Phong cách ngôn ngữ sinh hoạt là gì? Ví dụ, đặc trưng

Phong cách ngôn ngữ sinh hoạt là gì?
Phong cách ngôn ngữ sinh hoạt là gì?

Phong cách ngôn ngữ sinh hoạt là gì? Trong bài viết này cùng chúng tôi tìm hiểu khái niệm, những đặc trưng của phong cách ngôn ngữ dạng này.

Phong cách ngôn ngữ sinh hoạt là gì?

Ngôn ngữ sinh hoạt đôi khi còn được gọi là khẩu ngữ, ngôn ngữ nói, ngôn ngữ hội thoại) – là lời ăn tiếng nói hàng ngày, dùng để thông tin, trao đổi ý nghĩ, tình cảm,… nhằm đáp ứng nhu cầu trong cuộc sống.

Phong cách ngôn ngữ sinh hoạt là phong cách được dùng trong giao tiếp sinh hoạt hàng ngày, thuộc hoàn cảnh giao tiếp không mang tính nghi thức. Giáo tiếp ở đây thường mang tư cách cá nhân nhằm trao đổi tư tưởng, tình cảm của mình với người thân, bạn bè,…

Ví dụ: Trong đoạn thơ sau, tuy thuộc văn bản nghệ thuật nhưng vẫn có những chi tiết của phong cách ngôn ngữ sinh hoạt như sau:

Chúng tôi đi

Nắng mưa sờn mép ba lô

Tháng năm bạn cùng thôn xóm

Nghỉ lại lưng đèo

Nằm trên dốc nắng

Kì hộ lưng nhau ngang bờ cát trắng,

Quờ chân tìm hơi ấm đêm mưa.

Những chi tiết có xuất hiện phong cách ngôn ngữ sinh hoạt là:

  • Về nội dung: đoạn thơ thuật lại cảnh sinh hoạt gần gũi hằng ngày của một đơn vị bộ đội trong kháng chiến chống Pháp
  • Những hình ảnh, chi tiết trong sự việc rất cụ thể (nắng mưa sờn mép ba lô, nghỉ lại lưng đèo, nằm trên dốc nắng, kì hộ lưng nhau, quờ chân tìm hơi ấm)
  • Có một đoạn hội thoại của những người lính đã dùng những từ xưng hô thân mật như (chúng tôi, bạn).

Tham khảo thêm:

  • Phương thức biểu đạt là gì? có mấy loại
  • Phong cách ngôn ngữ nghệ thuật là gì?
  • Phong cách ngôn ngữ hành chính là gì?
Phong cách ngôn ngữ sinh hoạt là gì?
Phong cách ngôn ngữ sinh hoạt là gì?

3. Các dạng biểu hiện của phong cách ngôn ngữ sinh hoạt

Ngôn ngữ sinh hoạt chủ yếu thể hiện ở dạng nói (độc thoại, đối thoại) và ở dạng viết (nhật kí, hồi ức, thư từ). Trong các tác phẩm văn học có dạng lời nói tái hiện, tức là mô phỏng lời thoại tự nhiên như: Kịch, tuồng, chèo, truyện, tiểu thuyết,…

Khi tái hiện, lời nói tự nhiên được biến đổi phần nào theo thể loại văn bản và ý định chủ quan của người sáng tác. Tuy nhiên, dù ở trường hợp nói hay viết, tái hiện hay sáng tạo thì ngôn ngữ sinh hoạt vẫn là những tiếng nói hàng ngày chưa được gọt giũa.

4. Đặc trưng của phong cách ngôn ngữ sinh hoạt

4.1. Tính cụ thể

Đặc trưng đầu tiên của phong cách ngôn ngữ sinh hoạt là tính cụ thể. Đó là sự cụ thể về hoàn cảnh, về con người và về cách nói năng, từ ngữ diễn đạt.

Ví dụ: (Buổi trưa, tại khu tập thể X, hai bạn Lan và Hùng gọi bạn Hương đi học.)

– Hương ơi, đi học đi!

