Đề bài: Bàn về truyện ngắn có ý kiến cho rằng: “Qua một nỗi lòng, một cảnh ngộ, một sự việc của nhân vật, nhà văn muốn đối thoại với người đọc một vấn đề nhân sinh”. Từ một truyện ngắn mà anh chị thích hãy bày tỏ quan niệm về ý kiến trên?
Truyện ngắn luôn là một hình thức, một thể loại lý tưởng để tác giả phản ánh những câu chuyện của đời sống con người. Bàn về truyện ngắn có ý kiến cho rằng: “Qua một nỗi lòng, một cảnh ngộ, một sự việc của nhân vật, nhà văn muốn đối thoại với người đọc một vấn đề nhân sinh”. Ta có thể hiểu rõ ý kiến này qua truyện ngắn Hai đứa trẻ của nhà văn Thạch Lam.
Có thể nói nhà văn đối thoại, nói cách khác là giao tiếp với người đọc qua những bài viết của mình. Ở đây nhà văn Thạch Lam cũng gửi gắm những vấn đề nhân sinh xã hội qua tác phẩm Hai đứa trẻ. Nhà văn là người phát hiện vấn đề và khái quát nó lên qua những câu chuyện, những cảnh ngộ cụ thể để từ đó đa số bạn đọc thấy được vấn đề nhân sinh mà tác giả muốn trao đổi.
Đọc Hai đứa trẻ của nhà văn Thạch Lam, ai đã từng sống những cuộc sống nghèo khổ ngày xưa như được trở về quá khứ để ngẫm cho cuộc đời, ngẫm cho số phận. Những ai chưa từng phải trải qua nghèo khổ cũng được hiểu thêm về những số phận không may mắn, những chế độ xã hội thuở ông cha. Liên và An là hai chị em sống trong một gia đình tiểu thương. Trước kia khi kinh tế gia đình còn khấm khá hai chị em luôn được dẫn ra bờ hồ Hà Nội ăn những cốc kem xanh đỏ đủ màu. Nay khi gia đình không còn được như trước gia đình Liên phải trở về Cẩm Giàng Hải Dương để sinh sống. Mẹ Liên giao cho hai chị em một quán tạp hóa nhỏ, để tối về trông kiếm thêm đồng hào nhỏ nhoi. Khung cảnh phố huyện hiện ra từ chiều tà cho đến đêm tối. Dưới ngòi bút nhẹ nhàng nhưng sắc sảo của Thạch Lam, một bức hoa đồng quê được hiện ra với những dãy tre cắt hình đen trên trời, ánh mặt trời đỏ dần về phía Tây. Tiếng muỗi vo ve, tiếng trống thu không, tiếng ếch nhái kêu ran ngoài đồng. Tất cả tạo nên một bức tranh buồn man mác.
Những đứa trẻ nhà nghèo xuất hiện, chúng nhặt nhạnh những thanh nứa thanh tre ngoài chợ. Trong chợ rác rưởi khắp nơi, một mùi âm ẩm bốc lên khiến cho Liên cảm nhận được mùi của đất mẹ. Tối đến dần, những con đường bờ sông, đường ra chợ đều tối đen lại, những tia sáng hiếm hoi không thể nào xua tan bóng tối ấy. Mẹ con chị Tí xuất hiện với hàng nước, bác phở Siêu cũng gồng gánh đi ra, gia đình bác Xẩm ngồi chờ khách nghe hát, bà cụ Thi Điên cười khanh khách nhận rượu rồi lảo đảo bước vào bóng tối. Từng ấy con người nơi phố huyện cứ thức mãi, lay lắt như ngọn đèn khuya. Trong bóng tối họ đợi chờ chuyến tàu đêm từ Hà Nội về, họ mong bán được hàng nhưng hơn hết họ mong một điều tươi sáng đến với cuộc đời của họ.
Qua cảnh ngộ của chị em Liên cùng những người dân nơi phố huyện nghèo, nhà văn muốn đối thoại với chúng ta về những vấn đề nhân sinh xã hội. Đó là vấn đề kiếp sống con người trong xã hội những năm Pháp thuộc. Người dân phải lay lắt ngày đêm nhưng vẫn đủ sống. Những người nông dân Việt Nam lầm lũi, những quê nhà nghèo xơ xác, tiêu điều. Những con người ấy khác nhau nhưng số phận thì đều giống nhau cả. Họ đều đang cầm cự sống. Tuy nhiên, hơn hết mọi vấn đề, nhà văn muốn độc giả thấy được niềm tin về tương lai tươi sáng của nhân vật, niềm tin của dân tộc Việt Nam vào một tương lai đầy đủ, bình an hơn.
Như vậy có thể thấy ý kiến trên về truyện ngắn thật chính xác và đúng đắn. Qua truyện ngắn Hai đứa trẻ của nhà văn Thạch Lam ta có thể hiểu rõ về ý kiến trên. Đồng thời qua đây, chúng ta cũng khẳng định được vai trò của tác giả và chức năng của văn chương đối với đời sống nhân loại.
Leave a Reply