ và giá trị giáo dục. Nghĩa là nó hướng con người đến gần hơn với ba giá trị tiêu chuẩn Chân – Thiện – Mỹ. Mỗi tác phẩm văn chương đều có những bài học cuộc sống nhất định. Thế nào là “khí giới thanh cao và đắc lực”?. Tại sao lại ví văn chương giống như một thứ khí giới?. Có thể thấy mỗi tác phẩm đều có tính giáo huấn dạy dỗ con người, nó không nghiêm khắc như những hiến pháp, luật định. Nó không bắt buộc con người ta phải làm như thế này và không được làm như thế kia mà nó đi từ những rung cảm trái tim con người, đánh thức con người, giúp con người nhận thức và tự rút ra bài học. Đó chính là sự thanh cao và đắc lực của văn chương.
Văn học không đè con người ra để nhét vào đó những triết lí về nhân sinh đạo đức mà con người thông qua việc tiếp nhận tác phẩm, đọc câu chuyện cuộc đời của người khác mà ngẫm tới cuộc đời của chính mình. Hơn nữa tình cảm bao giờ cũng khiến cho việc trở nên dễ dàng hơn. Ví dụ khi ta đọc truyện ngắn Hai đứa trẻ của Thạch Lam, ta hiểu và cảm câu chuyện của hai đứa trẻ và những con người nơi phố huyện nghèo, ta thương những đứa trẻ nghèo lom khom nhặt rác, thương chị Tí, bà Thi điên…Và rồi từ đó ta tiếp thu được tình cảm thương yêu con người, đồng cảm với những số phận không may mắn và học từ họ đức tính hướng tới một tương lai tươi sáng hơn dù cuộc sống hiện tại có đen tối thế nào. Nhà văn Thạch Lam đâu có giảng thuyết cho ta nghe mà câu chuyện thật để qua đó ta tự rút ra bài học.
Trên thực tế văn chương không chỉ là khí giới thanh cao và đắc lực trong việc giáo dục dạy dỗ con người mà văn chương còn phục vụ đắc lực cho chính trị mà cụ thể là cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm của nhân dân ta. Thời trung đại có Nguyễn Trãi với Bình ngô đại cáo tác giả dùng văn chương để báo tin thắng trận cho toàn dân thiên hạ được biết, vạch rõ âm mưu của quân xâm lược, kể tên những tội ác mà chúng đã làm với nhân dân và cuối cùng khẳng định chủ quyền. Không chỉ thế, kể cả đến những bậc vua chúa cũng dùng văn chương để cầu hiền tài. Bằng ngòi bút sắc sảo bài chiếu chạm đến trái tim yêu nước của những người hiền tài. Hay sau này tiêu biểu có Hồ Chí Minh, dùng văn chương để kêu gọi toàn dân kháng chiến, dùng văn chương để nêu cao ý chí quyết tâm giành độc lập của toàn dân tộc. Không chỉ vậy, Hồ Chí Minh với những tác phẩm của mình còn giáng những đòn tâm lý đến kẻ thù khiến cho chúng phải nể sợ. Trong hàng loạt các sáng tác văn chương chính trị của Hồ Chí Minh, tác phẩm Tuyên ngôn độc lập là một tác phẩm tiêu biểu cho việc sử dụng văn chương để chiến đấu. Trong quan điểm sáng tác của mình Hồ Chí Minh từng khuyên những anh chị em nghệ sĩ rằng “Văn chương nghệ thuật cũng là một mặt trận và anh chị em là nghệ sĩ trên mặt trận ấy”.
Bên cạnh đó, văn chương còn là thứ khí giới thanh cao và đắc lực trong việc truyền cảm hứng sử thi yêu nước, làm dấy lên tấm lòng yêu nước và căm thù giặc của toàn dân Việt. Qua những tác phẩm viết về đề tài chiến tranh bạn đọc có thể noi gương và làm theo những tấm gương anh hùng dân tộc. Qua truyện ngắn Rừng Xà Nu của Nguyễn thành Trung ta có thể noi gương theo người anh hùng Tnu và những người dân làng Xô Man. Trước ngòi súng của địch, họ ánh lên đôi mắt căm hờn và dù có bị chặt đầu thì vẫn một lòng hướng về Đảng về nước. Hay hai chị trong truyện ngắn những đứa con trong gia đình của Nguyễn Thi tranh nhau đi lính để báo thù cho cha mẹ.
Đặc biệt văn chương còn giúp ta thấy rõ được bộ mặt của xã hội, của những thế lực tàn ác muốn cướp đi sự tự do của người khác. Chứng kiến nạn đói năm 1945 qua truyện ngắn Vợ Nhặt ta càng thêm căm phẫn trước những gì thực dân Pháp và Nhật gây ra cho nhân dân ta. Trước cái chết đầy bi thương của chàng Chí ta căm ghét cái xã hội phong kiến thực dân đẩy con người lương thiện trở thành tha hóa, thành một con quỷ dữ và để rồi chặn đứng con người quay trở lại của họ, đẩy họ tới bước đường cùng.
Như vậy có thể thấy văn chương là tất cả những gì của cuộc sống, tình cảm con người. Qua văn chương người ta có thể học được những bài học cuộc sống đắt giá. Cũng nhờ có văn chương mà ta có thể hiểu và cảm những thời kì giai đoạn khó khăn của đất nước. Văn chương không chỉ cảm hóa được con người, thay đổi nhận thức của họ mà văn chương còn được dùng để chiến thắng kẻ thù.
Leave a Reply