(Im lặng)

– Hương ơi! Đi học đi! (Lan và Hùng gào lên)

– Gì mà ầm ầm lên thế chúng mày! Không cho ai ngủ nữa à! (tiếng một người đàn ông nói to)

– Các cháu ơi, khẽ chứ! Để cho các bác ngủ trưa với!… Nhanh lên con, Hương! (tiếng mẹ Hương nhẹ nhàng, ôn tồn)

– Đây rồi, ra đây rồi (tiếng Hương nhỏ nhẹ)

– Gớm, chậm như rùa ấy! Cô phê bình chết thôi! (Tiếng Lan làu nhàu)

– Hôm nào cũng chậm. Lạch bà lạch bạch như vịt bầu! (tiếng Hùng tiếp lời).

Trong đoạn văn trên, tính cụ thể đã biểu hiện ở các mặt sau:

– Có địa điểm và thời gian cụ thể (khu tập thể, buổi trưa)

– Có người nói cụ thể ( Lan, Hùng, Hương, mẹ Hương, ông hàng xóm)

– Có người nghe cụ thể (Lan, Hùng, Hương, mẹ Hương, Hùng)

– Có đích lời nói cụ thể (Lan, Hùng gọi Hương đi học, mẹ Hương khuyến Lan và Hùng)

– Có cách diễn đạt cụ thể qua việc dùng từ ngữ kèm theo ngữ điệu phù hợp: Từ ngữ hô gọi (ơi), khuyên bảo thân mật (khẽ chứ), cấm đoán quát nạt (làm gì mà…), cách ví von, miêu tả (chậm như rùa, lạch bà lạch bạch)

4.2. Tính cảm xúc

Dấu hiệu đặc trưng thứ hai của phong cách ngôn ngữ sinh hoạt là tính cảm xúc. Không một lời nói nào nói ra lại không mang tính cảm xúc cả.

Ví dụ: Trong đoạn hội thoại đã được nêu ở trên, tính cảm xúc được thể hiện như sau:

Mỗi người nói, mỗi lời nói đều biểu hiện thái độ, tình cảm qua giọng điệu:

– Giọng thân mật trong thông tin, kêu gọi, thúc giục.

– Giọng thân mật, yêu thương trong lời khuyên bảo của mẹ

– Giọng thân mật trong sự trách móc của Lan và Hùng: (gớm, chậm như rùa)

– Giọng quát nạt bực bội của ông hàng xóm: không cho ai….

Những từ ngữ có tính khẩu ngữ và thể hiện cảm xúc rõ rệt như: gì mà, gớm, lạch bà lạch bạch, chết thôi,…

Những kiểu câu giàu sắc thái cảm xúc (câu cảm thán, câu cầu khiến), những lời gọi đáp, trách mắng,…

4.3. Tính cá thể

Dấu hiệu đặc trưng thứ ba của phong cách ngôn ngữ sinh hoạt là tính cá thể bởi lời nói là vẻ mặt thứ hai, diện mạo thứ hai của con người để phân biệt người này với người khác, người quen hay người lạ, thậm chí phân biệt người tốt với người xấu.

Trong lời ăn tiếng nói hàng ngày, ngoài giọng nói thì cách dùng từ ngữ, cách lựa chọn kiểu câu của mỗi người cũng thể hiện tính cá thể: mỗi người thường có vốn từ ngữ ưa dùng riêng, có những cách nói riêng,… Qua giọng nói, qua từ ngữ và cách nói quen dùng, ta có thể biết được lời nói của ai, thậm chí đoán biết tuổi tác, giới tính, cá tính,… của người đó.

Ví dụ: Trong đoạn hội thoại đã dẫn không ghi được âm thanh trong giọng nói của tứng người, nhưng nếu được ghi âm hay nghe trực tiếp họ đối thoại thì ta có thể phân biệt rất rõ màu sắc âm thanh trong giọng nói của từng người một.

Cám ơn bạn đã theo dõi bài viết! Qua những khái niệm và những ví dụ minh dọa dễ hiểu hy vọng đã giúp các bạn hiểu rõ Phong cách ngôn ngữ sinh hoạt là gì? đặc trưng của phong cách ngôn ngữ sinh hoạt ví dụ.

Hãy theo dõi khuyenhocvietnam.com để có thêm những kiến thức văn học hay và bổ ích. Để lại đánh giá 5* nếu thấy bài viết hữu ích, xin cảm ơn!