Phân tích ý nghĩa của bản “ Tuyên ngôn độc lập”

Phân tích ý nghĩa của bản “ Tuyên ngôn độc lập”

Bài làm:

Với hàng triệu người Việt Nam thì ngày 2 / 9 / 1945 mãi mãi là một dấu ấn không thể phai trong suốt cuộc đời mình. Đó là ngày chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa.  Ngắn gọn súc tích trong 1000 chữ nhưng bản Tuyên ngôn của Bác đã mang những ý nghĩa lịch sử, văn hóa, nghệ thuật sâu sắc.

Trước hết khi nói đến bản Tuyên ngôn độc lập chúng ta phải nhớ đến ý nghĩa lịch sử của bản Tuyên ngôn độc lập. Bất cứ dân tộc nào sau một khoảng thời gian dài chiến đấu giành độc lập dân tộc thì đều viết nên một bản tuyên ngôn của riêng mình. Đó là lời của hồn thiêng sông núi, là những lời nói mở ra một kỷ nguyên mới. Trong 4000 năm lịch sử dân tộc Việt Nam có 3 bản tuyên ngôn đó là :  Nam Quốc Sơn Hà, Bình Ngô Đại Cáo và Tuyên ngôn độc lập. Có thể nói đây đều  là những áng “ thiên cổ hùng văn” .

Đối với lịch sử dân tộc thì Bản tuyên ngôn độc lập của Hồ Chủ Tịch đã giúp dân tộc bước sang 1 trang mới trong lịch sử dân tộc: Kỷ nguyên độc lập tự do, tự chủ, tự quyết, xóa bỏ được chế độ phong kiến mấy mươi thế kỷ, đạp đổ ách đô hộ hơn 80 năm của Thực dân Pháp xây dựng nên Nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa.

Đây cũng là tiếng nói của dân tộc Việt Nam muốn khẳng định cùng  bạn bè năm châu bốn bể  về khát vọng tự do, ý chí mạnh mẽ sẵn sàng chiến đấu bảo vệ nền độc lập tự do ấy.

Bản tuyên ngôn độc lập của Hồ Chủ Tịch cũng thay mặt đồng bào cả nước tuyên bố với thế giới rằng Việt Nam là một rằng Việt Nam là một quốc gia độc lập, có chủ quyền và bất cứ ai cũng không có quyền xâm phạm.

Có thể nói rằng ý nghĩa lịch sử của bản Tuyên ngôn độc lập đã vượt xa hai bản tuyên ngôn trước là: Nam quốc sơn hà – Lí Thường Kiệt, Bình Ngô Đại Cáo – Nguyễn Trãi. Đưa lý tưởng, tinh thần yêu nước, giữ nước của dân tộc lên một tầm vóc mới sánh ngang cùng các cường quốc như Mỹ, Pháp.

Mặc dù chưa đến một ngàn chữ nhưng bản tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh đã nếu lên được những chân lý về nhân quyền, dân quyền làm rung động cả thế giới.

Ở phần đầu Bác sử dụng hai bản tuyên ngôn của hai cường quốc lớn trên thế giới để làm cơ sở Pháp lý cho bản Tuyên ngôn của nước Việt Nam. : “Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền được mưu cầu hạnh phúc” (Tuyên ngôn độc lập của nước Mĩ, 1776), “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi và phải luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi” (Tuyên ngôn Nhân quyền và dân quyền của Cách mạng Pháp, 1791)

Bằng việc dẫn chứng hai bản tuyên ngôn này Bác thể hiện sự trân trọng những gì mà tổ tiên người Mỹ và Pháp đã làm được. Cũng từ đây Bác đã đặt 3 bản tuyên ngôn, 3 cuộc cách mạng, 3 nền độc lập ở ngang bằng nhau. Từ đó bác khẳng định được quyền thiêng liêng của mỗi con người được Bác nâng lên một bậc nữa “suy rộng ra, câu ấy có nghĩa là “ Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”.

Đây có thể nói là một đóng góp lớn cho lịch sử dân tộc Việt Nam nói riêng mà còn là một đóng góp lớn cho lịch sử loài người nói chung. Không có dân tộc nào đáng phải làm nô lệ, không có dân tộc nào phải chịu đàn áp bóc lột mọi người sinh ra không kể màu da sắc tộc đều bình đẳng như nhau.

Bản tuyên ngôn còn là một văn bản vạch rõ được những tội ác xấu xa nhất của đế quốc thực dân Pháp. Mang tiếng là “ khai hóa Đông Dương”  nhưng thực chất là những chiêu trò bóc lột nhân dân các nước thuộc địa.

