Sáng tỏ ý kiến: “Lòng yêu nước, tinh thần dân tộc là nguồn tình cảm đáng trân trọng nhất trong thơ mới”

Đề bài: Đánh giá về phong trào Thơ mới, ông Nguyễn Đăng Mạnh cho rằng:
“Thơ mới thuộc vào mạch văn dân tộc không chỉ ở hình thức mà còn ở nội dung nữa. Lòng yêu nước, tinh thần dân tộc là nguồn tình cảm đáng trân trọng nhất của nó…”.
Qua các bài thơ “Nhớ rừng” của Thế Lữ, “Ông đồ” của Vũ Đình Liên, “Quê hương” của Tế Hanh và các bài thơ khác thuộc phong trào Thơ mới mà em biết hãy làm sáng tỏ ý kiến: “Lòng yêu nước, tinh thần dân tộc là nguồn tình cảm đáng trân trọng nhất của nó…”

1. Yêu cầu về kỹ năng

– Nắm vững phương pháp làm bài nghị luận. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận có đủ ba phần: mở bài – thân bài – kết bài.
– Diễn đạt ít mắc lỗi chính tả, ngữ pháp ; văn viết trôi chảy, thuyết phục ; dùng từ, đặt câu phù hợp.
– Xác định đúng vấn đề nghị luận (Lòng yêu nước, tinh thần dân tộc là nguồn tình cảm đáng trân trọng nhất của nó), triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm, vận dụng tốt các thao tác lập luận ; kết hợp tốt lí lẽ và dẫn chứng để làm sáng tỏ vấn đề.
– Bài viết có ý sáng tạo (nhưng phải phù hợp).

2. yêu cầu về nội dung
2.1. Mở bài : Dẫn dắt và nêu được vấn đề cần làm sáng tỏ
2.2. Thân bài :
– Giải thích : Lòng yêu nước, tinh thần dân tộc là nguồn tình cảm đáng trân trọng nhất của nó.
Trong hoàn cảnh mất nước, các tác giả Thơ mới không giống như các nhà thơ yêu nước và cách mạng là trực tiếp tố cáo tội ác của giặc Pháp và bọn tay sai hay trực tiếp kêu gọi đấu tranh, cứu nước mà đã kín đáo gửi gắm lòng yêu nước một cách thầm kín, gián tiếp : ca ngợi vẻ đẹp của con người và cảnh vật quê hương ; bày tỏ khát khao được tự do và nỗi tủi nhục, mất tự do của thân phận người dân nô lệ ; thể hiện sự luyến tiếc về một vẻ đẹp truyền thống văn hóa của dân tộc đã bị mai một, lãng quên… Lòng yêu nước, tinh thần dân tộc này là một đóng góp của Thơ mới vào kho tàng thi ca của dân tộc. Nguồn tình cảm này cũng rất quý giá, đáng trân trọng.
– Chứng minh:
+ Ca ngợi vẻ đẹp của con người và cảnh vật quê hương: Quê hương – Tế Hanh.
+ Thể hiện nỗi tủi nhục, mất tự do và khao khát được tự do của thân phận người dân nô lệ qua hình ảnh con hổ: Nhớ rừng – Thế Lữ.
+ Bày tỏ sự luyến tiếc về một vẻ đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc đã bị mai một, lãng quên: Ông đồ – Vũ Đình Liên.
2.3. Kết bài:
– Khẳng định ý kiến của Nguyễn Đăng Mạnh là đúng.
– Rút ra thái độ của mình với các tác phẩm Thơ mới có nội dung yêu nước, có tinh thần dân tộc: trân trọng, giữ gìn…