Đề bài:Em hãy viết đoạn văn trình bày cảm nhận của em về bài thơ Lượm của tác giả Tố Hữu
Bài thơ Lượm được tác giả Tố Hữu sáng tác năm 1949, đây là thời điểm cuộc kháng chiến chống Mĩ của dân tộc diễn ra vô cùng cam go, khốc liệt. Trong không khí cả dân tộc tham gia kháng chiến ấy thì không chỉ có những trai tráng khỏe mạnh xung phong chiến đấu mà ngay cả những người phụ nữ, người già cũng đều tham gia hoạt động cách mạng. Điều đặc biệt hơn nữa là trong giai đoạn này xuất hiện một hình tượng người anh hùng mới, đó là những người lính liên lạc mà đảm nhận nhiệm vụ này lại là những cậu bé mới mười bốn, mười lăm tuổi. Tác giả Tố Hữu đã tái hiện chân thực và sinh động hình ảnh cậu bé liên lạc trong tác phẩm Lượm của mình.
Mở đầu bài thơ, tác giả Tố Hữu đã mở ra một khung cảnh đầy khốc liệt,cam go của chiến tranh. Đó chính là cuộc tấn công khủng bố cách mạng của thực dân Pháp vào Huế- một trong ba trung tâm cách mạng lớn của nước ta lúc bấy giờ. Tình hình chiến sự có sự thay đổi nên tác giả đã từ Huế về Hà Nội để thực hiện những nhiệm vụ mới, và cũng chính ở đây, Tố Hữu đã gặp Lượm- cậu bé làm nhiệm vụ liên lạc, đưa những nhiệm vụ khẩn cho các đơn vị kháng chiến:
“Ngày Huế đổ máu
Chú về Hà Nội
Tình cờ chú cháu
Gặp nhau hàng Bè”
Cuộc gặp gỡ với Lượm là cuộc gặp hoàn toàn bất ngờ, tác giả cũng chỉ rõ địa điểm mà mình gặp Lượm, đó chính là Hàng Bè, tại đây hai chú cháu, hai người đồng chí đã có cuộc gặp mặt đầu tiên. Ở những khổ thơ tiếp theo, tác giả Tố Hữu đã phác họa lại hình ảnh của chú bé Lượm trong cảm nhận của mình. Đó là một cậu bé hồn nhiên, độ tuổi còn rất nhỏ chỉ khoảng mười bốn mười lăm tuổi. Ở cậu bé ấy lúc nào cũng toát lên vẻ hồn nhiên, nhí nhảnh cùng đôi chân thoăn thoắt đầy nhanh nhẹn:
“Chú bé loắt choắt
Cái xắc xinh xinh
Cái chân thoăn thoắt
Cái đầu nghênh nghênh”
Tác giả đã sử dụng từ “loắt choắt” để miêu tả Lượm, từ này vừa gợi ra độ tuổi còn rất trẻ của cậu bé nhưng đồng thời cũng gợi ra dáng vẻ nhỏ bé nhưng lại vô cùng nhanh nhẹn của cậu bé. Đôi chân thoăn thoắt cùng tư thế hiên ngang “cái đầu nghênh nghênh”. Chính những ấn tượng này đã khắc sâu vào trong ấn tượng của Tố Hữu về cậu bé liên lạc. Ở Lượm còn sáng lên sự hồn nhiên, nghịch ngợm với chiếc ca lô đội lệch, khuôn miệng nhỏ huýt sáo, và trong cảm nhận của Tố Hữu thì Lượm như con chim chích tự do bay nhảy trên những cánh đồng vàng:
“Ca lô đội lệch
Mồm huýt sáo vang
Như con chim chích
Nhảy trên đường vàng”
Tuy còn nhỏ tuổi nhưng Lượm hoàn toàn ý thức được tầm quan trọng cũng như những vất vả, hiểm nguy luôn rình rập khi làm công tác liên lạc cho cách mạng. Nhưng cậu bé ấy nhỏ tuổi nhưng không nhỏ lòng, sự dũng cảm kiên cường cùng sự hồn nhiên ở cậu bé Lượm khiến chúng ta cảm động. Đối với Lượm, được làm công tác liên lạc là một việc vô cùng thú vị, công việc mang lại vinh dự cũng như niềm vui. Ở Đồn Mang Cá luôn ẩn hiện sự hiểm nguy nhưng cậu bé lại cảm thấy vui hơn ở nhà:
“Cháu đi liên lạc
Vui lắm chú à
Ở đồn Mang Cá
Thích hơn ở nhà”
Vui vẻ, hồn nhiên, ham chơi như bao cậu bé cùng tuổi khác nhưng Lượm chưa bao giờ quên nhiệm vụ của mình được giao.Nói chuyện với tác giả được một lúc thì cậu bé chủ động nói lời chia tay để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ của mình.Cậu bé cười híp đôi mắt cùng đôi má ửng hồng vẫy tay chào tác giả đầy hài hước, đáng yêu với cách xưng hô “đồng chí”:
“Cháu cười híp mí
Má đỏ bồ quân
Thôi chào đồng chí
Cháu đi xa dần…”
Kể từ đó thì tác giả cũng không còn gặp lại Lượm lần nào nữa, lần cuối nghe tin về Lượm thì đó lại là cuộc chia li đầy sự xót xa. Trong một lần thực hiện công tác liên lạc quan trọng mang tên Thượng khẩn, cậu bé đã không ngại những hiểm nguy mà xông pha vào những cứ điểm nguy hiểm nhất để đưa tin nhanh nhất cho các đơn vị kháng chiến, nhưng lần này đầu đạn vô tình đã làm em gục ngã giữa đồng. Lượm đã ra đi nhưng hình ảnh của cậu bé Lượm vẫn còn đó, hồn nhiên trong sáng gây xúc động lòng người.
Tham khảo thêm bài văn mẫu hay liên quan:
Cảm nghĩ của em về Bức chân dung chú bé liên lạc trong bài thơ Lượm của Tố Hữu qua năm khổ thơ đầu
Leave a Reply