Đề bài: Phát biểu cảm nghĩ về bài ca dao:
Người ta đi cấy lấy công…
Trời yên bể lặng mới yên tấm lòng
Từ thưở nằm nôi mỗi người Việt chúng ta đều được nghe những lời ru ngọt ngào và đầy ý nghĩa của bà của mẹ. Những lời ru ấy là những bài ca dao không chỉ có ý nghĩa mà nó còn là chứa cái hồn, cái hơi thở Việt Nam. Bài ca dao: “Người ta đi cấy lấy công/…/Trời yên bể lặng mới yên tấm lòng” là một bài ca dao điển hình như thế.
Bằng những câu lục bát vần luật nhân dân ta đã mang đến một bài ca dao không những giàu nhạc điệu mà còn giàu ý nghĩa:
Người ta đi cấy lấy công
Tôi nay đi cấy còn trông nhiều bề
Hai câu ca dao đầu xuất hiện 2 chủ thể đối nghịch là ” người ta” và ” tôi” vậy nhân vật “người ta” ở đây là ai còn “tôi” là ai? Cấy lấy công tức là cấy cho xong , cấy cho có cấy chứ không cần quan tâm lo lắng điều gì. Do đó “người ta” ở đây có thể là tầng lớp bần nông, những người làm thuê, cũng có thể là những người nông dân với tri thức và hiểu biết hạn hẹp của mình, họ chỉ biết làm làm, chỉ biết bán mặt cho đất , bán lưng cho trời chứ không hề phân tích những yếu tố ảnh hưởng đến công việc trồng cấy. ” Tôi nay đi cấy còn trông nhiều bề” câu ca dao nói lên nỗi lòng lo lắng của nhân vật tôi, người phải lo lắng như vậy ắt phải là người với vị thế làm chủ. Có lẽ nhân vật “tôi” là người thuộc tầng lớp trung nông, chịu thương chịu kho biết lo toan mọi bề “trông nhiều bề”. Vậy đó là những bề gì?
Trông trời trông đất trông mây
Trông mưa trông nắng trông ngày trông đêm
Điệp từ “trông” kết hợp với những hình ảnh thiên như “trời, đất, mây, mưa, nắng” thể hiện mối quan tâm rất lớn, theo dõi rất chặt chẽ mọi dấu hiệu của tự nhiên và thời tiết để kịp thời chủ động chống hạn, chống úng. Điệp từ “trông” kết hợp với “ngày, đêm” lại mang ý nghĩa khác, nó thể hiện sự phấp phỏng lo lắng, đợi chờ. Có thể thấy nhân vật “tôi” ở đây đã phải quan sát rất tỉ mỉ và dành rất nhiều tâm huyết để có được thành quả là những bông lúa nặng hạt.
Trông cho chân cứng đá mềm
Trời yên bể lặng mới yên tấm lòng
“Chân cứng đá mềm” là hình ảnh để đại diện cho sức khỏe. Trước tiên là cầu mong cho có sức khỏe, sự dẻo dai. Sau là cầu cho “trời yên bể lặng” đó là mong ước cho mưa thuận gió hòa để được mùa màng bội thu.
Bài thơ đã mở ra bằng cách so sánh giữa việc “người ta” và “tôi” đi cấy để rồi kết lại bằng “yên tấm lòng”. Nó thể hiện nỗi lo toan, vất vả của người nông dân để có được những bát gạo thơm ngon. Do đó mỗi khi bưng bát cơm dẻo thơm khó có thể quên công ơn của những người trồng cấy ra nó.