Thế mà hơn 80 năm nay, bọn thực dân Pháp lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái, đến cướp nước ta, áp bức đồng bào ta. Hành động của chúng trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa

Về chính trị, chúng tuyệt đối không cho nhân dân ta một chút tự do dân chủ nào. Chúng thi hành những luật pháp dã man. Chúng lập ba chế độ khác nhau ở Trung, Nam, Bắc để ngăn cản việc thống nhất nước nhà của ta, để ngăn cản dân tộc ta đoàn kết.

Chúng lập ra nhà tù nhiều hơn trường học. Chúng thẳng tay chém giết những người yêu nước thương nòi của ta. Chúng tắm các cuộc khởi nghĩa của ta trong những bể máu. Chúng ràng buộc dư luận, thi hành chính sách ngu dân. Chúng dùng thuốc phiện, rượu cồn để làm cho nòi giống ta suy nhược.

 Về kinh tế, chúng bóc lột dân ta đến xương tủy, khiến cho dân ta nghèo nàn, thiếu thốn, nước ta xơ xác, tiêu điều. Chúng cướp không ruộng đất, hầm mỏ, nguyên liệu. Chúng giữ độc quyền in giấy bạc, xuất cảng và nhập cảng. Chúng đặt ra hàng trăm thứ thuế vô lý, làm cho dân ta, nhất là dân cày và dân buôn trở nên bần cùng. Chúng không cho các nhà tư sản ta ngóc đầu lên. Chúng bóc lột công nhân ta một cách vô cùng tàn nhẫn.

Bác muốn cho cả thế giới thấy bộ mặt thật của đế quốc thực dân Pháp. Đồng thời nêu lên tinh thần nhân đạo, yêu nước của dân tộc ta. Chúng ta chắc chắn sẽ bảo vệ nền độc lập này.

Cuối cùng Bác trịnh trọng tuyên bố với toàn thể thế giới rằng  “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do độc lập và thực sự đã trở thành một nước tự do độc lập”.

Với lời lẽ sắc bén, bố cục chặt chẽ lập luận hùng hồn đã mang đến những giá trị to lớn về mặt văn học nghệ thuật. Bác sử dụng các câu văn ngắn nhưng để thể hiện sự mạnh mẽ , cũng ý nghĩa phong phú trong văn bản ““Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị”.  Chín từ đơn giản mà ý nghĩa sâu sắc, chỉ một câu thôi Bác đã nói lên thời cuộc hỗn loạn lúc bấy giờ của nước Việt .

Kết hợp với đó là các biện pháp tu từ , điệp từ, điệp ngữ… một trong số điệp từ Bác sử dụng thành công nhất chính là “ sự thật”. Với điệp từ này Bác nhấn mạnh tính chân thực của văn bản, vạch rõ tội ác của thực dân Pháp sau cái gọi là “bảo hộ Đông Dương”, “khai hóa văn minh”.

Cùng với đó là điệp từ này còn giúp khẳng định ý chí quyết tâm dành, giữ vững nền độc lập tự do của nhân dân Việt Nam. Ngoài ra, Bác còn thành công trong việc sử dụng phép liệt kê để vạch ra những tội ác của kẻ thù đã mang đến cho đất nước, con người Việt Nam.

Để  khẳng định đã thể hiện cao độ tinh thần độc lập tự chủ của cả dân tộc Việt Nam đã bước lên một tầm cao mới bác đã dùng nghệ thuật tăng cấp :  “…tuyên bố thoát li hẳn quan hệ với thực dân Pháp, xóa bỏ hết những hiệp ước mà Pháp đã kí về nước Việt Nam, xóa bỏ tất củ mọi đặc quyền của Pháp trên đất nước Việt Nam”.

Tất cả những điều này đã cho ta thấy những giá trị văn chương , giá trị lịch sử vô cùng to lớn của bản Tuyên ngôn độc lập.

Bản Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chủ Tịch là kết quả của máu, nước mắt của những người cha, người mẹ , người con…ở trên chiến trường, ở trong lao tù, trại tập. Là lời của hồn thiêng sông núi, của hơn hai mươi triệu đồng bào cũng góp sức vì vậy nó chứa đựng những  ý nghĩa vô cùng to lớn đối với dân tộc Việt Nam nói riêng và lịch sử thế giới nói chung. Là con cháu chúng ta có nghĩa vụ trách nhiệm gìn giữ nền độc lập tự do ấy, xây dựng đất nước Việt Nam to đẹp hơn sánh vai cùng các cường quốc năm châu.